Tên đề tài: Pháp luật Việt Nam về thẻ thanh toán
Chuyên ngành: Luật Kinh tế
Mã số: 62.38.01.07
Họ tên NCS: Trần Thị Thu Ngân
Mã số: N17710007
Người hướng dẫn khoa học: TS. Phạm Văn Võ, TS. Trần Thanh Hương
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
1. Tóm tắt luận án
Mục tiêu nghiên cứu của luận án
Luận án có mục tiêu xây dựng được những lý luận cơ bản của pháp luật về hoạt động phát hành, sử dụng thẻ; đưa ra được các phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật về hoạt động thẻ ngân hàng tại Việt Nam. Trên cơ sở đó tác giả kiến nghị các giải pháp hoàn thiện pháp luật về hoạt động thẻ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế số nhằm mục tiêu cuối cùng của vấn đề chính là tìm ra các giải pháp pháp lý hiệu quả bảo đảm quyền lợi của chủ thể sử dụng thẻ thanh toán.
Đối tượng nghiên cứu:
Trên cơ sở nghiên cứu các quan điểm khoa học về thẻ thanh toán, luận án tập trung nghiên cứu, phân tích các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động thanh toán thẻ của Việt Nam và một số nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia phát triển, sử dụng thẻ nhiều trong các giao dịch như Hoa Kỳ, Canada… cũng như thực tiễn áp dụng các quy định này vào quá trình vận hành của nền kinh tế, với vai trò là một trong những chức năng của tiền tệ.
Phạm vi nghiên cứu:
Về không gian: Luận án tập trung nghiên cứu các quy định của pháp luật Việt Nam điều chỉnh hoạt động thẻ thanh toán, trên cơ sở so sánh với các quy định của một số quốc gia trên thế giới, cụ thể là so sánh với các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Anh.
Về thời gian: Luận án nghiên cứu các quy định của pháp luật Việt Nam về thẻ thanh toán giai đoạn từ 1994 đến nay. Bắt đầu từ năm 1994, với vai trò là một quy định được trình bày rõ ràng, cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật, thì khái niệm về thẻ thanh toán lần đầu được nêu ra trong văn bản pháp luật Việt Nam.
Phương pháp nghiên cứu:
Luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu như phương pháp nghiên cứu lý thuyết luật học (doctrial study research), phương pháp nghiên cứu so sánh (comparative research), phương pháp nghiên cứu lịch sử (historical research) và phương pháp tổng hợp.
Ý nghĩa lý luận và thực tiễn:
Về mặt lý luận
Luận án bàn luận các đặc trưng pháp lý của thẻ thanh toán, các quy định pháp luật của các quốc gia trong việc quản lý hoạt động thanh toán thẻ. Từ đó đóng góp thêm cơ sở lý luận cho các nghiên cứu pháp lý về thẻ thanh toán cũng như các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khác.
Về mặt thực tiễn
Đánh giá được thực trạng phát hành, sử dụng và thanh toán, quyết toán các giao dịch thẻ thanh toán của Việt Nam trong một khoảng thời gian liên tục từ 2007 đến 6/2023. Từ đó cho thấy xu hướng phát triển cũng như cần có những quy định điều chỉnh hoạt động thẻ thanh toán cho phù hợp. Phân tích được thực trạng các quy định của pháp luật Việt Nam về hoạt động thẻ thanh toán giai đoạn 2007 – 6/2023. Từ đó đánh giá các kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong các quy định về quản lý hoạt động thẻ thanh toán.
2. Những kết quả mới của luận án
Luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu nêu trên và rút ra kết luận sau:
Thứ nhất, ở phạm vi toàn cầu, tương lai phát triển của thẻ thanh toán, đặc biệt là thẻ tín dụng cũng rất khả quan, khi mà các dấu hiệu của thị trường cho thấy, những công ty phát hành thẻ, với hệ thống cơ sở dữ liệu đã có và những thế mạnh hiện tại, họ đã biết kết hợp với những công nghệ hiện đại và vận dụng hoạt động nghiệp vụ ngân hàng để thực hiện phát huy lợi thế cạnh tranh của mình trong quá trình phát triển các phương thức thanh toán tiên tiến. Và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Thứ hai, pháp luật được nhà nước sử dụng làm công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực liên quan đến thẻ thanh toán, tạo lập những chuẩn mực cho việc phát hành, sử dụng, thanh toán thẻ, góp phần tháo gỡ các rào cản hội nhập, tạo nên sự phù hợp tương đồng với khu vực và thế giới của không chỉ phương tiện thanh toán điện tử, hệ thống thanh toán điện tử nói riêng mà còn của cả các hoạt động ngân hàng Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Thứ ba, pháp luật kinh tế Việt Nam còn nhiều bất cập khiến phương thức thanh toán thẻ còn bị hạn chế. Vì vậy, tôi thấy rằng cần có những giải pháp, kiến nghị phù hợp nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam về thẻ thanh toán như:
Một là, pháp luật Việt Nam nên quy định cụ thể về vấn đề chứng minh tài chính cá nhân và độ tuổi sử dụng thẻ tín dụng phù hợp hơn.
Hai là, việc hoàn thiện các quy định về hợp đồng phát hành thẻ là thật sự cần thiết, để thẻ thanh toán có thể thực hiện được vai trò của nó trong quá trình phát triển các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Cụ thể:
Nên đưa ra những nội dung cơ bản quan trọng, có tính chuyên môn sâu vào sự điều chỉnh chính quy
Những tài liệu diễn ra trong quá trình tư vấn, cần phải được quy định là yếu tố bắt buộc, để chứng minh rằng, khi đặt bút ký hợp đồng, chủ thẻ hoàn toàn nhận thức được các nghĩa vụ mà mình phải thực hiện.
Buộc chủ thẻ phải chú ý đến các hợp đồng phát hành thẻ thông qua áp dụng hình thức giao kết khác của chúng. Thay vì chủ thẻ chỉ cần đọc thông tin và ký chấp nhận, thì nên trình bày hợp đồng phát hành thẻ thành các mục lựa chọn.
Cần nâng cao hơn trách nhiệm bằng việc quy định các mức xử phạt đối với hành vi của các TCPHT do thực hiện không đúng nghĩa vụ tư vấn cho chủ thẻ mà dẫn đến thiệt hại.
Ba là, bổ sung quy định về xây dựng hệ thống tính điểm tín dụng cá nhân để áp dụng thống nhất trong phát hành, cấp tín dụng qua thẻ tại tất cả các TCTD.
Bốn là, để giải quyết nạn rút tiền khống, theo tác giả cần có giải pháp mạnh mẽ hơn cả về giám sát từ phía tổ chức phát hành thẻ, lẫn nâng quy định xử phạt.
Năm là, việc nâng cao kiến thức về lãi suất phải trả sẽ có thể đưa đến những quyết định tốt hơn cho chủ sử dụng thẻ. Do đó, các quy định về lãi suất phải được quy định thống nhất ở các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Những nội dung mà Luận án còn bỏ ngỏ cho những nghiên cứu tiếp theo liên quan đến pháp luật Việt Nam về thẻ thanh toán là:
Một là, khái niệm thẻ ngân hàng hiện tại vẫn chưa bao quát được hết các chủ thể phát hành thẻ. Cần nghiên cứu chủ thể phát hành thẻ phù hợp để có thể hạn chế tới mức thấp nhất các rủi ro liên quan đến năng lực của chủ thể phát hành thẻ.
Hai là, phá sản cá nhân liên quan đến mất khả năng thanh toán thẻ tín dụng cũng là một trong những nội dung tác giả cho rằng cần nghiên cứu và áp dụng tại Việt Nam, trên cơ sở tham khảo các quốc gia tiên tiến và phù hợp với thực tế của Việt Nam.
Ba là, giải quyết tranh chấp liên quan tới rò rỉ thông tin thẻ, dẫn tới các giao dịch khống, hack thẻ,…
Hãy là người bình luận đầu tiên