Tên đề tài LATS: Pháp luật về doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam
Chuyên ngành: Luật Kinh tế
Mã số: 62 38 01 07
Họ tên NCS: Tô Thị Đông Hà
Mã số NCS: NCS 801071457
Người hướng dẫn khoa học: HD1: PGS.TS Bùi Xuân Hải, HD2: PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nhung
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
1. Tóm tắt luận án
Bằng các phương pháp nghiên cứu khác nhau, Luận án đã làm rõ bản chất, khái niệm và các tiêu chí của DNXH trên thế giới; khám phá các cách tiếp cận về hình thức pháp lý của các DNXH; phân tích các yếu tố góp phần hỗ trợ, giám sát DNXH.
Thông qua việc phân tích, đánh giá các quy định cụ thể của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và năm 2020; luận án chỉ ra những khiếm khuyết, bất cập của pháp luật về DNXH và đề xuất các kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về DNXH.
2. Những kết quả mới của luận án
- Luận án đưa ra một định nghĩa pháp lý cho DNXH ở Việt Nam, thể hiện cách tiếp cận linh hoạt. Định nghĩa này bao gồm các tiêu chí thuộc khía cạnh kinh tế và kinh doanh, còn các tiêu chí thuộc khía cạnh quản trị của DNXH chỉ quy định về nguyên tắc, còn các yêu cầu cụ thể được thể hiện trong từng loại hình thức pháp lý của DNXH.
- Luận án cho rằng Việt Nam cần áp dụng cách tiếp cận “mở” khi quy định hình thức pháp lý cho DNXH vì DNXH là mô hình kinh doanh tốt đẹp được phản ánh qua bản chất, chứ không phụ thuộc vào hình thức pháp lý của nó. Mô hình này cần được khuyến khích phát triển. Mặt khác, ngoài doanh nghiệp, vẫn còn các hình thức pháp lý khác ở Việt Nam như HTX, quỹ xã hội, quỹ từ thiện thỏa mãn các tiêu chí cơ bản của DNXH.
- Để hoàn thiện pháp luật về DNXH ở Việt Nam, luận án đề xuất ban hành một đạo luật riêng về DNXH, chứ không sửa đổi Luật Doanh nghiệp, nhằm khắc phục những bất cập về nội dung và kỹ thuật lập pháp khi điều chỉnh hai mô hình kinh doanh: vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận trong cùng một đạo luật điều chỉnh các chủ thể kinh doanh vì lợi nhuận.
- Luận án lập luận sự cần thiết ban hành một hình thức pháp lý riêng biệt dành cho DNXH- là hình thức pháp lý bậc cao của DNXH, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa cho sự phát triển của DNXH.
- Luận án chỉ ra những hạn chế của pháp luật Việt Nam trong việc hỗ trợ và giám sát DNXH đồng thời đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện công tác này như: bổ sung khái niệm “cộng đồng” mà DNXH hướng tới; xác định các bên liên quan, quy định quyền của các bên liên quan; quy định nghĩa vụ tôn trọng tôn trọng lợi ích của các bên liên quan của các nhà quản lý; tách bạch mục đích của DNXH với mục đích của doanh nghiệp thông thường; buộc tất cả các DNXH phải thực hiện nghĩa vụ nộp Báo cáo kết quả hoạt động hàng năm; quy định các chế tài cụ thể đối với các vi phạm pháp luật của DNXH…
3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Kết quả của luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong quá trình hoàn thiện các qui định của pháp luật về DNXH, trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập các học phần liên quan đến DNXH.
Luận án có thể trở thành cẩm nang nghiên cứu học thuật chuyên sâu cho các nhà đầu tư khởi nghiệp DNXH.
Luận án đề xuất kiến nghị xây dựng một đạo luật riêng cho DNXH nhưng còn bỏ ngỏ nội dung cụ thể của đạo luật này cho nghiên cứu tiếp theo.
Hãy là người bình luận đầu tiên