Tên luận án: Nhận thức luận trong triết học Krishnamurti
Chuyên ngành: Triết học
Mã số: 9229001
Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Văn Bừng
Người hướng dẫn khoa học: TS. Vũ Ngọc Lanh và TS. Nguyễn Anh Thường
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM
1. Tóm tắt nội dung luận án
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, bối cảnh lịch sử - xã hội thế giới và Ấn Độ có nhiều biến động gây ra những hoang man, sợ hãi cho đời sống nhân loại. Hội Thông Thiên Học cố gắng tìm kiếm và bồi dưỡng người có thể thống nhất các tôn giáo, các triết thuyết nhằm dẫn dắt nhân loại tiến lên một mức độ tiến hoá cao hơn của tinh thần, và họ đã chọn Krishnamurti. Trong kỳ vọng trở thành Đạo sư thế giới, Krishnamurti đã trở thành một triết gia vĩ đại của thế kỷ XX. Ông đã chỉ ra cho nhân loại nguyên nhân của mọi dốt nát, sợ hãi, đau khổ của đời sống là do sự tích chứa tư tưởng cùng những kỳ vọng và ý hướng đạt thành theo những phóng chiếu của tư tưởng mang tính chất phân mảnh. Với tuyên bố “chân lý là mảnh đất không lối mòn”, Krishnamurti phủ nhận mọi sự dẫn dắt và khẳng định khả năng tự nhận thức chân lý của mỗi cá thể người để có thể tự do và hạnh phúc. Mặc dù còn những hạn chế nhưng nhận thức luận Krishnamurti có nhiều ý nghĩa, đặc biệt, ở thế kỷ XXI, nó sẽ góp phần thúc đẩy phong trào giải phóng con người về tâm trí để con người ngày càng thông minh, dũng cảm và yêu thương.
2. Những kết quả của luận án
2.1. Về phương diện khoa học
Kết quả nghiên cứu của luận án đã hệ thống hoá được nội dung cơ bản của nhận thức luận trong triết học Krishnamurti đó là: sự thống nhất của chủ thể và khách thể nhận thức; nguyên nhân và biểu hiện của sự tha hoá tinh thần con người; nguồn gốc và mục đích của nhận thức; trạng huống của nhận thức; nguyên tắc và phương pháp nhận thức. Bên cạnh những nội dung đó, luận án cũng khái quát những đặc điểm nổi bật của nhận thức luận trong triết học Krishnamurti là: ngoài tính phản kháng, tính hướng nội, tính biện chứng thì nhận thức luận Krishnamurti đã thực hiện sự kết nối giữa khoa học và tôn giáo theo cách rất đặc biệt. Mặc dù tồn tại những hạn chế (duy tâm chủ quan, bất khả thi với khả năng nhận thức của toàn thể nhân loại, bị tự quy định) nhưng nhận thức luận Krishnamurti cũng thể hiện những ý nghĩa thông qua các giá trị: góp phần phản ánh đời sống nhân loại, góp phần định hướng phương cách giáo dục mới, góp phần chỉ dẫn cho hoạt động nhận thức tâm lý của mỗi cá nhân và thúc đẩy phong trào giải phóng con người ở phương diện tâm trí. Đó là những kết quả đạt được của luận án ở phương diện khoa học.
2.2. Về phương diện thực tiễn
Những phân tích, đánh giá của luận án góp phần nâng cao khả năng nhận thức của con người (đặc biệt là thanh niên) về các hiện tượng của tâm trí con người; góp phần giúp con người vượt qua những bấn loạn, sợ hãi trước những biến động phức tạp của đời sống (tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, nguy cơ chiến tranh, dịch bệnh, …).
Luận án cũng có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo, phục vụ cho việc tìm hiểu, nghiên cứu triết học và cho những ai quan tâm tư tưởng Krishnamurti.
3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Khả năng ứng dụng: Luận án có thể được ứng dụng vào ngành tâm lý trị liệu, bổ sung cho ngành tâm lý trị liệu một số nguyên tắc và phương pháp trị liệu hiệu quả hơn.
Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu: Khảo sát hiệu quả của những nguyên tắc và phương pháp nhận thức của Jiddu Krishnamurti trong hoạt động trị liệu tâm lý (phù hợp cho ngành tâm lý học), Quan điểm của Krishnamurti về giáo dục tự chủ và ý nghĩa có nó đến giáo dục ở Việt Nam hiện nay, Sự tha hoá tinh thần con người – từ Karl Marx đến Jiddu Krishnamurti, Một số vấn đề của tâm trí – từ Sigmund Freud đến Jiddu Krishnamurti
Hãy là người bình luận đầu tiên