Tên luận án: Nhà ở truyền thống của người Việt ở Đồng Nai (từ giữa thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX)
Chuyên ngành: Khảo cổ học
Mã số: 9229017
Họ và tên nghiên cứu sinh: Cao Thu Nga
Người hướng dẫn khao học: PGS.TS. Đặng Văn Thắng
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
+ Tóm tắt nội dung luận án (abstract) – viết dưới dạng tóm tắt bài báo khoa học
Nhà ở truyền thống của người Việt tại Đồng Nai là một loại hình di tích dân dụng có giá trị độc đáo về kiến trúc, mỹ thuật và đặc trưng của một thời kỳ lịch sử. Loại hình di tích này ghi đậm dấu ấn văn hóa của lớp cư dân vùng “Ngũ Quảng” trong quá trình Nam tiến của người Việt từ sau thế kỷ XVII. Các công trình kiến trúc nhà ở truyền thống này là đầu mối để tìm hiểu về phong tục cổ truyền của chính chủ nhân những ngôi nhà đó. Hơn thế, đó không chỉ là nơi ở, mà còn có chức năng thờ cúng tổ tiên và là cơ sở sản xuất kinh doanh. Vì vậy, bảo tồn các kiến trúc này cũng là bảo tồn truyền thống và văn hóa của dân tộc. Nghiên cứu, đánh giá về đặc trưng loại hình di tích nhà cổ ở Đồng Nai là để xác định niên đại, giá trị lịch sử – văn hóa, mối quan hệ văn hóa của loại hình di tích này đối với các di tích cùng loại ở miền Nam, miền Trung và miền Bắc của nước ta. Kết quả nghiên cứu sẽ cho chúng ta cái nhìn tổng quan hơn về nhà ở cổ truyền; Đồng thời góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của nhà ở cổ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay.
+ Những kết quả của luận án
1. Nhà ở truyền thống người Việt tại Đồng Nai từ giữa thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX là sản phẩm văn hóa của cư dân Việt tại Đồng Nai mang những đặc điểm của vùng địa lý tự nhiên và văn hóa của khu vực Đông Nam bộ. Những yếu tố về tự nhiên, môi trường, lịch sử - văn hóa, kinh tế - xã hội là tiền đề khách quan, có trước, mang tính chất bao trùm tác động trực tiếp đến đời sống của người dân Đồng Nai buộc họ phải thích nghi và ứng phó, nó ảnh hưởng trực tiếp đến kỹ thuật xây dựng nhà, công năng sử dụng, lối sinh hoạt ở trong nhà cũng như quan niệm thẩm mỹ của chủ nhân ngôi nhà. Qua đó cho thấy ngôi nhà là kết tinh của những giá tri vật chất và tinh thần.
2. Đặc trưng kiến trúc về nhà ở truyền thống người Việt tại Đồng Nai gồm hai kết cấu kiến trúc cột giữa và xuyên trính, đều sử dụng vì kèo chồng cho toàn bộ ngôi nhà. Kết cấu vì kèo chồng này ảnh hưởng trực tiếp từ kiểu nhà rội/rọi và nhà rường ở miền Trung. Các kiểu nhà ở truyền thống người Việt miền Bắc, miền Trung ảnh hưởng trực tiếp và có phần biến đổi qua nhà ở truyền thống người Việt tại Đồng Nai. Đó là sự phát triển của loại kết cấu vì kèo 3 cột của nhà miền Bắc thành kiểu vì kèo rội/rọi ở miền Trung và là nhà cột giữa ở miền Nam và Đồng Nai. Kết cấu vì thân sử dụng hệ thống kẻ truyền trong nhà ở miền Bắc trở thành hệ thống kèo chồng ở nhà miền Trung và Đồng Nai. Đặc điểm vì kèo chồng đã trở thành phổ biến và thống nhất trong nhà ở Đồng Nai và tác giả xem đây là kết cấu vì kèo đặc trưng cho nhà ở truyền thống vùng đất này. Kết cấu bộ khung nhà ở Đồng Nai qua phân tích và mô tả chứng tỏ đã có ảnh hưởng trực tiếp từ nhà ở cổ truyền ở khu vực miền Trung trong quá trình di dân về phương Nam từ hơn 300 năm trước. Điều này khẳng định sự kế thừa và tiếp biến văn hóa trong kiến trúc nhà ở của cộng đồng người Việt từ miền Trung vào miền Nam. Tuy vậy ta vẫn thấy được những nét riêng biệt của nhà ở truyền thống Đồng Nai trong kết cấu vì kèo được giản lược với hệ vì kèo chồng là xuyên suốt và thống nhất. Nhà ở truyền thống người Việt tại Đồng Nai còn ghi dấu quá trình giao lưu văn hóa Đông – Tây thông qua những ngôi nhà có mặt tiền ảnh hưởng kiến trúc Pháp.
3. Bố cục không gian nhà ở qua công năng sử dụng phản ánh nếp nhà cũng như văn hóa tộc người. Những yếu tố về hình thái gia đình, mức sống, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, quan niệm thẩm mỹ, tôn giáo tín ngưỡng được thể hiện qua mặt bằng sinh hoạt.
4. Nghệ thuật trang trí trong kết cấu kiến trúc và đồ dùng nội thất là một trong những đặc trưng điển hình nhất của nhà ở Đồng Nai, đó là sự tinh tế giàu tính gợi cảm, thân thiết và gần gũi với thiên nhiên, con người. Đồng thời còn thấy rõ được tính kế thừa truyền thống điêu khắc thời Nguyễn, lối chạm trổ thanh thoát ẩn dụ, tỉ mỉ và cầu kỳ. Song qua bàn tay khéo léo và thời khắc thăng hoa trong nghệ thuật của các nghệ sỹ đã biến những đề tài cổ điển, truyền thống thành những đề tài điêu khắc dân dã kiểu Nam bộ đặc trưng cho vùng Đồng Nai, phản ánh đời sống và sinh hoạt của người dân hay nói cách khác kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc là tấm gương phản chiếu cuộc sống của nguời xưa. Khối lượng lớn tư liệu chữ Hán ở Hoành phi, liễn đối cung cấp kiến thức về văn học, thi ca, điển tích, về những triết lý giáo dục con người theo truyền thống Á Đông...
+ Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần tái hiện lịch sử kiến trúc nhà ở truyền thống vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai từ khi người Việt đặt chân đến khai phá, xây dựng cuộc sống trên vùng đất mới. Luận án còn là tài liệu tham khảo cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh và cho những ai quan tâm đến nhà ở truyền thống của người Việt ở Đồng Nai và Nam bộ.
Hãy là người bình luận đầu tiên