Tên đề tài; Quan hệ Việt Nam - Liên Bang Nga trên lĩnh vực kinh tế giai đoạn 2001-2017
Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam.
Mã số: 9229013
Họ và tên nghiên cứu sinh: Bùi Thị Huyền
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Trần Thị Mai
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG-HCM.
Tóm tắt nội dung luận án (abstract)
Luận án trình bày và phân tích toàn diện tiến trình quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Liên bang Nga giai đoạn 2001 -2017 trên các lĩnh vực: thương mại, đầu tư và hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí. Qua đó, đánh giá thành tựu, hạn chế, rút ra đặc điểm và đưa ra những nhận định, dự báo về xu hướng vận động của mối quan hệ hợp tác này trong thời gian tới.
Những kết quả của luận án
1. Phân tích, đánh giá các nhân tố chủ quan và khách quan tác động đến tiến trình quan hệ kinh tế Việt – Nga giai đoạn 2001-2017 theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực, trong đó nhân tố chủ quan đóng vai trò quyết định. Bởi xuất phát từ nhu cầu và lợi ích kinh tế của hai nước, từng là bạn bè, đồng minh truyền thống, cùng là hai nước với nền kinh tế chuyển đổi, với những điểm tương đồng về chính sách kinh tế đối ngoại và sự phù hợp với xu thế hợp tác kinh tế của thế giới, đã tạo điều kiện cho hai nước có cơ hội mới để thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương lên một bước cao hơn.
2. Trình bày và phân tích toàn diện tiến trình hợp tác kinh tế Việt – Nga giai đoạn 2001-2017 diễn ra trên các lĩnh vực chủ yếu: thương mại, đầu tư và hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí và rút ra những kết luận như sau: Trao đổi thương mại hai chiều Việt - Nga phát triển theo hướng ngày càng gia tăng về kim ngạch. Cơ cấu mặt hàng xuất - nhập khẩu có sự bổ sung cho nhau, tạo điều kiện phát huy lợi thế so sánh của Việt Nam và Liên bang Nga. Quan hệ đầu tư cũng có những bước tiến bộ, sự gia tăng về quy mô số dự án và số vốn đầu tư. Hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí có sự phát triển mang tính đột phá về quy mô và lĩnh vực, địa bàn hoạt động, mang lại lại ích thiết thực cho hai nước. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế hai nước còn nhiều hạn chế: kim ngạch thương mại hai nước là nhỏ bé so với tiềm năng và so với một số các nước khác; quan hệ đầu tư cũng chưa đạt được những bước đột biến, chưa tương xứng với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mà hai nước đã thiết lập.
4. Rút ra những đặc điểm của tiến trình quan hệ kinh tế Việt – Nga là đã có sự thay đổi về tính chất, không còn dựa trên ý thức hệ hay quan hệ đồng minh truyền thống trước đây với cơ chế một chiều “cho-nhận” mà là quan hệ đối tác, dựa nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, xuất phát từ lợi ích thiết thực mỗi nước, lấy hiệu quả kinh tế làm động lực.
5.Trong thời gian tới quan hệ kinh tế Việt – Nga còn những khó khăn, thách thức đến từ bối cảnh quốc tế, khu vực và đến từ nội tại nền kinh tế hai nước, nhưng cũng đã mở ra những triển vọng lạc quan khi hai nước tiếp tục hoàn thiện, bổ sung thêm những chính sách đúng đắn, thực thi những dự án ưu tiên đã cam kết.
Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ
cần tiếp tục nghiên cứu:
Luận án là một công trình nghiên cứu sâu về quan hệ kinh tế Việt – Nga (2001-2017) dưới góc độ sử học. Với kết quả đã đạt được trong đề tài này, luận án góp phần bổ sung vào hệ thống tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy Lịch sử ngoại giao, Lịch sử kinh tế đối ngoại.
Những kết quả nghiên cứu của luận án còn là cơ sở quan trọng, định hướng cho các công trình nghiên cứu sau này liên quan đến hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga với những nhân tố tác động mới.
Hãy là người bình luận đầu tiên