Tên đề tài LATS: Pháp luật về bảo vệ quyền của người nông dân trong hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản
Chuyên ngành: Luật Kinh tế
Mã số: 62380107
Họ tên NCS: Đỗ Thị Bông
Mã số NCS: N17710001
Người hướng dẫn khoa học: HD1/HDĐL: TS. Trần Thanh Hương. HD2: TS. Phạm Kim Anh
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
1. Tóm tắt luận án
Mục tiêu nghiên cứu
Pháp luật về bảo vệ quyền của người nông dân trong hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản (HĐLKSXTTNS) được nghiên cứu sinh triển khai nhằm hướng tới ba mục tiêu chính sau: (i) luận án làm rõ những vấn đề lý luận về bảo vệ quyền của người nông dân trong HĐLKSXTTNS, giới hạn bảo vệ quyền của người nông dân trong HĐLKSXTTNS; bản chất pháp lý của HĐLKSXTTNS; (ii) phân tích các quy định của pháp luật hiện hành, đánh giá thực tiễn áp dụng pháp luật về bảo vệ quyền của người nông dân trong HĐLKSXTTNS; (iii) đề xuất một số giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ quyền của người nông dân trong HĐLKSXTTNS.
Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu chính của Luận án là những vấn đề lý luận, hệ thống quan điểm, lý thuyết, quy định của pháp luật hiện hành, các vụ việc tranh chấp xảy ra trong thực tiễn có liên quan chi phối đến HĐLKSXTTNS và vấn đề bảo vệ người nông dân trong hợp đồng này.
Phạm vi nghiên cứu
Về nội dung, phạm vi của đề tài mà tác giả hướng đến sẽ chỉ đề cập đến các vấn đề như sau: Khái quát các vấn đề lý luận về HĐLKSXTTNS làm nền tảng để xác định, phân tích những yếu tố, những cơ sở mà tác giả cho rằng có tác dụng hỗ trợ cho việc xác định bản chất của HĐLKSXTTNS. Tác giả cũng nghiên cứu để đưa ra các đánh giá về khả năng ảnh hưởng đến các quyền cơ bản của người dân xuất phát từ bản chất của HĐLKSXTTNS theo các
nguyên tắc chung của học thuyết luật hợp đồng. Các vấn đề liên quan đến tư pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp xuyên quốc gia sẽ không được đề cập trong nghiên cứu này.
Phương pháp nghiên cứu
Luận án tiếp cận nghiên cứu bảo vệ quyền của người nông dân trong HĐLKSXTTNS dưới giác độ bảo vệ quyền con người nói chung và bảo vệ bên yếu thế trong hợp đồng. Cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu về bảo vệ quyền của người nông dân trong HĐLKSXTTNS của Luận án là làm rõ những rủi ro mà người nông dân dễ gặp phải khi xác lập thực hiện HĐLKSXTTNS thông qua việc rà soát những nội dung cơ bản trong hợp đồng này từ quy định của pháp luật và từ thực tiễn thực hiện của các chủ thể.
Trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, Luận án kết hợp chúng với một số phương pháp nghiên cứu chuyên sâu dưới đây để thực hiện đề tài: Phương pháp phân tích và bình luận; Phương pháp nghiên cứu lịch sử; Phương pháp nghiên cứu so sánh.
2. Những kết quả mới của luận án
Trên cơ sở phân tích những đặc điểm riêng biệt về mặt lý luận và đặc điểm của HĐLKSXTTNS so với các loại hợp đồng thông thường khác, tác giả tìm ra giải pháp để thiết kế các quy định của pháp luật ghi nhận về HĐLKSXTTNS. Đó là một loại hợp đồng phức hợp (gồm hợp đồng khung và các hợp đồng cụ thể), là loại hợp đồng hỗn hợp (hợp đồng hợp tác, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng mua bán); là loại hợp đồng theo mẫu.
Bằng cách phân tích nguyên nhân của tất cả các bên liên quan bao gồm cả lỗi của người nông dân, xác định và dự đoán nguyên nhân gốc rễ của vi phạm quyền lợi của người nông dân, như một cách để hình thành các thay đổi các quy định của pháp luật hiện hành cũng như xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để có giải pháp phù hợp và hiệu quả hơn về HĐLKSXTTNS.
Trong môi trường giao kết mang sự đặc thù của thị trường nông sản HĐLKSXTTNS có đặc tính không cân bằng một bên mạnh thế (doanh nghiệp) và một bên yếu thế hơn (người nông dân). Đề tài sẽ đưa ra các giải pháp mới cụ thể hơn và đặc thù hơn cho HĐLKSXTTNS và xem xét lại đối với biện pháp áp dụng sao cho hiệu quả hơn bởi các giải pháp đang áp dụng cho các hợp đồng theo mẫu là chưa đủ.
Đặc biệt, Luận án xây dựng Bộ quy tắc ứng xử cho các chủ thể (doanh nghiệp, người nông dân, các cơ quan quản lý, các tổ chức chính quyền đoàn thể địa phương) từ khâu hoạch định chính sách sản xuất, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng đến việc dự liệu nội dung của các điều khoản cơ bản trong HĐLKSXTTNS, hướng dẫn quá trình thực hiện hợp đồng và giải quyết tranh chấp phát sinh từ HĐLKSXTTNS nếu có.
3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứuU
Kết quả đạt được của luận án sẽ góp phần làm sáng tỏ phương diện lý luận trong khoa học pháp lý về bảo vệ quyền của người nông dân trong LKSXTTNS; phân tích thực trạng điều chỉnh pháp luật về bảo vệ quyền của người nông dân trong HĐLKSXTTNS và thực tiễn áp dụng, chỉ ra những bất cập của pháp luật và đưa ra phương hướng hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền của người nông dân trong HĐLKSXTTNS ... Những giải pháp này sẽ là nguồn tham khảo có giá trị cho các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền của người nông dân trong HĐLKSXTTNS.
Đồng thời, kết quả nghiên cứu, những điểm mới của luận án còn là nguồn tài liệu quan trọng cho các cơ sở đào tạo Luật có chuyên ngành về pháp luật về hợp đồng, cho các Viện nghiên cứu, cho các trung tâm tư vấn và hỗ trợ liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người nông dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua hợp đồng
Hãy là người bình luận đầu tiên