Tên đề tài LATS: Phát triển du lịch nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng
Chuyên ngành: Kinh tế học
Mã số: 62.31.01.01
Họ tên NCS: Nguyễn Thái Dung
Mã số NCS: 15101002
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Hồng Nga
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
1. Tóm tắt luận án
Luận án phân tích phát triển du lịch nông nghiệp (DLNN) tỉnh Lâm Đồng trên các khía cạnh cung và cầu du lịch nông nghiệp. Từ tổng quan nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và tình hình thực tế tỉnh Lâm Đồng cho thấy để phát triển DLNN thì cần có sự kết hợp giữa cung và cầu DLNN, về phía cung DLNN thì sự tham gia của hộ nông dân vào hoạt động kinh doanh DLNN và vấn đề hiệu quả dựa trên tài nguyên nông nghiệp (thông qua thu nhập) của hộ nông dân kinh doanh DLNN có vai trò quan trọng trong phát triển DLNN, khi hộ nông dân tham gia và có hiệu quả kinh doanh DLNN tốt sẽ góp phần đáp ứng cho nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch đối với các điểm DLNN, thể hiện ở phía cầu DLNN là sự quyết định lựa chọn điểm đến DLNN của khách du lịch tại tỉnh Lâm Đồng. Phương pháp định tính và định lượng được kết hợp để phân tích cho cả cung và cầu DLNN. Kết quả nghiên cứu cho thấy để phát triển DLNN tỉnh Lâm Đồng cần có sự đóng góp tham gia của hộ nông dân vào các hoạt động DLNN vì hiện nay các hộ nông dân tham gia DLNN ở mức độ tự phát, quy mô diện tích nhỏ và vấn đề hiệu quả kinh doanh DLNN (thu nhập) của hộ nông dân còn chưa xứng với tiềm năng DLNN, chưa tạo ra được các sản phẩm DLNN phong phú, đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch nên việc thu hút nhiều khách du lịch tiềm năng lựa chọn điểm DLNN chưa thực sự hiệu quả. Kết quả cụ thể cho thấy để phát triển DLNN thì cần phân tích cả cung và cầu DLNN, luận án tổng hợp lại các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển DLNN tỉnh Lâm Đồng gồm các yếu tố sau: (1) Đa dạng hóa sản phẩm, hoạt động, dịch vụ DLNN; (2) Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; (3) Quảng bá và xúc tiến DLNN; (4) Công tác quy hoạch, quản lý của nhà nước; (5) Nguồn nhân lực; (6) Nhận thức, lòng tin của hộ nông dân đối với kinh doanh DLNN; (7) Hiệu quả kinh doanh DLNN. Trên cơ sở đó nghiên cứu đề xuất các hàm ý chính sách, khuyến nghị nhằm phát triển DLNN trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
2. Những kết quả mới của luận án
Đầu tiên, trên cơ sở tiếp thu các lý thuyết phát triển DLNN, các lý thuyết liên quan và tổng quan nghiên cứu, luận án xây dựng khung phân tích phát triển DLNN ở cả hai khía cạnh cung và cầu DLNN. Kế tiếp, luận án cung cấp bức tranh tổng thể về phát triển DLNN ở hai khía cạnh cụ thể: Ở khía cạnh cung DLNN cho thấy tình hình tham gia DLNN của hộ nông dân vào DLNN và hiệu quả kinh doanh của hộ khi đã tham gia DLNN, so sánh thu nhập giữa hộ tham gia và không tham gia DLNN; Ở khía cạnh cầu DLNN cho thấy bức tranh thu hút khách du lịch lựa chọn các điểm đến DLNN ở tỉnh Lâm Đồng. Cuối cùng, đề xuất các hàm ý chính sách, khuyến nghị nhằm phát triển DLNN trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Các hàm ý chính sách, khuyến nghị nhằm phát triển DLNN được phân tích từ khía cạnh cung và cầu DLNN mang tính khả thi giúp các hộ nông dân có động lực tham gia DLNN và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nông nghiệp để cung cấp được các sản phẩm DLNN hấp dẫn được khách du lịch, đặc biệt là thu hút khách du lịch tiềm năng lựa chọn các điểm đến DLNN. Các hàm ý chính sách, khuyến nghị là cơ sở tham khảo cho các nhà hoạch định, các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu về phát triển DLNN. Luận án chỉ tập trung phần lớn vào cung DLNN (các yếu tố quyết định bên trong của hiệu suất thu nhập hộ kinh doanh DLNN), dừng lại ở đối tượng là hộ gia đình tham gia và phục vụ DLNN, khách du lịch, chưa xem xét sâu về sự tham gia của các tác nhân khác vào DLNN như các cơ quan nhà nước, các tổ chức du lịch. Đây cũng là vấn đề còn bỏ ngỏ cho các nghiên cứu tiếp theo.
Hãy là người bình luận đầu tiên