Sáng 16/6, tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM đã diễn ra Tọa đàm góp ý dự thảo khung chương trình cấp quốc gia “Khoa học và công nghệ (KH&CN) ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) phục vụ phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giai đoạn đến năm 2030”. Ông Lê Quang Thành - Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên, Bộ KH&CN, đã đến dự.
Tọa đàm còn có sự hiện diện của PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, đồng chủ nhiệm chương trình, PGS.TS Phan Thanh Bình - nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM, đại diện lãnh đạo các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQG-HCM, lãnh đạo Sở KH&CN, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương, các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học.
Chương trình KH&CN cấp quốc gia này nhằm cung cấp luận cứ, mô hình và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững thích ứng với BĐKH, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN, đưa KH&CN trở thành động lực chính trong sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường. Trên hết, mục tiêu là triển khai hiệu quả các giải pháp KH&CN nhằm phát triển ĐBSCL trở thành vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế trong bối cảnh mới.
Dự thảo khung chương trình gồm 7 nội dung chủ yếu.
(1) Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để hoàn thiện cơ chế chính sách, công cụ kinh tế giảm thiểu tác động của BĐKH tới sinh kế, điều kiện sống, bình đẳng giới nhằm thúc đẩy hoạt động ứng phó với BĐKH, phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng ĐBSCL.
(2) Phát triển, hoàn thiện phương pháp, quy trình dự báo tác động của BĐKH và khai thác, sử dụng nước thượng nguồn sông Mekong; ứng dụng và chuyển giao các mô hình, giải pháp công nghệ tiên tiến để hạn chế, giảm tổn thất, thiệt hại, tổn thương do BĐKH để phát triển bền vững ĐBSCL.
(3) Phát triển và chuyển giao công nghệ quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; các mô hình, giải pháp, công cụ giám sát tài nguyên, môi trường để ứng phó hiệu quả BĐKH, phát triển bền vững các vùng, tiểu vùng ở ĐBSCL.
(4) Xây dựng mô hình và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp triển khai mô hình kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, phát triển bền vững ĐBSCL.
(5) Ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 và triển khai các giải pháp KH&CN liên ngành nhằm thúc đẩy kinh tế số, công nghệ số.
(6) Phát triển và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp theo 3 trọng tâm thuỷ sản - cây ăn quả - lúa gắn với các tiểu vùng sinh thái, công nghiệp chế biến, công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, dịch vụ - du lịch; các mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giải pháp tích hợp đồng bộ phát triển bền vững kinh tế - xã hội ở ĐBSCL.
(7) Nghiên cứu mô hình, giải pháp và đề xuất các chính sách quản lý, đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL trong bối cảnh mới.
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, nhấn mạnh yếu tố hợp tác quốc tế chưa được đề cập trong dự thảo khung chương trình. Ông cho biết hiện nay ĐHQG-HCM đang có 2 đề tài nghiên cứu hợp tác quốc tế. Thứ nhất là hợp tác với ĐHQG Seoul (Hàn Quốc) giúp ĐHQG-HCM cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo về nông nghiệp. Thứ hai là dự án Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á - Chương trình Lãnh đạo trẻ Mekong (YSEALI-MLP) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
“Một mặt có nguồn kinh phí để chúng ta thực hiện các dự án nghiên cứu, mặt khác có nguồn kinh phí để chúng ta bồi dưỡng, đào tạo con người. Hai yếu tố này song hành với nhau, không có con người thì không thể có KH&CN, không có KH&CN thì không thể phát triển con người và các sản phẩm” - Giám đốc ĐHQG-HCM nhận định về việc cần phối hợp các nguồn lực thông qua hợp tác quốc tế.
Tin, ảnh: LÊ HOÀI
Hãy là người bình luận đầu tiên