Tin tổng hợp

Nghị định về ĐHQG cần tạo cơ hội cho giáo dục đại học phát triển

  • 02/06/2020
  • Ngày 1/6 Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (ủy ban) đã có buổi làm việc với hai Đại học Quốc gia (ĐHQG) để nghe kiến nghị của ĐHQG về dự thảo Nghị định ĐHQG. Buổi làm việc có PGS.TS Phan Thanh Bình Chủ nhiệm Ủy ban, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn và Giám đốc ĐHQG-HCM Huỳnh Thành Đạt cùng các chuyên gia về giáo dục.

    Đề cập việc xây dựng Nghị định quy định về ĐHQG, PGS.TS Phan Thanh Bình nêu 3 quan điểm: Đầu tiên, đây là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Trong hệ thống giáo dục đại học phải có các trung tâm giáo dục, NCKH chuyển giao công nghệ đủ tầm; thứ hai, có các đại học làm nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, đi đầu dẫn dắt và hội nhập bình đẳng quốc tế; thứ ba ĐHQG được đầu tư tập trung trên bình diện đánh giá hiệu quả.

    PGS.TS Phan Thanh Bình cho biết, đến nay giáo dục Việt Nam có ba luật khá hoàn chỉnh bổ sung cho nhau. Đó là Luật Giáo dục năm 2019; Luật Giáo dục Đại học năm 2018; trước đó là Luật Giáo dục nghề nghiệp. Ba Luật này đang phối hợp để điều chỉnh toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam. Riêng Luật Giáo dục Đại học, một trong những nội dung lớn là tự chủ đại học, ẩn sau tự chủ đại học là tinh thần đại học. Đó là phải đào tạo tầng lớp trí thức tinh hoa cho đất nước. Các ĐHQG phải làm được việc này.

    Giám đốc ĐHQG-HCM Huỳnh Thành Đạt cho biết, từ khi ĐHQG-HCM được thành lập đến nay đã có 4 nghị định liên quan trực tiếp ĐHQG và đều thể hiện sự tiến bộ so với các văn bản trước đó. ĐHQG-HCM mong chờ khi Nghị định về quy định ĐHQG mới được ban hành trên cơ sở Luật Giáo dục Đại học; từ đó tạo cơ hội cho giáo dục đại học phát triển, trong đó có ĐHQG.

    Theo Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn, cách đây hơn 25 năm khi xuất hiện chủ thể ĐHQG, Việt Nam đã mở đầu chặng đường mới quan trọng, bắt đầu ý tưởng cho tự chủ đại học, hội nhập quốc tế. Thời điểm này làm, khi xây dựng Nghị định quy định về ĐHQG, cần xác định hai ĐHQG gánh vác những gì; thử nghiệm, tiên phong cho những nội dung nào ít nhất là 10 năm, vài chục năm sau để góp phần phát triển giáo dục đại học của đất nước. Khi ban hành nghị định mới cần có tổng kết những nghị định trước, nghị định đang được áp dụng. Nghị định mới phải vừa mở đường cho ĐHQG phát triển và sẵn sàng chịu trách nhiệm. Đồng thời phải tránh chồng chéo, tránh rủi ro pháp lý cho ĐHQG.

    Tại buổi làm việc, một số ý cho rằng, Nghị định về quy định ĐHQG cần mở ra đột phá nhiều hơn và đòi hỏi nhiều hơn với hai ĐHQG, giúp hai đơn vị hoàn thành sứ mạng, nhiệm vụ chiến lược của mình. Trong đó phải mở rộng hơn cơ chế tự chủ cho hai ĐHQG.

    Dự thảo Nghị định quy định về ĐHQG được Bộ GD&ĐT công bố, lấy ý kiến để tiếp tục hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành.

     

    5 đề xuất của ĐHQG-HCM

    1, Về tổ chức, ĐHQG-HCM kiến nghị bổ sung học viện là đơn vị thành viên của ĐHQG.

    2, Về đào tạo, ĐHQG có thẩm quyền trong các quyết định ban hành quy chế đào tạo; đề án tuyển sinh đại học và sau đại học; phê duyệt mở các ngành đào tạo mới chưa có trong danh mục đào tạo, áp dụng trong phạm vi ĐHQG.

    3, Về công tác đầu tư, quản lý tài chính, tài sản và cơ sở vật chất, ĐHQG có thẩm quyền với các dự án do ĐHQG quyết định đầu tư tương đương thẩm quyền của các bộ ngành đối với các dự án đầu tư nhóm B trở xuống; thẩm định thiết kế xây dựng và kiểm tra nghiệm thu công trình xây dựng cấp 1 trở xuống; tổ chức thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 các dự án đầu tư xây dựng của các đơn vị trong ĐHQG.

    ĐHQG có thẩm quyền quyết định đầu tư, phê duyệt dự án ký kết hợp đồng thực hiện dự án đối với đối tác công tư thuộc phạm vi quản lý theo quy định pháp luật; được huy động nguồn lực của xã hội, thực hiện xã hội hóa để xây dựng ĐHQG.

    4, Công tác khen thưởng, ĐHQG được trình trực tiếp hồ sơ tới Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, các danh hiệu hình thức khen thưởng cấp ĐHQG được tích lũy cho việc xét khen thưởng cấp cao hơn.

    5, Về nhiệm vụ của hội đồng ĐHQG. Hội đồng được quyết nghị thông qua đề án thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc ĐHQG theo quy định của pháp luật; phê duyệt đề án, phương án tự chủ của các đơn vị thành viên, trực thuộc và thuộc ĐHQG; quyết nghị thông qua chiến lược, quy hoạch kế hoạch phát triển của các đơn vị thành viên, trực thuộc ĐHQG, các nghị quyết hội đồng trường thành viên.

     

    Buổi làm việc giữa Ủy ban và hai ĐHQG.

    Tin, ảnh: Thái Việt

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên