Tên luận án: Mối quan hệ biện chứng giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở Long An hiện nay
Chuyên ngành: Triết học
Mã số: 9229001
Họ và tên nghiên cứu sinh: Lê Thị Ái Nhân
Người hướng dẫn khoa học: TS. Bùi Bá Linh; TS. Trần Văn Khánh
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
1. Tóm tắt nội dung luận án
Long An là tỉnh tiếp giáp Thành phố Hồ Chí Minh - một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế, có vị trí chính trị quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm của phía Nam. Long An vừa nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long lại là cầu nối giữa thành phố Hồ Chí Minh với 12 tỉnh nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với diện tích tự nhiên khoảng 4.495.5 km2, dân số 1.477.300 người, tỉnh Long An có các cửa khẩu quốc tế với Campuchia, có hệ thống giao thông thuận lợi (quốc lộ 1A, 50, các đường tỉnh lộ 823, 824, 825…, hai hệ thống sông Mê Kông và Đồng Nai). Từ những lợi thế về vị trí địa lý và hạ tầng giao thông, trong thời gian qua kinh tế Long An tăng trưởng khá cao, trên cơ sở đẩy mạnh công nghiệp hóa; sản xuất nông nghiệp phát triển, huy động được 15.986 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới trong đó vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án chiếm 46%, vốn huy động nhân dân đóng góp tự nguyện chiếm 38,3%; công nghiệp đạt khoảng 40% giá trị trong nền kinh tế; những sản phẩm như dệt may, thực phẩm chế biến, xây dựng phát triển… Đến nay, toàn tỉnh có 27 cụm công nghiệp và 28 khu công nghiệp được huy hoạch. Đã có 19 khu công nghiệp được thành lập trong tổng số 24 khu công nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư 62,7 triệu USD và 35.336,68 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp đang hoạt động đạt khoảng 50%. Trong bảng xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2014, tỉnh Long An xếp ở vị trí thứ 7 trong 63 tỉnh thành của cả nước. Về chính trị: công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tập trung lãnh đạo thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng; hoạt động bộ máy nhà nước từng bước được đổi mới, hiệu quả ngày càng cao; thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận xã hội; công tác quốc phòng - an ninh - nội chính được tăng cường; hoạt động đối ngoại mở rộng đa dạng tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế và ổn định chính trị - xã hội; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, kết cấu hạ tầng văn hóa - xã hội ngày càng hoàn thiện, an ninh xã hội luôn được đảm bảo… Trong sự phát triển đó, việc giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị của tỉnh Long An có một ý nghĩa và tầm quan trọng rất đặc biệt. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị của tỉnh Long An vẫn còn những bất cập như tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp; hiệu quả, sức cạnh tranh chưa cao; chất lượng công tác quy hoạch, quản lý kinh tế yếu cản trở quá trình đổi mới dẫn đến sự thiếu vững chắc trong ổn định chính trị - xã hội Long An; đổi mới kinh tế chưa đồng bộ là một yếu tố cản trở sự phát triển bền vững ảnh hưởng đến đời sống chính trị tinh thần của người dân Long An...
Những hạn chế, bất cập do nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan nên chưa động hết mọi tiềm năng, thế mạnh vốn có của tỉnh Long An trong quá trình xây dựng, phát triển và đưa Long An phát triển nhanh, bền vững và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Do đó, trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định mục tiêu đổi mới trong giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là: “Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường để nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; giữ vững an ninh quốc phòng. Phấn đấu đưa Long An trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” (Tỉnh ủy Long An, 2019, tr.17). Căn cứ từ thực trạng mối quan hệ biện chứng giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở tỉnh Long An, qua phân tích thực trạng mối quan hệ biện chứng giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở tỉnh Long An hiện nay, tác giả luận án đã đề ra những phương hướng cơ bản nhằm giải quyết hiệu quả mối quan hệ biện chứng giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở tỉnh Long An là: 1). Đổi mới kinh tế gắn kết chặt chẽ với đổi mới chính trị xuất phát từ mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở Long An; 2). Nâng cao hiệu quả của đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị trong từng bước, từng chính sách trên cơ sở phát triển đồng bộ, hài hòa giữa các lĩnh vực, các yếu tố trong đời sống xã hội ở Long An; 3). Kết hợp chặt chẽ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở Long An cần dựa vào đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh của, đồng thời khai thác các nguồn lực và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển của tỉnh. Từ đó, tác giả luận án đã đề xuất năm giải pháp chủ yếu để thực hiện những phương hướng có tính chất định hướng đó như sau: Một là, nâng cao nhận thức ý nghĩa và tầm quan trọng của việc giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở Long An; Hai là, đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở Long An; Ba là, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, năng lực, hiệu quả quản lý của bộ máy, đội ngũ cán bộ và các tổ chức doanh nghiệp trong việc giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở Long An; Bốn là, phát triển các ngành và lĩnh vực kinh tế trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức trong việc nâng cao mối quan hệ biện chứng giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở Long An; Năm là, tăng cường đầu tư, phát triển nguồn lực; phát huy truyền thống văn hóa, con người trong việc nâng cao mối quan hệ biện chứng giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở Long An. Việc thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp trên sẽ là đòn bẩy nhằm phát huy, giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở tỉnh Long An hiện nay.
2. Những kết quả mới của luận án
Một là, luận án bước đầu phân tích thực trạng (thành tựu và hạn chế) mối quan hệ biện chứng giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở tỉnh Long An qua 34 năm đổi mới, chỉ rõ nguyên nhân của thực trạng đó và xác định một số vấn đề hiện đang đặt ra.
Hai là, luận án đề xuất phương hướng và giải pháp mang tính định hướng nhằm giải quyết có hiệu quả mối quan hệ biện chứng giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị trong những năm đổi mới tiếp theo ở Long An.
3. Khả năng ứng dụng của luận án
Những phương hướng cơ bản có tính định hướng và các giải pháp chủ yếu mà tác giả luận án đề xuất có thể góp phần giúp cho Đảng bộ và chính quyền tỉnh Long An, các nhà kinh tế, các nhà đầu tư tham khảo trong việc hoạch định các chủ trương, chính sách và các giải pháp nhằm thực hiện mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị ở tỉnh Long An.
Kết quả nghiên cứu của luận án cũng có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc học tập, nghiên cứu, giảng dạy các lĩnh vực Triết học, Chính trị học, Kinh tế học, Xã hội học… và cho các nhà nghiên cứu quan tâm đến phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ xã hội của các địa phương trong cả nước nói chung, ở tỉnh Long An nói riêng.
Hãy là người bình luận đầu tiên