Tên đề tài: Sự biến đổi giá trị trong văn hóa giáo dục Nhật Bản từ thời Minh Trị đến nay
Chuyên ngành: Văn hóa học
Mã số: 9229040
Họ và tên nghiên cứu sinh: Trần Thị Thùy Trang
Người hướng dẫn khoa học: GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
+ Tóm tắt nội dung luận án (abstract)
Tác động của làn sóng hiện đại hóa và toàn cầu hóa đã làm cho hệ thống giáo dục của hầu hết các quốc gia trên thế giới phải trải qua nhiều biến đổi liên quan đến các chuẩn mực xã hội, giá trị, niềm tin và cách thức triển khai giáo dục để thích ứng với sự biến động liên tục và đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao của của xã hội. Nhật Bản – quốc gia nổi tiếng với nền văn hóa độc đáo và nhiều thành tích phát triển đáng kinh ngạc sẽ là một chủ đề hấp dẫn về mảng đề tài nghiên cứu này. Qua tìm hiểu sự biến đổi giá trị trong văn hóa giáo dục Nhật Bản từ thời Minh Trị đến nay, luận án hy vọng đi tìm cơ sở văn hóa của nguồn gốc sức mạnh Nhật Bản trên phương diện giáo dục. Đây chính là chìa khóa quan trọng giúp lí giải sự khác biệt của Nhật Bản cũng như dự đoán con đường phát triển giáo dục của Nhật Bản trong tiến trình toàn cầu hóa, rút ra bài học cho giáo dục Việt Nam.
+ Những kết quả của luận án
1. Do đặc điểm địa lý, tự nhiên và quá trình hình thành, phát triển văn hóa dân tộc, hệ giá trị văn hóa giáo dục truyền thống của Nhật Bản trước thời Minh Trị Duy tân (1868) có bốn đặc trưng chính là trọng thực học, trọng cộng đồng, trọng truyền thống, trọng dũng khí. Trong đó bộ ba trọng thực học, trọng cộng đồng, trọng truyền thống là những giá trị có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp nhận tri thức ngoại sinh, còn trọng dũng khí là giá trị để Nhật Bản đủ bản lĩnh hiện thực hóa triết lí giáo dục. Các giá trị này tác động lẫn nhau tạo nên một hệ giá trị với những đặc trưng độc đáo trong quá trình học hỏi và xây dựng thiết chế giáo dục dân tộc Nhật Bản, đó là sự thức thời, quyết liệt khi cần phải tiếp nhận cái mới vì mục đích chung của toàn xã hội. Việc tiếp biến, sáng tạo văn hóa dựa trên truyền thống sao cho tương thích với tính cách dân tộc, chất “dũng khí” ở mỗi con người Nhật Bản, có lợi cho cộng đồng đã tạo nên thế cân bằng giữa các nhóm tham gia vào hoạt động giáo dục, giữa các trào lưu văn hóa giáo dục trong suốt quá trình xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục quốc gia.
2. Đặc trưng trong sự biến đổi giá trị văn hóa giáo dục Nhật Bản qua các thời kỳ như sau:
- Trong giai đoạn từ thời Minh Trị đến năm 1945, Nhật Bản tiếp tục duy trì bộ bốn giá trị truyền thống: trọng thực học, trọng cộng đồng, trọng truyền thống và trọng dũng khí. Trong đó giá trị trọng thực học đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng niềm tin vào mục đích lập thân xuất thế trong quần chúng, giúp Nhật Bản tiếp nhận tri thức để có thể đuổi kịp với sự tiến bộ của khoa học - kĩ thuật trên thế giới. Bên cạnh đó, trong văn hóa giáo dục Nhật Bản giai đoạn này xuất hiện cặp giá trị mới: chuyên chế - dân chủ, tôn ti - bình đẳng. Các giá trị trọng truyền thống, trọng cộng đồng và trọng dũng khí chính là nhân tố giữ cho hai cặp giá trị mới này được dung hòa, không giá trị nào bị triệt tiêu do sự phát triển thái quá của giá trị còn lại.
- Trong giai đoạn nửa cuối thế kỉ XX, Nhật Bản tiếp tục duy trì hệ giá trị hình thành trong giai đoạn từ thời Minh Trị đến 1945: dân chủ - chuyên chế, tôn ti - bình đẳng, trọng thực học, trọng cộng đồng, trọng truyền thống, trọng dũng khí. Trong đó, giá trị dân chủ được thể hiện rõ nét hơn trong văn hóa giáo dục so với giai đoạn trước đó và trở thành giá trị chủ đạo, tạo nên diện mạo chung của văn hóa giáo dục Nhật Bản trong giai đoạn này.
- Trong giai đoạn những năm đầu thế kỉ XXI, Nhật Bản tiếp tục duy trì hệ giá trị dân chủ - chuyên chế, tôn ti - bình đẳng, trọng thực học, trọng truyền thống, trọng dũng khí và sáng tạo thêm một giá trị mới là khai phóng. Trong đó, giá trị truyền thống được đặt làm trọng tâm. Giá trị dân chủ gần như thay thế giá trị chuyên chế và chiếm vị thế chủ đạo trong quản lí tổ chức giáo dục. Giá trị trọng thực học đóng vai trò quan trọng giúp Nhật Bản tiếp nhận tri thức để có thể tạo ra xu hướng của khoa học - kĩ thuật. Giá trị khai phóng và dân chủ đã tạo nên diện mạo mới mẻ, tươi sáng, sáng tạo trong văn hóa giáo dục Nhật Bản.
3. Từ góc nhìn loại hình văn hóa có thể thấy các biểu hiện văn hóa giáo dục của Nhật Bản qua ba giai đoạn cải cách thể hiện rõ nét tính nước đôi của loại hình văn hóa trung gian. Nhật Bản dung hòa các cặp giá trị để vừa có thể phát triển vừa có thể ổn định xã hội. Giá trị trọng cộng đồng vừa giúp Nhật Bản có thể mau chóng ổn định xã hội một cách nhanh chóng qua các chính biến lịch sử, vừa giúp Nhật Bản có thể lựa chọn và thực thi các chính sách phát triển một cách quyết liệt. Trong quá trình phát triển đất nước, Nhật Bản trọng cả Danh thể hiện qua việc giành được các thứ hạng cao trên thế giới, cả Nghĩa thể hiện qua việc viện trợ cho các nước đang và kém phát triển…; và trọng cả Lợi thể hiện qua các chính sách phát triển trong nước và phát triển hợp tác song phương, hợp tác quốc tế…
4. Sự biến đổi của hệ giá trị trong văn hóa giáo dục Nhật Bản qua các lần biến động xã hội diễn ra theo quy luật: tiếp thu và thay đổi diễn ra mạnh mẽ, nổi bật hơn so với duy trì; sự duy trì được thực hiện bằng cách thức dung hòa với cái mới; sự đổi mới tuy nhanh chóng nhưng không mang tính nhất thời mà mang tầm nhìn dài hạn. Văn hóa giáo dục được phát triển hài hòa với nền tảng vì quốc gia, xã hội.
+ Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
Công trình nghiên cứu là tài liệu tham khảo mang tính luận chứng về kinh nghiệm của Nhật Bản trong quá trình chọn lọc và tiếp biến tinh hoa giáo dục ngoại sinh để xây dựng nền giáo dục cũng như vận hành bộ máy quản lí giáo dục. Nguồn thông tin này sẽ góp phần trong việc tìm hiểu về Nhật Bản, cũng như là nguồn tham khảo cho Việt Nam khi thực hiện đổi mới, cải tiến cơ cấu tổ chức giáo dục nước nhà, đặc biệt là định vị được hệ giá trị văn hóa giáo dục – mấu chốt để có thể phát triển giáo dục một cách bền vững.
Vì theo đuổi mục tiêu nghiên cứu ở mức tổng quát để tìm ra quy luật biến đổi giá trị nên luận án chưa đi sâu phân tích các vấn đề còn tiềm ẩn trong văn hóa giáo dục Nhật Bản; chưa phân tích sâu các lớp văn hóa giáo dục ở các cấp lớp, loại hình trường học; chưa thực hiện so sánh đầy đủ và kỹ lưỡng với sự biến đổi giá trị trong văn hóa giáo dục của các nước (đồng văn) trong khu vực ở tất cả các luận điểm về văn hóa giáo dục Nhật Bản. Các vấn đề vừa nêu có thể là đề tài cho các luận văn, luận án khác hoặc là bước nghiên cứu tiếp theo của chúng tôi sau này.
Hãy là người bình luận đầu tiên