Tên đề tài LATS: Pháp luật về bảo đảm bí mật thông tin khách hàng trong hoạt động ngân hàng ở Việt Nam
Chuyên ngành: Luật kinh tế
Mã số: 62.38.01.07
Nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Kim Thoa
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Lê Vũ Nam
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc Gia Tp. Hồ Chí Minh
1. Tóm tắt luận án
Mục tiêu nghiên cứu của luận án
- Làm sáng tỏ những vấn đề lý luận của pháp luật về bảo đảm bí mật thông tin khách hàng trong hoạt động ngân hàng (HĐNH).
- Phân tích, so sánh, đối chiếu pháp luật Việt Nam với pháp luật của một số nước trên thế giới về những vấn đề pháp lý có liên quan đến nghĩa vụ bảo mật thông tin khách hàng trong HĐNH.
- Phân tích, đánh giá thực trạng thực thi pháp luật về bảo mật thông tin khách hàng trong HĐNH ở Việt Nam.
- Đề xuất phương hướng, giải pháp, kiến nghị hoàn thiện pháp luật và bảo đảm thực thi pháp luật về bảo mật thông tin khách hàng trong HĐNH ở Việt Nam.
Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu
- Cơ sở lý luận ghi nhận nghĩa vụ bảo mật thông tin khách hàng trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
- Các quy định của pháp luật Việt Nam và một số nước trên thế giới về bảo mật thông tin khách hàng trong HĐNH.
- Thực tiễn thực thi pháp luật về bảo mật thông tin khách hàng trong HĐNH của các TCTD.
Phạm vi nghiên cứu
Các quy định pháp luật về bảo đảm bí mật thông tin của khách hàng trong HĐNH của TCTD và thực trạng thực thi pháp luật bảo mật thông tin khách hàng trong HĐNH.
Phương pháp nghiên cứu
Luận án được trình bày dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về nhà nước và pháp luật với phương pháp nghiên cứu nền tảng là phương pháp duy vật biện chứng. Bên cạnh đó tác giả còn sử dụng các phương pháp cụ thể như: phương pháp phân tích, tổng hợp tài liệu, phương pháp so sánh luật học, phương pháp nghiên cứu tình huống và phương pháp phân tích luật viết.
Ý nghĩa lý luận và thực tiễn
Ý nghĩa khoa học:
Luận án là công trình nghiên cứu chuyên sâu các vấn đề lý luận của pháp luật về bảo đảm bí mật thông tin khách hàng trong HĐNH.
Ý nghĩa thực tiễn:
Kết quả nghiên cứu của đề tài có ý nghĩa cho các nhà làm luật tham khảo trong việc hoàn thiện pháp luật về bảo mật thông tin khách hàng trong HĐNH ở Việt Nam. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng đóng góp các ý kiến để các TCTD và các chủ thể liên quan nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc thực thi pháp luật bảo mật thông tin khách hàng trong HĐNH ở Việt Nam.
2. Những kết quả mới của luận án
1. Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật về giới hạn bảo mật thông tin khách hàng trong HĐNH. Tác giả đưa ra các khuyến nghị nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về giới hạn của nghĩa vụ bảo mật thông tin khách hàng trong HĐNH của TCTD ở Việt Nam:
Một là, pháp luật ngân hàng cần bổ sung trường hợp TCTD có thể cung cấp thông tin khách hàng theo yêu cầu của người thừa kế và người đại diện hợp pháp của khách hàng trong trường hợp giám hộ. Đồng thời, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần hướng dẫn cụ thể phạm vi thông tin khách hàng mà TCTD có thể cung cấp trong những trường hợp này. Cần sửa đổi Khoản 3 Điều 14 Luật các TCTD năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Hai là, cần sửa đổi Điều 7 Luật Phá sản năm 2014
Ba là, việc TCTD cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thông tin tín dụng, cần hướng dẫn rõ ràng, cụ thể hơn.
Bốn là, pháp luật ngân hàng cần hướng dẫn rõ cụ thể như thế nào, được coi là có sự chấp thuận khác của khách hàng.
Năm là, cần quy định rõ ràng nghĩa vụ cung cấp thông tin khách hàng cho mục đích thuế, có tính đến việc phải cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài theo các hiệp định mà Việt Nam sẽ ký kết.
2. Thông qua việc phân tích, đánh giá thực trạng thực thi pháp luật về bảo mật thông tin khách hàng trong HĐNH, tác giả đã đề xuất các kiến nghị cụ thể cho việc hoàn thiện pháp luật và các giải pháp bảo đảm việc thực thi pháp luật về bảo mật thông tin khách hàng trong HĐNH:
Một là, rà soát, sửa đổi các quy định còn chồng chéo.
Hai là, hướng dẫn rõ ràng quy định TCTD được phép cung cấp thông tin khách hàng cho nội bộ của các TCTD.
Ba là, bổ sung chế tài xử lý vi phạm về bảo mật thông tin khách hàng trong HĐNH.
Bên cạnh đó, tác giả còn đề xuất phải hình thành nên các quy định, trong đó quy định rõ thẩm quyền, thủ tục khiếu nại, giám sát việc xử lý các khiếu nại của khách hàng. Ngoài ra, TCTD phải tăng cường hoạt động kiểm soát nội bộ, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thanh tra, giám sát việc thực thi pháp luật về bảo mật thông tin khách hàng. Hơn nữa, các giải pháp khác về nhân sự, công nghệ cũng có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm thực thi pháp luật về bảo mật thông tin khách hàng trong HĐNH của các TCTD. Với hệ thống các kiến nghị và giải pháp nêu trên, tác giả hy vọng sẽ góp phần trong việc bảo đảm thực thi pháp luật về bảo mật thông tin khách hàng trong HĐNH trong thời gian tới.
3. Những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Tác giả cũng mong muốn sẽ tiếp tục nghiên cứu tác động của những quy định liên quan đến trách nhiệm cung cấp thông tin khách hàng vì mục đích thuế, hỗ trợ tư pháp, thực thi pháp luật và tạo điều kiện cho hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia như rửa tiền, tài trợ khủng bố đến nghĩa vụ bảo mật thông tin khách hàng trong HĐNH, từ đó hoàn thiện các quy định về bảo mật thông tin khách hàng trong HĐNH trong bối cảnh hội nhập và kỹ nguyên công nghệ thông tin.
Hãy là người bình luận đầu tiên