Hơn 40 người tham gia buổi sinh hoạt Câu lạc bộ (CLB) Nghiên cứu liên ngành lần 2 vào sáng 28/10, tại Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM (cơ sở Đinh Tiên Hoàng, Q1).
Chủ đề của buổi sinh hoạt là “Đi cùng đối tượng trong nghiên cứu thực địa nhân học”, do TS Trương Thị Thu Hằng - Trưởng khoa Nhân học Trường ĐH KHXH&NV, trình bày.
Viện dẫn quá trình điền dã nhân học về trường hợp viết liễn tại Nhà Lớn Long Sơn (TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), TS Thu Hằng cho rằng mối quan hệ giữa “hiện thực” và “nhận thức” mang tính tương hỗ, đồng thời chịu ảnh hưởng của chủ thể tri nhận.
Trưởng khoa Nhân học cho biết với mỗi nhóm người ở những giai đoạn khác nhau, người viết liễn có những tên gọi riêng. Ví dụ, học sinh, sinh viên gọi người viết liễn là “ông đồ”; nhiếp ảnh gia, viên chức phụ trách phát triển du lịch của tỉnh thì gọi họ là “nét đẹp văn hóa truyền thống”. Khoảng 7 năm sau, một tờ tạp chí gọi những người viết liễn của Nhà Lớn Long Sơn là “kỳ lão Long Sơn”.
“Cùng một hiện thực nhưng mỗi nhóm người, ở mỗi giai đoạn có những cách diễn giải văn hóa khác nhau. Vì vậy, nhà nghiên cứu phải ở cùng và đi cùng đối tượng nghiên cứu để hiểu được cách họ suy nghĩ, vận hành cuộc sống” - Báo cáo viên Trương Thị Thu Hằng chia sẻ.
Cô cũng giới thiệu phương pháp nghiên cứu đa điểm trong một bài báo của nhà nghiên cứu George E. Marcus, gồm 4 hướng tiếp cận là đi theo con người, đồ vật, câu chuyện và mâu thuẫn. Đây là phương pháp nghiên cứu mang tính liên ngành, có thể vận dụng cho nhiều ngành khác nhau.
Tại buổi sinh hoạt, các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học của ĐHQG-HCM đã thảo luận về khả năng công bố bài báo khoa học và cách thực hiện liên ngành trong một đề tài nghiên cứu nhân học, đề xuất việc lập các nhóm nghiên cứu liên ngành trong CLB…
Theo kế hoạch, buổi sinh hoạt tiếp theo của CLB Nghiên cứu liên ngành sẽ diễn ra vào ngày 11/11, tại Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG-HCM.
Tin, ảnh: THU TRANG
Hãy là người bình luận đầu tiên