Tên đề tài: Quá trình du nhập và tiếp nhận khoa học kỹ thuật phương Tây ở Việt Nam từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX
Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam
Mã số: 9229013
Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Trọng Minh
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Trần Thuận
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Tp.HCM.
1. Tóm tắt nội dung luận án
Từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX, lịch sử Việt Nam đã diễn ra nhiều biến đổi lớn lao. Sự “gõ cửa” của phương Tây đối với các quốc gia phong kiến phương Đông như Việt Nam trong giai đoạn này đã đặt Việt Nam trước một cuộc tiếp xúc mà nhiều nhà nghiên cứu gọi là “Cuộc tiếp xúc văn hóa Đông - Tây” lần thứ nhất. Cuộc tiếp xúc giữa Việt Nam với phương Tây diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực khoa học kỹ thuật là một vấn đề mang nhiều nét đặc sắc và lý thú. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, việc lần giở, khảo cứu lại lịch sử để rút ra kinh nghiệm nhằm ứng xử đúng đắn ở hiện tại là rất cần thiết. Luận án là công trình khoa học lịch sử nghiên cứu về những vấn đề liên quan đến quá trình du nhập và tiếp nhận những thành tố khoa học kỹ thuật phương Tây ở Việt Nam từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX. Bên cạnh đó, nghiên cứu này sẽ góp thêm một góc nhìn giúp đánh giá toàn diện và xác đáng hơn về những chính quyền phong kiến ở Việt Nam từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX.
2. Các kết quả chính của luận án
(1). Làm rõ bối cảnh lịch sử của quá trình du nhập và tiếp nhận khoa học kỹ thuật phương Tây ở Việt Nam từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX
Quá trình du nhập và tiếp nhận khoa học kỹ thuật phương Tây ở Việt Nam từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX diễn ra trong bối cảnh lịch sử có nhiều biến động. Ban đầu, hoạt động du nhập và tiếp nhận khoa học kỹ thuật phương Tây ở Việt Nam diễn ra chủ yếu thông qua thương mại và truyền giáo, về sau là thông qua các chính sách của triều đình. Quá trình đó chịu sự ảnh hưởng và tác động của các nhân tố lịch sử, chính trị và văn hóa trong bối cảnh xã hội đương thời.
(2). Làm rõ những vấn đề cốt yếu liên quan đến quá trình du nhập và tiếp nhận khoa học kỹ thuật phương Tây ở Việt Nam từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX.
Luận án khảo sát và tìm hiểu những vấn đề liên quan đến quá trình du nhập và tiếp nhận khoa học kỹ thuật phương Tây ở Việt Nam từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX, cụ thể là trên các khía cạnh về đối tượng, chủ thể du nhập và tiếp nhận; nội dung tiếp nhận, cách thức du nhập và tiếp nhận… Những vấn đề trên làm rõ bức tranh toàn cảnh về quá trình du nhập và tiếp nhận khoa học kỹ thuật phương Tây ở Việt Nam trong giai đoạn này.
(3) Đưa ra những nhận xét và đánh giá về quá trình du nhập và tiếp nhận tri thức khoa học kỹ thuật phương Tây ở Việt Nam trong giai đoạn từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX.
Luận án làm rõ về những kết quả mà quá trình trên đã đạt được cũng như những hạn chế mà nó còn mắc phải, từ đó phân tích, đánh giá tác động của quá trình này đến xã hội đương thời.
(4). Góp thêm một góc nhìn để đánh giá về các chính quyền phong kiến cầm quyền ở Việt Nam thời bấy giờ.
Để có cái nhìn toàn diện và công bằng về các chính quyền phong kiến ở Việt Nam giai đoạn này, cần đặt họ trong bối cảnh lịch sử cụ thể của thời kỳ đó, hiểu rõ những thách thức và khó khăn mà họ phải đối mặt. Trong trường hợp này, thông qua việc tìm hiểu về khía cạnh khoa học kỹ thuật trong mối tương tác với phương Tây, luận án góp phần giúp hiểu sâu hơn về những nỗ lực, thành tựu và hạn chế của các chính quyền phong kiến ở Việt Nam đối với hoạt động du nhập và tiếp nhận tri thức khoa học kỹ thuật phương Tây. Kết quả nghiên cứu của luận án cho thấy các chính quyền phong kiến Việt Nam trong giai đoạn này đã có những nỗ lực nhất định trong việc tiếp cận và áp dụng tri thức khoa học kỹ thuật phương Tây. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, quá trình này còn gặp nhiều hạn chế và không đạt được hiệu quả cao nhất.
3. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn của luận án
(1). Luận án cung cấp thêm những tư liệu về tình hình khoa học kỹ thuật ở Việt Nam từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX.
(2). Luận án sẽ là một tài liệu tham khảo cho những người quan tâm, nghiên cứu và giảng dạy lịch sử, đặc biệt là nghiên cứu, tìm hiểu về khoa học kỹ thuật ở Việt Nam.
(3). Góp thêm một góc nhìn từ lịch sử để có những hiểu biết đúng đắn nhằm đề ra những biện pháp ứng xử phù hợp trong bối cảnh hiện tại.
(4). Góp phần giúp hoàn thiện các công trình nghiên cứu về lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử khoa học kỹ thuật Việt Nam nói riêng trong giai đoạn từ thế kỷ XVII - giữa thế kỷ XIX.
Hãy là người bình luận đầu tiên