Tên đề tài: Phát triển viên chức quản lý cấp phòng tại Đại học Quốc gia TP.HCM
Ngành: Quản lý giáo dục
Mã số: 9140114
Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Kim Ngân
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Dương Minh Quang và TS Trần Thị Tuyết Mai
Tên cơ sở đào tạo: Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM
1. Tóm tắt nội dung luận án
Bối cảnh tiến trình tự chủ và xu thế phát triển giáo dục đại học (GDĐH) hiện nay đặt ra cho các cơ sở GDĐH nói chung, cho Đại học Quốc gia TP.HCM nói riêng, những thách thức, yêu cầu mới về đội ngũ quản lý để quản trị hiệu quả hoạt động của nhà trường. Vì vậy, lãnh đạo các cơ sở GDĐH đặc biệt quan tâm đến việc phát triển, đảm bảo được đội ngũ quản lý có chất lượng, năng lực để vận hành, quản trị nhà trường đủ sức tồn tại, nâng cao lợi thế cạnh tranh, vững vàng trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng này. Trong đó, nghiên cứu để phát triển đội ngũ quản lý tại các phòng chức năng hay viên chức quản lý cấp phòng (VCQLCP) - đối tượng có chức năng, nhiệm vụ là tham mưu, giúp lãnh đạo trong điều hành, quản lý hoạt động và thực hiện các mục tiêu của trường - là hết sức cần thiết.
Để thực hiện nghiên cứu trên, luận án nghiên cứu cơ sở lý luận về phát triển nguồn nhân lực (PTNNL) trong tổ chức nói chung; đặc điểm vai trò, nhiệm vụ của VCQLCP và phát triển VCQLCP, cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến công tác này trong cơ sở GDĐH. Từ đó, xây dựng mô hình lý thuyết phát triển VCQLCP trong cơ sở GDĐH theo tiếp cận PTNNL và chu trình PDCA.
Luận án sử dụng một thiết kế các phương pháp hỗn hợp, gồm phương pháp nghiên cứu định lượng và định tính, với kiểu thiết kế giải thích để nghiên cứu thực trạng phát triển VCQLCP tại ĐHQG-HCM. Luận án thực hiện khảo sát 484 người, phỏng vấn 10 người là viên chức quản lý, viên chức của 07 trường ĐH thành viên ĐHQG-HCM (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường; phòng, phó trưởng phòng chức năng; trưởng, phó khoa/ đơn vị thuộc trường và giảng viên, chuyên viên), để thu thập dữ liệu và nghiên cứu những vấn đề liên quan công tác phát triển VCQLCP tại các trường.
Căn cứ kết quả nghiên cứu lý luận phát triển VCQLCP trong cơ sở GDĐH và thực tiễn phát triển VCQLCP tại các trường ĐH thành viên ĐHQG-HCM, luận án đề xuất 5 biện pháp phát triển VCQLCP tại các trường ĐH thành viên ĐHQG-HCM. Các biện pháp được đánh giá mức độ cấp thiết, mức độ khả thi; một phần nội dung của biện pháp được thực nghiệm nhằm khẳng định hiệu quả của biện pháp.
2. Những kết quả của luận án
Về lý luận: Luận án vận dụng lý thuyết PTNNL và chu trình quản lý PDCA để xây dựng mô hình lý thuyết phát triển VCQLCP trong cơ sở GDĐH dựa trên 3 hoạt động: Đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD), Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ (ĐGKQTHNV) và Tạo động lực.
Về thực tiễn: Luận án đánh giá thực trạng phát triển VCQLCP tại các trường ĐH thành viên ĐHQG-HCM gồm các kết quả chính sau:
VCQLCP có năng lực, trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. VCQLCP thực hiện nhiệm vụ quản lý nói chung được đánh giá đạt mức 4/5. Trong đó, kết quả thực hiện các nhiệm vụ: Tham mưu cho lãnh đạo trường và Quản lý bản thân được nhận định tốt hơn kết quả thực hiện các nhiệm vụ: Quản lý tổ chức, Quản lý hoạt động và Quản lý con người.
Các hoạt động ĐTBD, ĐGKQTHNV, Tạo động lực được triển khai hiệu quả, tạo môi trường tích cực, giúp VCQLCP nâng cao chất lượng và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, việc triển khai các hoạt động chưa rõ nét ở từng bước của chu trình PDCA, khâu kế hoạch làm tốt, khâu kiểm tra giám sát dễ bị bỏ qua, khâu cải tiến chưa được quan tâm thỏa đáng.
Có mối tương quan mạnh và tích cực giữa các hoạt động phát triển VCQLCP, gồm ĐTBD, ĐGKQTHNV, Tạo động lực với Kết quả thực hiện nhiệm vụ của VCQLCP. Kiểm định hồi quy tuyến tính cho biết mức độ tác động của các hoạt động đến Kết quả thực hiện nhiệm vụ từ cao đến thấp tương ứng lần lượt là Tạo động lực, ĐTBD và ĐGKQTHNV.
Yếu tố tổ chức và Yếu tố chức năng được nhận định ở mức rất ảnh hưởng đến công tác phát triển VCQLCP, Yếu tố cá nhân ở mức ảnh hưởng. Trong đó, các thành tố liên quan đến con người gồm: sự ủng hộ của lãnh đạo trường, năng lực của người phụ trách công tác nhân sự và động lực của VCQLCP được nhận định có ảnh hưởng nhiều nhất đến công tác phát triển VCQLCP.
Về biện pháp
Dựa trên những nguyên tắc, cơ sở lý luận và thực tiễn, Luận án đề xuất 5 biện pháp có sự kết nối chặt chẽ, tạo nên tác động tổng thể, đồng bộ để phát triển VCQLCP tại các trường ĐH thành viên ĐHQG-HCM: 1) Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức của các bên liên quan đối với công tác phát triển VCQLCP; 2) Hoàn thiện hệ thống pháp lý và quản trị nội bộ phục vụ phát triển VCQLCP; 3) Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác ĐTBD VCQLCP; 4) Cải tiến công tác đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của VCQLC; và 5) Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa hoạt động tạo động lực làm việc cho VCQLCP. Các biện pháp được đánh giá mức độ cấp thiết và khả thi cao, một phần biện pháp được thực nghiệm, chứng minh được hiệu quả của biện pháp.
3. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn và những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu
Mô hình phát triển VCQLCP trong cơ sở GDĐH theo tiếp cận lý thuyết PTNNL và chu trình PDCA có thể được ứng dụng để thực hiện phát triển chất lượng, năng lực viên chức quản lý hoặc các thành phần nhân lực khác trong trường ĐH, trong các tổ chức khác nhau.
Kết quả nghiên cứu thực trạng phát triển VCQLCP tại ĐHQG-HCM là tài liệu tham khảo, gợi ý cho các nhà quản lý trường ĐH có chiến lược chọn lựa nội dung ưu tiên đầu tư và cách thức thực hiện nhằm tạo nền tảng tích cực, thúc đẩy phát triển VCQLCP tại trường.
Phát triển VCQLCP là môt phần của công tác quản lý nhân sự, có tính chất phức tạp, đòi hỏi khoảng thời gian nhất định để triển khai thực hiện và đánh giá hiệu quả. Vì vậy, các biện pháp phát triển VCQLCP cần tiếp tục được kiểm chứng một cách toàn diện, được thực hiện đầy đủ trên đối tượng, phạm vi là VCQLCP của 7 trường ĐH thành viên ĐHQG-HCM và trong khoảng thời gian đủ, phù hợp để đánh giá hiệu quả.
Hãy là người bình luận đầu tiên