Sau đại học

Phát triển nguồn nhân lực ở Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa - NCS. Nguyễn Long Giao

  • 06/01/2014
  • Ngành: CNDVBC&CNDVLS
    Mã số: 62 22 80 05
    Họ tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Long Giao
    Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Vũ Văn Gầu
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG.HCM

    Tóm tắt nội dung luận án:
    Phát triển nguồn nhân lực ở Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa được xem là một trong những khâu đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố.
    Thực tiễn cho thấy, nguồn nhân lực ở Thành phố Hồ Chí Minh tuy đông về số lượng nhưng không mang tính ổn định và bền vững, bởi cơ cấu nguồn nhân lực chưa phù hợp, do cơ cấu lao động, cơ cấu đào tạo chưa theo kịp nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố; chất lượng nguồn nhân lực tuy có trình độ chuyên môn cao nhưng vẫn còn bất cập giữa những gì đào tạo với thực tiễn công việc, công tác đào tạo nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực chưa thật sự hợp lý, còn tình trạng vừa thiếu, vừa thừa nhân lực, tỷ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp ở thành phố thuộc vào loại cao nhất nước, điều đó gây ra sự lãng phí rất lớn cho đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, một số vấn đề cần được giải quyết như: chính sách phát triển nguồn nhân chưa theo kịp với yêu cầu phát triển chung của thành phố; chất lượng giáo dục và đào tạo chưa tương xứng với yêu cầu phát triển và hội nhập; những hạn chế, bất cập trong khai thác tiềm lực khoa học và công nghệ; một số vấn đề văn hóa - xã hội bức xúc chậm được khắc phục làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực; tồn tại mâu thuẫn giữa cung và cầu lao động trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở thành phố.
    Từ thực trạng và một số vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển nguồn nhân lực, đòi hỏi thành phố cần phải có những giải pháp mang tính đồng bộ như: cần đổi mới nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực; rà soát bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển nguồn nhân lực sao cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện mới của thành phố; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực của thành phố; phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ nhằm hiện đại hóa nguồn nhân lực; xây dựng môi trường văn hóa, xã hội lành mạnh, quan tâm chăm sóc sức khỏe cho người lao động nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, giải quyết việc làm và giảm thất nghiệp; ổn định và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng.

    Những kết quả của luận án
    1. Luận án đã làm rõ được lý luận nguồn nhân lực, phát triển nguồn nhân lực, trên cơ sở lý luận chung về phát triển nguồn nhân lực, luận án đã chỉ ra thực trạng và một số vấn đề đặt ra đối với việc phát triển nguồn nhân lực ở Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
    2. Từ phân tích, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực cũng như chỉ rõ những nguyên nhân của chúng, luận án đã trình bày phương hướng và đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực ở Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

    Khả năng ứng dụng của luận án
    Luận án góp phần làm sâu sắc thêm về lý luận phát triển nguồn nhân lực, đồng thời với nội dung, kết quả nghiên cứu được trình bày, nhất là những giải pháp, luận án có thể vận dụng vào thực tiễn phát triển nguồn nhân lực ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng như ở một số tỉnh, thành trên cả nước. Kết quả nghiên cứu của luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho công tác nghiên cứu về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

    NCS. Nguyễn Long Giao

    Nội dung chi tiết của tóm tắt luận án trong tệp đính kèm, tải về tại đây.

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên