Tên đề tài: Pháp luật về tài sản góp vốn là quyền sử dụng đất trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Chuyên ngành: Luật kinh tế
Mã ngành: 62380107
Họ và tên nghiên cứu sinh: Dương Quốc Cường
MSNCS: 015107002
Người hướng dẫn khoa học: TS. Trần Thanh Hương, PGS.TS. Đoàn Thị Phương Diệp
Cơ sở đào tạo:Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
1. Tóm tắt luận án
Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu chung
Xuất phát từ mục tiêu chung của đất nước là: kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước, mục đích nghiên cứu của luận án là xây dựng cơ sở lý luận pháp luật về tài sản góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Trên cơ sở lý luận đó, tác giả đánh giá thực trạng các quy định pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng hiện nay, từ đó đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về góp vốn bằng tài sản là quyền sử dụng đất trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể
Một là, Luận án tập trung làm rõ lý luận về tài sản góp vốn vào doanh nghiệp là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai năm 2013, pháp luật doanh nghiệp năm 2014 và 2020 cũng như văn bản gốc của lý luận về tài sản, sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015.
Hai là, Luận án phân tích những ưu điểm, bất cập trong thực tiễn áp dụng quy định về góp vốn bằng tài sản là quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ năm 2015 đến nay nhằm mục đích phát huy thế mạnh của mọi chủ thể tham gia kinh doanh vào nền kinh tế, trong đó có loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở nước ta.
Ba là, thông qua những đánh giá về ưu khuyết điểm trong quy định của pháp luật liên quan đến việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tác giả đề xuất các giải pháp, kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật nâng cao hiệu quả góp vốn bằng tài sản là quyền sử dụng đất đất vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở nước ta.
Đối tượng nghiên cứu
Những quy định pháp luật về tài sản góp vốn tài sản là quyền sử dụng đất trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cụ thể là: Luật Doanh nghiệp hiện hành liên quan đến việc xác định chủ thể kinh doanh, góp vốn và thẩm định tài sản góp vốn; xác định tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định theo Bộ luật Dân sự hiện hành; các vấn đề liên quan đến quyền giao dịch đất đai của người sử dụng đất khi góp vốn bằng tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai hiện hành.Ngoài ra, Luận án tập trung nghiên cứu thực trạng thực hiện pháp luật về tài sản góp vốn là quyền sử dụng đất trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, thực hiện pháp luật bao gồm các hình thức như tuân thủ pháp luật, sử dụng pháp luật (thực hiện quyền), thi hành pháp luật và áp dụng pháp luật.
Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nội dung: đề tài pháp luật về tài sản góp vốn là quyền sử dụng đất trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có lĩnh vực nghiên cứu đa dạng và phong phú; tuy nhiên dưới góc độ nghiên cứu chuyên sâu, Luận án chỉ tập trung nghiên cứu một số nội dung chính sau: (1) chủ thể có quyền góp vốn bằng tài sản là quyền sử dụng đất trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài , bao gồm: Tổ chức kinh tế trong nước, Hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài thông qua một số bất cập trong việc (3)xác định điều kiện để quyền sử dụng đất có thể góp vốn vào doanh nghiệp (2) xác định giá trị tài sản góp vốn bằng quyền sử dụng đất và các phương pháp định giá tài sản góp vốn bằng quyền sử dụng đất (4)quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất (5) đề ra những giải pháp nâng cao hiệu quả hoàn thiện pháp luật về tài sản góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Luận án không nghiên cứu chủ thể góp vốn là người sử dụng đất thuộc tài sản công của Nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Phạm vi thời gian: Luận án nghiên cứu những vấn đề pháp luật về tài sản góp vốn là quyền sử dụng đất trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo pháp luật Việt Nam từ năm 2015 đến nay. Luận án không nghiên cứu góp vốn bằng tài sản công vào doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân trong nước
Phạm vi không gian: Thực tiễn áp dụng quy định pháp luật về tàu sản góp vốn là QSDĐ trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Các phương pháp tác giả sử dụng
Phương pháp luận: Để thực hiện được mục tiêu nghiên cứu, Luận án dựa trên quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về chính sách và pháp luật đất đai (Nghị quyết số 18-NQ/TW khóa XIII). Đây là phương pháp giúp tác giả làm rõ những nội dung thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật trong toàn bộ 4 chương của Luận án, đặc biệt là tác giả đi sâu phân tích bản chất pháp luật về góp vốn là quyền sử dụng đất trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Phương pháp hệ thống hóa: Đây là phương pháp sử dụng thường xuyên trong quá trình nghiên cứu nhằm trình bày các nội dung của Luận án theo trình tự, bố cục hợp lý, logic, kế thừa và phát triển các vấn đề liên quan của những nhận thức khoa học trước đó để đạt được mục tiêu, yêu cầu thiết yếu của Luận án.
Phương pháp so sánh luật học: Phương pháp này được sử dụng để so sánh các quy định pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế và các hiệp ước song phương, hiệp ước thương mại đa phương mà Việt Nam là thành viên liên quan đến đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đến phần vốn góp có nguồn gốc là quyền sử dụng đất sau khi được vốn hóa thành vốn của doanh nghiệp. Từ sự so sánh này, tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật doanh nghiệp về quyền góp vốn là quyền sử dụng đất doanh nghiệp Việt Nam.
Phương pháp lịch sử: Phương pháp này được sử dụng để nghiên cứu các quy định của pháp luật về quyền góp vốn là quyền sử dụng đất trong doanh nghiệp tại Việt Nam qua các thời kỳ khác nhau. Từ đó, tác giả đánh giá tính hợp lý những quy định pháp luật so với yêu cầu thực tiễn của đời sống xã hội trước nhu cầu hội nhập sâu và rộng trong tất cả lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội tại Việt Nam.
Phương pháp tổng hợp: Trong chương 2 và chương 3, tác giả sử dụng phương pháp tổng hợp kết hợp với phương pháp so sánh để làm rõ những bất cập của pháp luật trong thực tiễn.
Phương pháp phân tích: Phương pháp này được sử dụng xuyên suốt trong tất cả nội dung của Luận án, cụ thể là đi tìm hiểu, phân tích những quan điểm về quyền góp vốn là quyền sử dụng đất trong doanh nghiệp tại Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, từ đó chỉ ra những hạn chế những quy định pháp luật về tài sản góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đề xuất cách thức hoàn thiện những quy định của pháp luật về vấn đề này.
2. Những điểm mới của luận án
Kết quả nghiên cứu của Luận án Pháp luật về tài sản góp vốn là quyền sử dụng đất trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có các điểm mới sau:
Thứ nhất, Luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu pháp luật về tài sản góp vốn là quyền sử dụng đất trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; từ đó chỉ ra việc pháp luật hạn chế doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhận góp vốn trực tiếp quyền sử dụng từ cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất là một trong những nguyên nhân làm tăng giá quyền sử dụng trên thị trường quyền sử dụng trong thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu.
Thứ hai, Luận án phân tích và kiến nghị hoàn thiện pháp luật theo hướng thống nhất giữa luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành khi quyền sử dụng đất đã góp vốn tạo thành vốn doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng thì quyền sử dụng đã góp không phải trả lại cho bên góp vốn theo thỏa thuận hết thời hạn góp vốn; từ đó thúc đẩy phát triển lành mạnh và bền vững thị trường quyền sử dụng đất tại Việt Nam, góp phần bảo đảm hiệu quả giá trị quyền sử dụng mang lại cho nền kinh tế khi góp vốn.
Thứ ba, Luận án phân tích và kiến nghị hoàn thiện pháp luật liên quan đến việc xác định đất đủ điều kiện góp vốn theo quy định pháp luật và trên thực tế; xác định giá trị tài sản góp vốn; quyền và nghĩa vụ các bên góp vốn đối với tài sản góp vốn là quyền sử dụng đất, góp phần hạn chế doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải đi “đường vòng” để có quyền sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư khi tham gia đầu tư tại Việt Nam.
Thứ tư, Luận án đưa ra các kiến nghị, sửa đổi bổ sung các quy định luật đất đai theo hướng bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu với đất đai, người sử dụng đất, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt cần minh bạch trong hoạt động thu thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất và thuế chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất, nhằm thu hút nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài tích cực tham gia đầu tư vào thị trường quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Chắc chắn các kiến nghị và đề xuất hướng hoàn thiện pháp luật của Luận án có cơ sở khoa học và thực tiễn, góp phần hoạch định chính sách phát triển kinh tế đất nước, trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu và rộng tất cả các lĩnh vực như hiện nay, đặc biệt trong điều kiện nền kinh tế của chúng ta đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa.
3. Ứng dụng/khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn để còn bỏ ngõ cần tiếp tục nghiên cứu
Thứ nhất, từ những kết luận của tác giả qua quá trình nghiên cứu đề tài pháp luật về tài sản góp vốn trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong hoàn cảnh hội nhập kinh tế sâu và rộng trong tất cả lĩnh vực kinh tế hiện nay, nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực là quyền sử dụng đất, pháp luật cần có cơ chế tạo điều kiện để doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có cơ hội hơn nữa trong việc tăng nguồn vốn bằng việc góp vốn là quyền sử dụng đất của người sử dụng đất.
Thứ hai, trên cơ sở đánh giá hiệu quả các quy định pháp luật về tài sản góp vốn là quyền sử dụng đất, pháp luật cần tạo ra cơ chế bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất đặc biệt là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp khi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước mong muốn phát triển doanh nghiệp của mình trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó thu hút mạnh mẽ nguồn lực tài chính đầu tư vào thị trường đất đai tại thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, trên phạm vi cả nước nói chung. Ngoài ra, cần nghiên cứu các quy định của pháp luật nhằm xác định, mở rộng quyền được góp vốn trực tiếp bằng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp của người sử dụng đất vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm tạo ra tính đa dạng các chủ thể tham gia thị trường kinh tế hiện nay, từ đó góp phần vào việc phát triển nền kinh tế đất nước.
Hãy là người bình luận đầu tiên