Tên luận án: “Phê bình nữ quyền và văn xuôi nữ giới Việt Nam, Trung Quốc đương đại (Nghiên cứu trường hợp Dạ Ngân và Thiết Ngưng)”
Chuyên ngành: Lý luận văn học
Mã số: 62220120
Họ và tên nghiên cứu sinh: Hồ Khánh Vân
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM.
Tóm tắt nội dung luận án (abstract) – viết dưới dạng tóm tắt bài báo khoa học
Luận án tập trung vào ba đối tượng nghiên cứu chính: Phê bình nữ quyền phương Tây; văn xuôi nữ giới Việt Nam, Trung Quốc thời kỳ đương đại; và sáng tác văn xuôi của Dạ Ngân, Thiết Ngưng. Ba đối tượng này được khảo sát trong mối quan hệ tương tác với nhau: sáng tác của Dạ Ngân và Thiết Ngưng trong bối cảnh văn học nữ được tiếp cận từ góc nhìn của phê bình nữ quyền. Từ đó, người viết hướng đến giải quyết các mục tiêu cốt lõi của luận án là: (1) Giới thiệu sự hình thành, phát triển của phê bình nữ quyền; minh định các khái niệm, quan niệm, mục tiêu, đối tượng và phương pháp tiếp cận, tập trung vào các phương pháp trọng tâm, có khả năng áp dụng vào đối tượng mà luận án nghiên cứu: nữ quyền xã hội học, nữ quyền văn hóa học, nữ quyền phân tâm học, thi pháp nữ quyền; (2) Trình bày đặc trưng văn học nữ đương đại Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh phong trào nữ quyền của hai quốc gia; (3) Nghiên cứu các sáng tác thuộc thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết và tản văn của Dạ Ngân và Thiết Ngưng; phân tích so sánh sự tương đồng và dị biệt trên các phương diện: ý thức nữ quyền, lối viết nữ quyền; lý giải những đặc điểm đó dựa trên các yếu tố: bối cảnh xã hội, bối cảnh văn học, đặc trưng giới tính, trải nghiệm cá nhân, phong cách sáng tạo. Với những nỗ lực tìm tòi này, luận án mong muốn góp phần công sức ít ỏi vào việc giới thiệu và thực hành lý thuyết phê bình nữ quyền; xác định những yếu tố tự sự nữ quyền như là thi pháp phổ quát của sáng tác nữ giới; phát hiện những đặc trưng trong tư duy nghệ thuật và trong lối viết của Dạ Ngân, Thiết Ngưng như là những sáng tạo cá nhân độc đáo.
Những kết quả của luận án
1. Về phương diện nghiên cứu lý thuyết:
- Giới thiệu về phê bình nữ quyền, một xu hướng phê bình hiện đại đã, đang được ứng dụng và phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia từ năm 1970. Luận án nỗ lực tìm hiểu các văn bản gốc, các tác phẩm nữ quyền và phê bình nữ quyền kinh điển của phương Tây để nắm vững bản chất, mục tiêu, đối tượng, các khuynh hướng tiếp cận cũng như quá trình vận động của hệ tư tưởng và phương pháp phê bình văn học này.
- Tìm hiểu những xu hướng phê bình tiêu biểu, tương thích với đối tượng nghiên cứu của luận án, cụ thể là phê bình nữ quyền xã hội học, phê bình nữ quyền văn hóa học, phê bình nữ quyền phân tâm học và thi pháp nữ quyền (trong đó có lối viết nữ).
- Đặt phê bình nữ quyền vào bối cảnh chung: bối cảnh hình thành và phát triển lý thuyết nữ quyền cũng như bối cảnh nghiên cứu, phê bình văn học với mong muốn mang lại những hiểu biết có tính liên ngành, nhận diện phê bình nữ quyền trong mối quan hệ với các xu hướng phê bình văn học và các lĩnh vực khoa học khác.
2. Về phương diện vận dụng phê bình nữ quyền vào nghiên cứu thực tiễn văn xuôi nữ Việt Nam và Trung Quốc đương đại:
- Tìm hiểu diện mạo và đặc trưng của vấn đề nữ quyền ở Việt Nam và Trung Quốc thời hiện đại, với những gốc rễ bắt nguồn từ thời cổ và trung đại, gắn liền với không gian đời sống lịch sử, xã hội, văn hóa,... cụ thể của hai quốc gia.
- Trình bày bức tranh khái quát về tình hình sáng tác văn xuôi nữ ở Việt Nam và Trung Quốc đương đại; đồng thời nghiên cứu tập trung hai tác giả tiêu biểu của bộ phận văn học này ở Việt Nam và Trung Quốc giai đoạn đương đại là Dạ Ngân và Thiết Ngưng.
- Xác lập các tiêu điểm nghiên cứu qua việc chọn lựa các khái niệm công cụ và phương pháp cụ thể của phê bình nữ quyền, để phân tích ý thức nữ quyền và thi pháp nữ quyền trong tác phẩm của Dạ Ngân và Thiết Ngưng.
- Về ý thức nữ quyền, luận án đã phát hiện các nội dung sau: nhận diện hoàn cảnh, địa vị, tình trạng bị áp bức của nữ giới trong xã hội nam trị để trả lời câu hỏi người nữ đứng ở đâu trên thang bậc giới tính và vì sao họ đứng ở vị trí bất lợi đó?, (2) động thái phản kháng lại nguyên nhân gây nên tình trạng bất bình đẳng giới, hướng đến phủ định sự thống trị của nam quyền và soát xét lại các giá trị nam giới trung tâm nhằm trả lời cho câu hỏi người nữ cần phải làm gì để thay đổi hoàn cảnh của mình? và sau đó, (3) khi đã phá vỡ những cấu trúc truyền thống chứa đựng mầm mống bất bình đẳng giới, người nữ tiến tới hành động kiến tạo vị trí, vai trò, giá trị của nữ giới trong tư thế chủ thể độc lập, ngang bằng với nam giới để trả lời cho câu hỏi người nữ có thể tạo ra thể chế đời sống của giới mình để hình thành và duy trì bình đẳng giới?.
- Về thi pháp nữ quyền, luận án ghi nhận có năm lối viết được sử dụng lặp đi lặp lại, xuyên suốt, tạo thành thi pháp nữ quyền trong tác phẩm của Dạ Ngân, Thiết Ngưng (và mở rộng ra, trong sáng tác của văn xuôi nữ Việt Nam, Trung Quốc đương đại), là: thi pháp tự thuật, thi pháp tư duy hồi mẫu, thi pháp viết về cái thường nhật, thi pháp thân thể và thi pháp giễu nhại.
- Trong quá trình triển khai các nội dung, luận án luôn tiến hành phân tích so sánh văn xuôi của Dạ Ngân và Thiết Ngưng để xác định những điểm tương đồng và dị biệt về ý thức nữ quyền và về lối viết, để nhận chân một lối viết nữ đặc thù.
- Luận án là một công trình nghiên cứu được triển khai trên cái nhìn lịch đại và đồng đại; trên căn cứ lý thuyết và lịch sử văn học; trên bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa đến bối cảnh văn học; từ cá nhân nhà văn đến văn bản tác phẩm (từ yếu tố ngoài văn bản đến yếu tố văn bản); từ vấn đề nội dung đến vấn đề hình thức của tác phẩm; và từ văn bản liên hệ ngược trở lại đến hiện thực đời sống.
Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn:
-Ứng dụng vào việc nhìn nhận lại các tác phẩm trong chương trình phổ thông và đại học trên phương diện giới tính; khẳng định thêm một hướng tiếp cận mới; giúp người học suy nghĩ, phản ứng trước các vấn đề giới trên văn bản cũng như trong thực tiễn.
- Ứng dụng làm tư liệu tham khảo cho những công trình rộng hơn nghiên cứu về phê bình nữ quyền và văn học nữ.
- Ứng dụng làm cơ sở tham khảo để xây dựng các giáo trình giảng dạy đại học về vấn đề giới trong văn học, về văn học ứng dụng.
- Với hai điểm tựa: lý thuyết nữ quyền và thực tại văn bản, người viết mong muốn những kết quả nghiên cứu từ luận án sẽ được soi chiếu vào và đối sánh với hiện thực xã hội, khơi dậy những cái nhìn và suy nghĩ thấu đáo, sâu sắc, điềm tĩnh và hợp lý về tình trạng bất bình đẳng mà nữ giới đã, đang và sẽ tiếp tục chịu đựng cũng như thúc đẩy việc tìm ra giải pháp cho tình trạng đó. Cuối cùng, người viết mong muốn tham gia những dự án ứng dụng văn học vào xã hội nhằm giải quyết những vấn đề giới phức tạp hiện nay.
Các vấn đề còn bỏ ngỏ:
- Có thể phát triển vấn đề sâu hơn, trên diện rộng hơn bằng cách đặt văn học nữ vào tiến trình phát triển của văn học Việt Nam, Trung Quốc từ thời tiền hiện đại cũng như vào bối cảnh văn hóa, văn học Đông Á, rộng hơn nữa là châu Á. Việc phân tích văn bản trong mối liên hệ với lịch sử, văn hóa, tư tưởng, triết học, tôn giáo, mỹ học, khoa học,… cũng cần đào sâu hơn để thấy được vấn đề nữ quyền trong bối cảnh tổng thể của đời sống.
-Phê bình nữ quyền phương Tây đã mang lại những tư tưởng nền tảng có tính gợi ý để nghiên cứu văn học nữ quyền phương Đông. Các nước phương Đông là những thực tiễn mới, sẽ góp phần bổ sung và điều chỉnh lý thuyết nữ quyền. Vì vậy, hướng nghiên cứu chuyên sâu vào vấn đề nữ quyền phương Đông nhằm phát hiện những nét đặc thù của khu vực văn hóa- lịch sử này sẽ mang lại bức tranh đa dạng của ý thức nữ quyền.
- Mở rộng hướng nghiên cứu so sánh: so sánh với tác phẩm của nam giới để định tính đặc trưng sáng tác của mỗi giới; so sánh văn học nữ Việt Nam, Trung Quốc với văn học nữ của các nước ở phương Đông, phương Tây để nhìn nhận tiến trình chung của bộ phận văn học này trên toàn thế giới; đồng thời, phát hiện ra những điểm tương đồng và dị biệt; từ đó, có thể dự báo sự vận động của văn học nữ trong tương lai.
Hãy là người bình luận đầu tiên