Tin tức - Sự kiện

Pháp luật về bảo hộ quyền tác giả trong môi trường Internet - NCS. Võ Trung Hậu

  • 01/03/2021
  • Tên đề tài Luận án: Pháp luật về bảo hộ quyền tác giả trong môi trường Internet
    Chuyên ngành: Luật Kinh tế 
    Mã số: 62.38.01.07
    Họ tên NCS: Võ Trung Hậu 
    Mã số NCS: 015107007 
    Người hướng dẫn khoa học: CBHD1: TS. Nguyễn Đình Huy, CBHD2: TS. Châu Thị Khánh Vân
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
    1. Tóm tắt luận án 
    Mục tiêu nghiên cứu của luận án
    Mục tiêu tổng quát của Luận án là nhận diện những tác động của Internet đối với vấn đề bảo hộ quyền tác giả, xem xét những hạn chế của pháp luật hiện hành về bảo hộ quyền tác giả trong môi trường Internet. Trên cơ sở đó, Luận án đề xuất các kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về bảo hộ quyền tác giả trong môi trường Internet trong mối quan hệ cân bằng giữa quyền của chủ thể quyền tác giả với lợi ích của cộng đồng.
    Đối tượng nghiên cứu: Các quy định của pháp luật về bảo hộ quyền tác giả trong môi trường Internet.
    Phạm vi nghiên cứu:
    Phạm vi nội dung: Trong khuôn khổ luận án, tác giả chỉ tập trung nghiên cứu các quy định về bảo hộ quyền tác giả trong môi trường Internet ở các vấn đề sau: (i) Quyền sao chép trong môi trường Internet, (ii) Ngoại lệ quyền sao chép trong môi trường Internet, (iii) Quyền tự bảo vệ bằng biện pháp công nghệ, (iii) Ngoại lệ quyền tự bảo vệ bằng biện pháp công nghệ.
    Phạm vi không gian: Phạm vi nghiên cứu của luận án liên quan đến các quy định về bảo hộ quyền tác giả trong môi trường Internet của Việt Nam, đồng thời tham khảo các quy định pháp luật của một số quốc gia trên thế giới gồm: Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản.
    Phạm vi thời gian: Luận án nghiên cứu các quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả trong môi trường Internet theo các quy định pháp luật trong giai đoạn hiện nay, có sự tham khảo những quy định pháp luật đã hết hiệu lực.
    Phương pháp nghiên cứu: Luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau: Phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp, phương pháp so sánh luật học, phương pháp phân tích luật bằng các công cụ kinh tế.
    Ý nghĩa lý luận và thực tiễn: Về mặt lý luận
    Luận án làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về bảo hộ quyền tác giả trong môi trường Internet, cụ thể:
    Thứ nhất, Luận án tiếp cận giải quyết vấn đề dựa trên nguyên tắc cân bằng giữa quyền của chủ thể quyền tác giả với lợi ích của cộng đồng;
    Thứ hai, Luận án làm rõ những tác động của Internet đến bảo hộ quyền tác giả trong môi trường Internet ở các khía cạnh: Ảnh hưởng của Internet đến quyền sao chép, ảnh hưởng của Internet đến ngoại lệ quyền sao chép, ảnh hưởng của Internet đến quyền tự bảo vệ tác phẩm bằng biện pháp công nghệ, ảnh hưởng của Internet đến ngoại lệ quyền tự bảo vệ tác phẩm bằng biện pháp công nghệ.
    Thứ ba, làm rõ những vấn đề do Internet đặt ra đối với bảo hộ quyền tác giả nhằm làm tiền đề cho việc nghiên cứu và đề xuất những kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về bảo hộ quyền tác giả trong môi trường Internet.
    Về mặt thực tiễn
    Luận án đưa ra một bức tranh tổng quát về thực trạng pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành về bảo hộ quyền tác giả trong môi trường Internet. Cụ thể, pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã có sự quan tâm đối với vấn đề bảo hộ quyền tác giả trong môi trường Internet. Tuy nhiên, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam vẫn chưa tương thích với sự phát triển của Internet ở các khía cạnh: (i) Chưa giải quyết vấn đề về bảo sao kỹ thuật số; (ii) Ngoại lệ quyền sao chép không còn phù hợp với sự phát triển của Internet; (iii) Quyền tự bảo vệ tác phẩm bằng biện pháp công nghệ chưa phù hợp với Internet; (iv) Ngoại lệ quyền tự bảo vệ bằng biện pháp công nghệ chưa đảm bảo được ý nghĩa nó của trong môi trường Internet. Pháp luật về bảo hộ quyền tác giả trong môi trường Internet của Việt Nam còn khác biệt với pháp luật của một số quốc gia trên thế giới.
    Thông qua quá trình nghiên cứu, luận án chỉ ra rằng bảo hộ quyền tác giả trong môi trường Internet, phù hợp với sự phát triển của công nghệ là quan trọng để vừa bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền tác giả, vừa bảo vệ quyền lợi cộng đồng. Những đề xuất về việc sửa đổi, bổ sung Luật sở hữu trí tuệ cần thiết. Ngoài ra, luận án còn là tài liệu tham khảo hữu ích đối với các nhà nghiên cứu, cán bộ giảng dạy.
    2. Những kết quả mới của luận án 
    Thông qua việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu được liệt kê, Luận án rút ra các kết luận sau:
    Thứ nhất, quy định pháp luật về quyền sao chép hiện hành không phù hợp với môi trường Internet. Trong khi quyền sao chép là khái niệm cốt lõi của quyền tác giả nên phải sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về quyền sao chép nhằm đáp ứng yêu cầu của Internet.
    Thứ hai, cần mở rộng phạm vi ngoại lệ quyền sao chép tác phẩm số cho mục đích nghiên cứu, giảng dạy trực tuyến và mục đích lưu trữ thư viện điện tử.
    Thứ ba, cần làm rõ phạm vi của quyền tự bảo vệ tác phẩm bằng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền tác giả để đảm bảo quyền của người sáng tạo tác phẩm trong môi trường Internet.
    Thứ tư, cần đảm bảo phạm vi áp dụng quyền tự bảo vệ tác phẩm bằng biện pháp công nghệ là công bằng, không ảnh hưởng đến quyền của người dùng Internet trong những trường hợp khai thác tác phẩm đã công bố không phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả.
    Từ những nhận diện nêu trên, Luận án đề xuất các kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về bảo hộ quyền tác giả trong môi trường Internet trong các vấn đề sau:
    Một là, kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về quyền tác giả trong môi trường Internet:
    (i) Kiến nghị sửa đổi, bổ sung về quyền sao chép tại điểm c, khoản 1, điều 20, Luật Sở hữu trí  tuệ Việt Nam; (ii) Kiến nghị bổ sung định nghĩa về tính định hình trong phần giải thích từ ngữ tại tại Điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
    Hai là, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về ngoại lệ quyền tác giả trong môi trường Internet: (i) Bổ sung những điều kiện để một hành vi khai thác tác phẩm của thư viện không phải là hành vi xâm phạm quyền tác giả tại Khoản 1, Điều 25, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam; (ii) Bổ sung về trường hợp sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện nhằm mục đích dự phòng hoặc theo định dạng mới phù hợp với sự phát triển của công nghệ; (iii) Bổ sung trường hợp sao chép ở định dạng phù hợp với nhu cầu sử dụng của người khiếm thị tại Khoản 1, Điều 25, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam; (iv) Bổ sung trường hợp sao chép tác phẩm số cho mục đích hỗ trợ tài liệu giữa các thư viện tại Khoản 1, Điều 25, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam
    Ba là, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về quyền tự bảo vệ tác phẩm bằng biện pháp công nghệ trong môi trường Internet: (i) Bổ sung hành cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu hóa biện pháp công nghệ bảo vệ tác phẩm là hành vi vi phạm tại Khoản 12, Điều 28, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam; (ii) Bổ sung hành vi sản xuất các thiết bị, cung cấp các dịch vụ xâm phạm biện pháp công nghệ bảo vệ tác phẩm là hành vi vi phạm tại Khoản 14, Điều 28, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam;
    (iii) Bổ sung hành vi thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại cho thiết bị, dịch vụ sử dụng để xâm phạm biện pháp công nghệ bảo vệ tác phẩm là hành vi vi phạm tại Điều 28, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, đồng thời, bổ sung thêm đối tượng là người cung cấp dịch vụ vô hiệu hóa biện pháp công nghệ.
    Bốn là, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về ngoại lệ quyền tự bảo vệ tác phẩm bằng biện pháp công nghệ trên Internet: (i) Sửa đổi quy định về trường hợp xâm phạm biện pháp công nghệ nhưng không phải là hành vi vi phạm tại Khoản 12, Điều 28, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam;
    Bổ sung một điều luật nằm trước Điều 25, Luật Sở hữu trí tuệ Việt về những hành vi khai thác tác phẩm mà không phải là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
    3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    Nội dung mà Luận án bỏ ngỏ cho những nghiên cứu tiếp theo là vấn đề về bảo hộ quyền tác giả trong sự so sánh với những quy định của các hiệp định FTA thế hệ mới.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên