Tên đề tài: Quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo ở trường mầm non tại Thành phố Hồ Chí Minh
Chuyên ngành: Quản lý giáo dục
Mã số: 9140114
Họ và tên nghiên cứu sinh: Cao Văn Quang
Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. Đỗ Hạnh Nga; 2. TS. Nguyễn Thành Nhân
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG – TP.HCM
+ Tóm tắt nội dung luận án (abstract)
Hiện nay, việc giáo dục kỹ năng sống (KNS) để tạo cho trẻ mẫu giáo (MG) những hành vi tích cực, có những kỹ năng cần thiết để giúp trẻ tồn tại và phát triển, có khả năng ứng phó, vượt qua những thách thức trong cuộc sống là điều quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam nói chung, cách riêng tại TP.HCM, tình hình KNS của trẻ MG chỉ ở mức trung bình khá; hoạt động giáo dục KNS cho trẻ MG ở trường MN tại TP.HCM chưa được quan tâm đúng mức; và công tác quản lý hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, việc giáo dục KNS cho trẻ MG ở trường MN đang được xem là một chương trình giáo dục hiệu quả, không chỉ có tác động đến sự phát triển toàn diện của trẻ mà còn giúp cho trẻ có khả năng thích nghi với cuộc sống, hòa nhập với xã hội…, và đồng thời góp phần nâng cao chất lượng chương trình giáo dục mầm non nói chung.
Trên cơ sở tổng quan các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước về quản lý hoạt động giáo dục KNS cho trẻ MG ở trường mầm non, luận án đã làm rõ: những khái niệm và vấn đề lý luận; nội dung hoạt động giáo dục KNS cho trẻ MG ở trường MN; quản lý hoạt động giáo dục KNS cho trẻ MG; các yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản lý hoạt động này theo cách tiếp cận các chức năng quản lý. Nghiên cứu thực tiễn được thực hiện với phương pháp khảo sát bằng bảng hỏi và phương pháp phỏng vấn sâu đối với cán bộ các cấp quản lý (Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP.HCM), Ban Giám hiệu, Giáo viên và Cha mẹ trẻ MG ở các trường mầm non tại TP.HCM. Dựa trên kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn, luận án đề xuất 05 biện pháp quản lý hoạt động giáo dục KNS cho trẻ MG giúp Hiệu trưởng các trường mầm non có thể vận dụng phù hợp vào thực tiễn ở đơn vị mình. Khảo sát tính cần thiết và tính khả thi của các biện pháp đã cho kết quả tương đối cao ở tất cả các biện pháp; đồng thời thực nghiệm 02 biện pháp quản lý đã cho kết quả là khả thi và có hiệu quả đủ để chứng minh giả thuyết khoa học đề ra.
+ Những kết quả của luận án
Về lý luận: Luận án đã phân tích, hệ thống hóa và phát triển khái niệm KNS; hệ thống các KNS cần thiết đối với trẻ từ 3 đến 6 tuổi; phân tích và phát triển những lý luận về hoạt động GDKNS cho trẻ MG, quản lý HĐGDKNS cho trẻ MG theo cách tiếp cận các chức năng quản lý (xây dựng kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra, đánh giá), và các yếu tố ảnh hưởng đến việc quản lý hoạt động giáo dục KNS cho trẻ MG ở trường MN. Trên cơ sở lý luận và thực tiễn, luận án đã cung cấp các luận cứ khoa học, những giải pháp quản lý, tổ chức chương trình hoạt động giáo dục KNS cho trẻ mẫu giáo ở trường mầm non.
Về thực tiễn: Luận án đã phân tích, đánh giá và xác định được thực trạng hoạt động giáo dục KNS cho trẻ MG và quản lý hoạt động giáo dục KNS cho trẻ MG ở trường MN tại TP.HCM, và đã làm rõ những yếu tố ảnh hưởng - cản trở đến thực trạng quản lý hoạt động này. Từ đó, luận án đã đề xuất được các biện pháp có thể áp dụng vào thực tiễn quản lý hoạt động giáo dục KNS cho trẻ MG ở trường MN tại TP.HCM hiện nay.
+ Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
- Đối với Sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo TP.HCM
Kết quả nghiên cứu của luận án có thể dùng làm tài liệu tập huấn cho các cán bộ quản lý và giáo viên mầm non trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình và triển khai tổ chức các hoạt động giáo dục KNS cho trẻ MG ở các trường mầm non tại TP.HCM.
- Đối với Nhà trường mầm non
Có thể dùng luận án làm tài liệu tập huấn cho giáo viên mầm non.
Vận dụng linh hoạt các biện pháp quản lý đã được đề xuất trong luận án vào điều kiện cụ thể của đơn vị mình trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức các hoạt động giáo dục KNS cho trẻ MG, cũng như xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến việc quản lý hoạt động này, nhằm nâng cao hiệu quả cho quản lý hoạt động giáo dục KNS cho trẻ MG tại trường mình.
- Đối với giáo viên mầm non
Nghiên cứu có thể là tham khảo để chọn lựa các KNS cần thiết trong hệ thống KNS đã được xác định và các chương trình giáo dục KNS cho trẻ theo khối/lớp (mầm, chồi, lá), áp dụng vào xây dựng chương trình, soạn giáo án – bài dạy, và tổ chức hoạt động giáo dục KNS cho trẻ lớp mình phụ trách.
- Kết quả nghiên cứu có thể được sử dụng làm nguồn tư liệu cho các nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên, nhà nghiên cứu chuyên ngành Quản lý Giáo dục.
Hãy là người bình luận đầu tiên