Hơn 500 sinh viên đến xem vở kịch Nằm khóc một mình do Sân khấu Kịch Báo chí Nhân văn trình diễn tại Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, cơ sở Đinh Tiên Hoàng (Q1), vào tối 10/6.
Lấy bối cảnh thành phố Đà Lạt vào thập niên 1980, Nằm khóc một mình xoay quanh chuyện tình lãng mạn nhưng nhiều ngang trái giữa Trần Phong - chàng ca nhạc sĩ nghèo và tiểu thư Đài Trang. Một biến cố xảy cùng sự “trở về” của bà Kim Ngân từ… tương lai đã cuốn tất cả vào vòng lặp thời gian không lối thoát. Từ đó đưa các nhân vật đối mặt với những lựa chọn khắc nhiệt nhất về tình yêu và hoài vọng của tuổi trẻ.
Sinh viên Nguyễn Ngọc Uyên Nhi - Trưởng Ban sản xuất, cho biết để tái hiện không gian Đà Lạt cuối thập niên 1980 trên sân khấu, các thành viên trong đội kịch đã dành rất nhiều thời gian để tạo cảnh trí và đạo cụ.
“Từ cái rào chữ Y ở bờ Hồ Xuân Hương, quán trà với những chiếc bàn gỗ thấp, căn biệt thự với dàn hoa hồng ngoài hiên đến cách ăn mặc của nhân vật đều được các thành viên tìm hiểu và chăm chút thiết kế. Hơn 2 tháng chuẩn bị, các thành viên đã làm việc với hơn 400 giờ thiết kế và thi công, 136m vải, 108m sắt, 100 chai sơn, 35kg mút xốp và carton” - Uyên Nhi chia sẻ.
Hoạt động từ năm 2017, Sân khấu Kịch Báo chí Nhân văn đã trình diễn 5 vở kịch dài được nhiều sinh viên mến mộ, gồm Mặt trời soi kiếp rong chơi, Nửa trời phiêu lãng, Cuối trời phiêu lãng, Trái tim hóa thạch, Lá hát như mưa.
Tin, ảnh: Đình Khải
Hãy là người bình luận đầu tiên