Tên luận án: Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái tại tỉnh Đồng Nai hiện nay
Ngành: Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử
Mã số: 922 90 02
Họ và tên nghiên cứu sinh: Đặng Hoàng Vũ
Người hướng dẫn khoa học: PGS, TS. Vũ Đức Khiển
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
1. Tóm tắt nội dung luận án
Sự nghiệp đổi mới ở nước ta do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo diễn ra trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, tập I, tr.110). Từ đó cho thấy, Đảng đã xác định phát triển kinh tế đóng vai trò là cơ sở, nền tảng, tạo điều kiện tiền đề vật chất cho sự phát triển các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Tuy nhiên, nếu chỉ nhấn mạnh phát triển kinh tế mà ít chú trọng đến các lĩnh vực khác, đặc biệt là bảo vệ môi trường sinh thái sẽ dẫn đến sự phát triển không đồng bộ, không bền vững. Do vậy mà giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái là mục tiêu hết sức quan trọng để đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Đồng Nai là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị thế địa lý thuận lợi trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong những năm qua, tỉnh Đồng Nai đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ phát triển kinh tế nhanh, đặc biệt là sự tăng lên về số lượng các khu công nghiệp (tính đến hết năm 2021, Đồng Nai có 31 khu công nghiệp đi vào hoạt động, trong khi cả nước chỉ có 260 khu, chiếm 1/8 cả nước), nhờ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra rất phổ biến làm cho vấn đề môi trường sinh thái của tỉnh không đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững. Xuất phát từ thực trạng ấy, việc nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái tại Đồng Nai hiện nay là hết sức cần thiết. Để đạt được mục tiêu đó, luận án “Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái tại tỉnh Đồng Nai hiện nay” đã giải quyết được bốn vấn đề chính như sau:
Một là, luận án đã có những khái quát chung về các công trình nghiên cứu trước đây để làm cơ sở cho việc nhận thức và giải quyết mối quan hệ này. Các tài liệu đã từng công bố trước đây được chia thành 3 hướng: Hướng thứ nhất là những công trình nghiên cứu lý luận về phát triển kinh tế và lý luận về bảo vệ môi trường sinh thái; Hướng thứ hai là những công trình nghiên cứu về về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái; Hướng thứ ba là những công trình nghiên cứu về Đồng Nai nói chung và thực trạng về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái tại tỉnh Đồng Nai nói riêng.
Hai là, luận án đưa ra các lý luận về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái (Chương 1). Hiện có nhiều định nghĩa về kinh tế và phát triển kinh tế nên cần phải làm rõ, thống nhất lại nội hàm để hiểu về bản chất của phát triển kinh tế và tránh nhầm lẫn giữa phát triển kinh tế với tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, cũng có nhiều cách định nghĩa về môi trường nên cần bám sát vào quan điểm của Liên hợp quốc về môi trường, cũng như định nghĩa của Luật bảo vệ môi trường Việt Nam. Từ đó, xác định mối quan hệ theo hướng tác động hai chiều qua lại, cả về tích cực lẫn tiêu cực của phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái. Muốn phát triển bền vững thì phải cân bằng được lợi ích hai chiều đó của phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.
Ba là, luận án đã xác định các yếu tố tác động và thực trạng của mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái tại tỉnh Đồng Nai hiện nay (Chương 2). Các yếu tố tác động được phân tích trên nhiều khía cạnh, cả về tồn tại xã hội, lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng của tỉnh Đồng Nai. Từ đó luận án có cái nhìn khách quan đối với thực trạng và đánh giá thực trạng của mối quan hệ này tại tỉnh trên cả hai mặt là tích cực và tiêu cực, làm căn cứ để luận án xác định các vấn đề đặt ra từ thực trạng của mối quan hệ này của tỉnh để đưa ra các quan điểm, giải pháp giải quyết tốt mối quan hệ này trong thời gian tới.
Bốn là, luận án đưa ra những quan điểm chủ đạo và một số giải pháp chủ yếu để giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường tại tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới (Chương 3). Những quan điểm được cấu trúc theo logic từ nhận thức đến hành động, nhận thức từ những cái chung nhất theo quan điểm của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, đến những quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng bộ tỉnh về mối quan hệ này, để giải quyết mối quan hệ này từ thế mạnh, đặc thù, tiềm năng của Đồng Nai trong sự phối hợp của liên kết Vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Một số giải pháp chủ yếu được cấu trúc theo logic từ giải pháp chung như nâng cao nhận thức, hoàn thiện khung pháp lý, kết nối thể chế, giảm thiểu chồng chéo, xung đột, … đến các giải pháp cụ thể như quản lý nhà nước, nâng cao năng lực cán bộ, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững, tuần hoàn và tận dụng tối đa thành tựu của khoa học – công nghệ trong xu hướng của Cách mạng 4.0.
2. Những kết quả mới của luận án
Một là, luận án đã góp phần làm rõ những vấn đề lý luận chung về phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái và mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái. Hai là, luận án phân tích, đánh giá và chỉ ra được thực trạng của mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái tại tỉnh Đồng Nai hiện nay. Ba là, luận án đã đưa ra những quan điểm chủ đạo và một số giải pháp chủ yếu nhằm giải quyết mối quan hệ giữa triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái tại tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới.
3. Khả năng ứng dụng của luận án
Những quan điểm chủ đạo và một số giải pháp chủ yếu mà tác giả luận án đưa ra có thể góp phần giúp cho Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đồng Nai, các nhà kinh tế, các nhà đầu tư tham khảo trong việc hoạch định các chủ trương, chính sách và các giải pháp nhằm hướng đến phát triển bền vững tại Đồng Nai. Kết quả nghiên cứu của luận án cũng có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc học tập, nghiên cứu, giảng dạy các lĩnh vực như triết học, kinh tế, pháp luật, … và các hoạt động truyền thông về môi trường.
Hãy là người bình luận đầu tiên