Phát biểu trong phiên họp Hội đồng Đại học ĐHQG-HCM lần thứ 17, khóa IV, tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM vào ngày 8/12, PGS.TS Phan Thanh Bình - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Giám đốc ĐHQG-HCM - đã có những phân tích, nhận định sâu sắc về tác động của dân chủ và tự chủ trong quản lý đại học cũng như sự cần thiết của quy chế tổ chức hoạt động của ĐHQG-HCM và các đơn vị thành viên.
Website ĐHQG-HCM xin trân trọng giới thiệu và trích đăng bài phát biểu này.
Cần một năng lực tự chủ
Năm 2022, ĐHQG-HCM đã chọn chủ đề “Mô hình tự chủ”. Điều này khẳng định nhận thức đúng đắn và quyết tâm của ĐHQG-HCM trong việc xây dựng một đại học chuẩn mực, đảm bảo sự tự do trong học thuật, dân chủ trong trong quản lý, tự chủ trong nhận thức trách nhiệm trước xã hội, nhằm tạo điều kiện giải phóng năng lượng, tiềm năng sáng tạo của cả hệ thống, từ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên, viên chức đến tập thể sinh viên xuất sắc, tài năng của ĐHQG-HCM. Chủ trương này phù hợp với các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 vừa ban hành về “Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới” và “Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”. Xin lưu ý cả hai nghị quyết đều nhấn mạnh đến cụm từ “giai đoạn mới”.
Chỉ có tổ chức tự chủ trên nền của dân chủ mới có thể đào tạo ra những người trí thức tự chủ và tự nhận lãnh trách nhiệm của mình một cách tự giác, trí tuệ, sáng tạo và bản lĩnh trước xã hội, đất nước. Đó chính là chức năng của trường đại học.
Muốn xây dựng một đại học tự chủ cần một năng lực tự chủ, gồm: giá trị chuyên môn, cơ chế tự chủ và con người tự chủ.
Được thành lập, phát triển trên cơ sở tổ hợp các trường đại học lớn, truyền thống của TP.HCM, giá trị chuyên môn, khoa học của ĐHQG-HCM đã được khẳng định. Nếu ngày nay có sự giảm sút chất lượng chuyên môn, vị thế đóng góp chuyên môn thì trách nhiệm thuộc về ĐHQG-HCM, trong đó có trách nhiệm của Hội đồng ĐHQG-HCM.
Vấn đề còn lại là cần xây dựng và đảm bảo một cơ chế tự chủ đúng như định nghĩa một đại học, trường đại học nhằm phát huy cao hơn nữa giá trị khoa học và đóng góp trí tuệ của thầy và trò ĐHQG-HCM. Điều này khiến chúng ta phải phấn đấu liên tục để có thể trở thành những người quản lý, những người chịu trách nhiệm có đầy đủ nhận thức và năng lực tự chủ.
Chỉ khi chúng ta thực sự nhận thức đúng về tự chủ đại học và có đủ năng lực, phẩm chất để triển khai tự chủ đại học thì lúc đó, đại học mới thật sự là đại học, trường đại học mới thực sự là trường đại học, nơi đào tạo và phát huy năng lực của người trí thức để phục vụ cho đất nước. Nếu không, chúng ta vẫn mãi là một cơ quan hành chính, một trường cấp ba “phẩy”, và chúng ta chỉ có thể đào tạo ra những người lao động chỉn chu, ngoan hiền cho xã hội, nhưng chưa chắc đó là những người chủ của tương lai.
Đây là một bài toán lớn, một thử thách lớn mà Hội đồng ĐHQG-HCM phải luôn cân nhắc và phấn đấu hoàn thiện. Bởi vì dân chủ và tự chủ trong trường đại học đối với chúng ta vẫn còn là điều mới mẻ trong nhận thức và triển khai thực tế, khi xã hội vẫn nặng tư duy hành chính và thủ trưởng, khi thị trường ngày càng tác động lớn đến nhà trường đại học, khi cạnh tranh giáo dục đại học trong nước và thế giới ngày càng mạnh mẽ. Nếu chúng ta không thật sự quan tâm đến dân chủ/tự chủ thì khó phát huy được tiềm năng sáng tạo của đội ngũ; sự phấn khích, tự giác của hệ thống dễ dẫn đến đơn cực, đi xuống; tư duy, năng lực phản biện trở nên yếu kém; và do vậy ĐHQG-HCM có thể bị sút giảm cơ hội và điều kiện vươn lên đẳng cấp quốc tế.
Nên có quy chế về tổ chức và hoạt động của ĐHQG-HCM
Khi nói về tự chủ đại học, vấn đề được đặt ra là cơ chế tự chủ và con người tự chủ. Con người sẽ đảm bảo cho cơ chế hoạt động đúng và cơ chế đảm bảo cho hệ thống được điều chỉnh theo nguyên tắc, điều chỉnh ngay hành hành vi và tư duy của con người quản lý, cũng như con người chịu quản lý.
Cơ chế tự chủ bao gồm hệ thống điều hành và hội đồng quản trị, trong đó quy chế hoạt động đơn vị, hành lang pháp lý của đơn vị sẽ đảm bảo cho cơ chế được hoạt động đúng nguyên tắc và cân bằng giữa các mối quan hệ. Đối với ĐHQG-HCM, một hệ thống đại học lớn, đã triển khai tự chủ cho 6/7 trường thành viên, đã có nhiều đơn vị trực thuộc tự chủ tài chính thì việc cần làm rõ quy chế tổ chức và hoạt động của hệ thống càng có ý nghĩa cấp thiết và quan trọng.
Tuy đến nay, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi và bổ sung (Luật 34) đã có hiệu lực trên 3 năm (từ 1/7/2019) nhưng Chính phủ vẫn chưa ban hành Quy chế hoạt động của ĐHQG-HCM theo luật định; từ đó, ĐHQG-HCM và các đơn vị thành viên, trực thuộc đều hoạt động theo những quy chế cũ, khi chưa có các đơn vị tự chủ theo Luật 34.
Đây là một việc hệ trọng và cấp bách mà Hội đồng ĐHQG-HCM, ĐHQG-HCM cần nhận thức và nghiên cứu triển khai một cách nghiêm túc.
Đối với hệ thống, khi công nhận các đơn vị tự chủ đúng nghĩa, không chỉ trên góc độ học phí, thì quy chế hoạt động của các đơn vị tự chủ cũng như mối quan hệ hệ thống cần được xác nhận một cách rõ ràng, mạch lạc. Mối quan hệ này không hoàn toàn giống như trước, nhất là về các mặt chuyên môn, tổ chức và tài chính. Và trong từng đơn vị, khi tự chủ thì quyền lực được triển khai và giám sát như thế nào? Làm sao để thể hiện được năng lực, bản lĩnh và hiệu quả của cơ chế tự chủ trong một đơn vị, khi trong hệ thống, các cơ chế, cơ cấu liên quan, trách nhiệm của những cá nhân lãnh đạo đang đan chéo nhau, không đơn giản?
Quy chế hiện hành, từ ĐHQG-HCM đến các trường thành viên đều không chính thức đặt rõ vai trò của các hội đồng, chưa quy định quy trình nội dung và quy trình hình thức các hoạt động nhằm bảo đảm tốt nhất và phát huy hiệu quả hoạt động của hội đồng. Trong khi chúng ta đều biết, hoạt động, phương thức sinh hoạt, tính chất của hội đồng khác với phương thức, tính chất hoạt động của cơ quan quản lý điều hành. Hội đồng hoạt động theo thể chế đại nghị, trao đổi, thảo luận và ra nghị quyết chung để bên quản lý triển khai. Trong hội đồng, chủ tịch hội đồng không phải là thủ trưởng của hội đồng mà là người điều phối để hội đồng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình và ra một nghị quyết chất lượng.
Chỉ khi chúng ta phân biệt, làm tốt việc này thì mới đảm bảo sự đúng đắn trong việc triển khai chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, các vị trí.
Trung ương vừa ban hành nghị quyết về “Thể chế hóa đầy đủ và thực hiện đúng đắn, hiệu quả cơ chế nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ cơ sở”, “Mọi quyền lực phải được kiểm soát bằng cơ chế”. Trên tinh thần đó, tôi tha thiết đề nghị lãnh đạo Đảng ủy, Ban Giám đốc ĐHQG-HCM và Hội đồng ĐHQG-HCM nên đưa vào chương trình làm việc của Hội đồng về việc rà soát và xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động tạm thời của ĐHQG-HCM và các đơn vị thành viên, trực thuộc trong khi chờ đợi Chính phủ ban hành quy chế.
Quy chế của ĐHQG theo luật định phải do Chính phủ ban hành, tuy nhiên với bản lĩnh, quá trình phát triển của ĐHQG-HCM từ hơn 20 năm qua, tôi tin rằng việc soạn thảo, ban hành quy chế tạm thời về tổ chức và hoạt động ĐHQG-HCM là hoàn toàn khả thi. Quy chế của Chính phủ chủ yếu mở rộng nhiệm vụ, quyền hạn cho ĐHQG-HCM, vốn do Thủ tướng nắm giữ. Hơn nữa, theo luật, trong quy chế còn có những quy trình, quy chế nội bộ, từ nội dung đến hình thức, phải do chính ĐHQG-HCM, Hội đồng ĐHQG-HCM quyết định, nhằm đảm bảo sự linh hoạt, sát với thực tiễn của hệ thống ĐHQG-HCM và các trường thành viên.
Quy chế này càng cấp thiết khi mô hình, vị trí và hoạt động của ĐHQG đang được xã hội rất quan tâm, kỳ vọng, song song với việc Thủ tướng cho thành lập thêm đại học đa lĩnh vực trong thời gian gần đây.
PGS.TS PHAN THANH BÌNH
(*) Tít và trung đề do Ban Biên tập Website ĐHQG-HCM đặt.
Hãy là người bình luận đầu tiên