Tin tức - Sự kiện

Pháp luật về bảo hộ hình ảnh tổng thể thương mại - NCS. Phạm Thị Diệp Hạnh

  • 23/11/2021
  • Tên đề tài LATS: Pháp luật về bảo hộ hình ảnh tổng thể thương mại
    Chuyên ngành: Luật Kinh tế
    Mã số: 9.38.01.07
    Họ tên NCS: Phạm Thị Diệp Hạnh
    Mã số NCS: N17710005
    Người hướng dẫn khoa học: HD1: TS Nguyễn Hải An; HD2: TS Mai Thị Tú Oanh
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
    Trong pháp luật sở hữu trí tuệ của một số nước trên thế giới, có một khái niệm mới xuất hiện, đó là các quy định về “trade dress”. Đối tượng này ra đời cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nơi mà các hàng hoá, dịch vụ ngày càng phong phú về chủng loại, chất lượng, mẫu mã và nguồn gốc xuất xứ... Nhằm quảng bá cho thương hiệu của mình trong môi trường cạnh tranh như vậy, một số doanh nghiệp đã đầu tư, sáng tạo ra những dấu hiệu theo cách thức mới, đặc biệt hơn so với nhãn hiệu thông thường, để chỉ nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ do doanh nghiệp sản xuất, cung ứng nhằm tạo sự ghi nhớ cho khách hàng. Trade dress có thể hiểu là hình ảnh thương mại hay hình ảnh tổng thể thương mại (HATTTM). Đây là quy định lần đầu tiên được ghi nhận tại Hoa Kỳ.
    Trong pháp luật của Việt Nam không có quy định về HATTTM, nhưng một số dấu hiệu cấu thành HATTTM vẫn được bảo hộ thông qua các quy định trong pháp luật SHTT hay pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh… Tuy nhiên, việc bảo hộ tương đương này vẫn làm phát sinh một số vấn đề bất cập trong quá trình thực thi pháp luật. Do đó, việc nghiên cứu quy định và thực tiễn áp dụng pháp luật của Hoa Kỳ về HATTTM là cần thiết để xác định các vấn đề chưa được giải quyết thoả đáng ở Việt Nam nhằm đưa ra các khuyến nghị về chính sách pháp luật trong việc bảo hộ các đối tượng có liên quan của quyền sở hữu trí tuệ. 
    Thông qua việc nghiên cứu, nội dung của Luận án “Pháp luật về bảo hộ HATTTM” đã đạt được một số kết luận như sau:
    1. Quy định về HATTTM được ban hành dựa trên cơ sở đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể trong nền kinh tế. HATTTM có vai trò chính là xác định nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ. Do đó, khi được pháp luật công nhận thì HATTTM sẽ được bảo hộ tương đương với nhãn hiệu và chủ sở hữu cũng có các quyền lợi giống như nhãn hiệu.
    2. Dấu hiệu có thể bảo hộ là HATTTM khác đa dạng. Nghĩa là tổng thể của các dấu hiệu bên ngoài của sản phẩm, có thể tạo nên sự nhận diện về nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ.
    3. Một dấu hiệu muốn được pháp luật bảo hộ là HATTTM cần thoả mãn các điều kiện sau: (i) dấu hiệu phải có sự phân biệt; (ii) dấu hiệu mang tính phi chức năng; (iii) dấu hiệu không có khả năng gây nhầm lẫn với các dấu hiệu được bảo hộ khác; (iv) dấu hiệu cũng không thuộc trường hợp cấm pháp luật và đạo đức xã hội.
    4. Pháp luật Việt Nam không có quy định về HATTTM nhưng vẫn có những nội dung tương đương có thể bảo hộ các đối tượng này theo quy định của pháp luật bảo hộ nhãn hiệu và cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, các quy định này vẫn còn một số bất cập, gây vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật. Trước mắt Việt Nam chưa cần thiết phải xây dựng mới các quy phạm pháp luật mới về HATTTM mà nên hoàn thiện các quy định có liên quan.
    5. Thông qua việc phân tích, so sánh quy định của pháp luật các nước có quy định về HATTTM và pháp luật Việt Nam, Luận án tổng hợp và đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật.
    6. Một số nội dung mà Luận án còn bỏ ngỏ, chưa đề cập đến như: vấn đề về nhượng quyền thương mại liên quan đến HATTTM; hay đánh giá hành vi vi phạm và cách thức áp dụng các biện pháp luật định để xử lý hành vi xâm phạm HATTTM.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên