Khi được hỏi “mục tiêu tìm kiếm những giải pháp cải thiện sức khỏe trí tuệ và tinh thần của người Việt Nam đã đạt bao nhiêu phần trăm so với kỳ vọng của cô?”, TS Thanh Hương chỉ đáp: “Chưa bao nhiêu đâu em. Con đường còn dài lắm!”.
TS Hà Thị Thanh Hương (34 tuổi) - Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Mô và Y học tái tạo, Khoa Kỹ thuật Y sinh (KTYS), Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM, là một trong 10 nhà khoa học trẻ nhận Giải thưởng Khoa học Công nghệ thanh niên Quả cầu vàng năm 2023 vì có những đóng góp nổi bật trong lĩnh vực công nghệ y - dược.
Việc trở về đã nằm trong dự tính
Lớn lên trong gia đình có ba làm giáo viên dạy hóa học, mẹ dạy sinh học, cô bé Thanh Hương sớm đã bộc lộ sở thích học các môn tự nhiên. Đến năm 16 tuổi, nữ sinh Thanh Hương trúng tuyển vào lớp chuyên Sinh của Trường Phổ thông Năng khiếu ĐHQG-HCM.
Qua những bài giảng cùng câu chuyện nghiên cứu thú vị của thầy cô, niềm yêu thích sinh học trong TS Hương lớn dần lên. Như “cá gặp nước”, cô liên tiếp gặt hái nhiều thành tích như giải Nhất học sinh giỏi cấp thành phố năm lớp 11, 12 và giải Khuyến khích học sinh giỏi cấp quốc gia môn sinh học.
Chính điều này cũng khiến TS Thanh Hương nghĩ rằng mình sẽ theo học một ngành nghề liên quan đến sinh học. Trùng hợp vào lúc này, cô lại nung nấu ý tưởng muốn cải thiện điều kiện chăm sóc sức khỏe tinh thần ở Việt Nam sau những lần đưa người thân đến bệnh viện khám bệnh trầm cảm.
Đến năm lớp 12, TS Hương quyết định thi vào ngành Công nghệ Sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM để vừa thực hiện ước mơ, vừa phát huy thế mạnh về sinh học. Tại đây, cô đã lĩnh hội nhiều kiến thức về sinh học phân tử, tế bào gốc, công nghệ sinh học... nhưng chưa có cơ hội học tập, nghiên cứu về lĩnh vực yêu thích - thần kinh học.
Năm 2011, sau khi tốt nghiệp thủ khoa ngành học của mình, cô Hương đã chủ động xin làm trợ lý nghiên cứu trong 6 tháng cho một nhóm nghiên cứu (NNC) về bệnh sa sút trí tuệ do HIV/AIDS gây ra, tại Trung tâm Nghiên cứu lâm sàng của ĐH Oxford ở Việt Nam. Theo nhà khoa học quê Đồng Nai, đây là cách để cô tiếp cận, tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu về thần kinh học.
Cùng lúc đó, TS Hương đã nộp hồ sơ học bổng VEF (Quỹ Giáo dục Việt Nam) để nghiêm túc theo đuổi ước mơ nghiên cứu về thần kinh học tại ĐH Stanford (Mỹ). Sau đó, TS Hương còn nhận được thêm học bổng danh giá của cựu sinh viên ĐH Stanford để trở thành nghiên cứu sinh ngành Thần kinh học (mỗi năm 2 suất) với trọng tâm nghiên cứu là bệnh tự kỷ.
Tại ĐH Stanford, TS Hương có cơ hội học tập, nghiên cứu với các giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực thần kinh học. “Mình được tiếp xúc với nhiều mảng kiến thức, kỹ năng mới. Quá trình học tại đây giúp mình trưởng thành và phát triển toàn diện hơn. Ngoài các môn trong chương trình, mình còn đăng ký thêm các khóa học về sinh lý thần kinh ở ruồi giấm và về truyền thông khoa học” - TS Hương nói thêm.
Dù có những trải nghiệm tuyệt vời trong thời gian du học, nhưng cũng có lúc, cô Hương cảm thấy căng thẳng tột độ vì nhiều khó khăn “bủa vây”. Nhất là vào năm 2016, khi TS Hương kết hôn và sinh con đầu lòng.
“Thời điểm đó cũng gần hết quá trình nghiên cứu sinh rồi mà mình chỉ vừa thiết lập xong hệ thống thí nghiệm ở phòng thí nghiệm (PTN) mới và chưa có thành quả nào rõ ràng. Chồng mình thì công tác ở xa. Nhưng rất may, gia đình mình đã sang Mỹ và hỗ trợ rất nhiều trong việc chăm sóc em bé” - cô kể lại.
Năm 2018, ngay sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ngành Thần kinh học, nhà khoa học sinh năm 1989 đã về Việt Nam và giảng dạy, nghiên cứu tại Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM.
TS Thanh Hương bộc bạch: “Việc trở về đã nằm trong dự tính của mình từ đầu rồi. Ngoài nghiên cứu khoa học, mình còn muốn đào tạo các thế hệ sinh viên làm khoa học để góp phần thay đổi bối cảnh chăm sóc sức khỏe tinh thần trong nước. Có thể từ giờ đến lúc nghỉ hưu, mình không làm được hết những điều đó nhưng ở Mỹ thì chắc chắn không thể làm được”.
Giải thưởng là thành quả của tập thể
Thời gian đầu về nước, TS Thanh Hương mất 1-2 năm để tạo mối quan hệ với các bác sĩ. “Lúc đó, họ không biết mình là ai. Mình phải tìm mọi cách như đi hội thảo, mời họ cùng viết sách nghiên cứu. Từ đó, mình mới có thể hiểu các bài toán trong lâm sàng, đưa ra những định hướng nghiên cứu và làm các sản phẩm hỗ trợ cho bác sĩ, bệnh nhân” - cô bày tỏ.
Trong thời gian làm việc tại Khoa KTYS, TS Hương thành lập NNC Brain Health Lab để thực hiện những nghiên cứu cải thiện chức năng não bộ, nâng cao sức khỏe tinh thần. Hiện tại, nhóm gồm 20 thành viên là sinh viên, học viên cao học và trợ lý nghiên cứu.
Nhóm có 2 nhánh nghiên cứu tương đối chuyên sâu về stress và bệnh Alzheimer. Ở hướng nghiên cứu về bệnh Alzheimer, nhóm đã sáng tạo phần mềm “Brain Analytics” dùng để chẩn đoán bệnh Alzheimer bằng trí tuệ nhân tạo dựa trên ảnh MRI não. Phần mềm có thể đưa ra kết quả nhanh trong 10 phút với độ chính xác khoảng 96%, giúp bác sĩ tiết kiệm thời gian chẩn đoán. Bên cạnh xác suất mắc bệnh, phần mềm cũng trả các thông số chi tiết về các vùng não bộ để các bác sĩ tiện theo dõi.
Việc nghiên cứu phần mềm “Brain Analytics” đã giúp nhóm đoạt nhiều thành tích tại các cuộc thi trong và ngoài nước. Điển hình là giải Ba Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16; giải “Sáng tạo kinh doanh xã hội năm 2021”; giải Nhì cuộc thi Sáng tạo và Khởi nghiệp Trung Quốc - ASEAN năm 2022.
Về công bố quốc tế, TS Hương có 3 bài báo trên tạp chí khoa học thuộc danh mục Q1, 2 bài trên tạp chí Q2, 4 bài trên tạp chí Q3, 1 bài trên tạp chí Q4/Scopus, 8 bài tại hội thảo quốc tế Q4 và 2 báo cáo khoa học trong kỷ yếu hội thảo/hội nghị quốc tế. Cô từng chủ nhiệm một đề tài cơ sở, là tác giả của 3 sách chuyên khảo, chương sách thuộc lĩnh vực xét giải và có sản phẩm công nghệ “Brain Train” (phần mềm hỗ trợ rèn luyện nhận thức) đang được thử nghiệm tại Bệnh viện Quân y 175.
Trước đó, TS Thanh Hương là nhà khoa học nữ Việt Nam đầu tiên nhận giải Early Career Award của Tổ chức Nghiên cứu Não Quốc tế vào năm 2020. Cuối năm 2022, cô được tổ chức L’Oréal - UNESCO vinh danh là “Nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2022”.
Với những thành tích nổi bật trong nghiên cứu, TS Hương đã đoạt giải thưởng Quả cầu vàng năm 2023. Cô chia sẻ: “Mình thấy rất vinh dự khi được nhận giải thưởng này. Giải thưởng đã tiếp thêm động lực cho những nhà khoa học trẻ như mình. Đây cũng là dịp để mình kết nối và tìm cơ hội hợp tác với nhiều nhà khoa học”.
Theo cô, giải thưởng còn là thành quả của cả tập thể Khoa KTYS, đặc biệt là nhóm Brain Health Lab. Với TS Thanh Hương, ngoài thực hiện các nghiên cứu có tính ứng dụng cao, NNC còn là nơi để cô “ươm mầm” những nhà khoa học tài năng cho ngành KTYS.
Ở vai trò giảng viên, TS Hương cho rằng thành tựu lớn nhất mà cô gặt hái được là sinh viên có thể ứng dụng những kiến thức về kỹ thuật thần kinh, thần kinh học vào công việc tương lai. Cứ 2 tuần/lần, cô lại mời giáo sư ở Mỹ chia sẻ kiến thức cho sinh viên thông qua các buổi hội thảo trực tuyến.
Không chỉ kiến thức, TS Hương còn muốn giúp sinh viên nâng cao sự đoàn kết và có thêm dũng khí trong nghiên cứu. “Mình thường cổ vũ sinh viên tham gia cuộc thi về khoa học kỹ thuật hoặc bắt đầu các dự án nghiên cứu mới. Trong NNC của mình, các bạn cũng có cơ hội đảm nhận nhiều vai trò” - cô bày tỏ.
Hiện nay, TS Hương đảm nhận cùng lúc 4 vai trò là giảng viên, nhà khoa học, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Mô và Y học tái tạo và trợ lý đảm bảo chất lượng. Tuy vậy, cô vẫn có nhiều thời gian dành cho gia đình.
TS Hương chiêm nghiệm: “Lúc ở Mỹ, nhiều khi mình ở PTN đến khuya, về nhà thì con đã ngủ rồi. Còn khi về nước, Trường ĐH Quốc Tế có giờ làm việc khá ổn định nên mình có nhiều thuận lợi khi làm mẹ. Mình nghĩ mọi người không nên tách biệt nghề nghiên cứu với những nghề khác và cũng không nên nghĩ làm nghiên cứu là phải hy sinh thời gian cho gia đình”.
Nghĩ về hành trình sắp tới, TS Hương mong muốn tạo ra những sản phẩm có thể ứng dụng rộng rãi, góp phần giải quyết các bài toán y khoa của Việt Nam. Đó không chỉ là ước muốn của riêng cô mà còn là của các thầy cô trong Khoa KTYS. Trước mắt, TS Hương sẽ hoàn thiện các dự án nghiên cứu về bệnh Alzheimer và triển khai những đề tài nghiên cứu về kit xét nghiệm bệnh Alzheimer.
Giải thưởng xứng đáng với những cống hiến cho khoa học Sau 3 năm làm việc với TS Hà Thị Thanh Hương tại PTN Kỹ thuật Lâm sàng, TS Ngô Thị Lụa - giảng viên Bộ môn Thiết bị Y tế, Khoa Kỹ thuật Y Sinh cho biết: “TS Hương là một người rất năng động, có tác phong làm việc chuyên nghiệp. Tôi rất thích cách làm việc của cô Hương và tôi cũng học được nhiều điều từ cô”. TS Lụa cảm thấy giải thưởng Quả cầu vàng rất xứng đáng với những nỗ lực, cống hiến cho khoa học của TS Hương. Trong tương lai, cô mong đồng nghiệp của mình sẽ giữ được nhịp độ làm việc và đóng góp nhiều hơn cho ngành KTYS. |
HƯƠNG NHU - THU THẢO
Hãy là người bình luận đầu tiên