PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG-HCM khẳng định như vậy tại hội thảo kỷ niệm 200 năm ngày sinh Karl Marx: “Các Mác và thời đại ngày nay”. Hội thảo do Trường ĐH KHXH&NV, Trường ĐH Kinh tế - Luật và Trung tâm Lý luận Chính trị ĐHQG-HCM phối hợp tổ chức ngày 5/5.
Marx không suy nghĩ thay chúng ta
Theo PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, thời kỳ ra đời của chủ nghĩa Marx gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp lần I, đến nay đã diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần IV. Đây là khoảng thời gian dài với những biến đổi lớn của đời sống kinh tế, chính trị thế giới, do đó việc tiếp thu chủ nghĩa Marx cần liên tục bổ sung và hoàn chỉnh. “Lúc sinh thời Karl Marx đã nhiều lần khẳng định học thuyết của các ông không phải là hoàn thiện, bất biến, giáo điều mà chỉ là kim chỉ nam cho hành động. Do vậy, những người cách mạng đời sau cần liên tục bổ sung và phát triển làm cho học thuyết Marx trở nên hoàn chỉnh” - PGS.TS Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
Giám đốc ĐHQG-HCM cho rằng sự hoàn chỉnh chủ nghĩa Marx cần gắn với thực tiễn cách mạng đang vận động, tiếp thu có chọn lọc các tư tưởng, học thuyết tiến bộ trên thế giới để làm sâu sắc, sống động và hiện thực chủ nghĩa Marx. PGS.TS Huỳnh Thành Đạt khẳng định: “Ý nghĩa thời đại và sức sống của chủ nghĩa Marx chính là cơ sở để chúng ta khẳng định xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Marx - Lenine và tư tưởng Hồ Chí Minh mà Đảng ta đã xác định”.
Đặt vấn đề “Phải chăng chủ nghĩa Marx - Lenin đã lỗi thời?” trong phát biểu đề dẫn, GS.TS Võ Văn Sen - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM cho rằng sức sống của chủ nghĩa Marx chính là ở bản chất cách mạng và khoa học chứ không phải ở những nội dung cụ thể của chủ nghĩa này.
“Chúng ta không hề coi lý luận của Marx như một cái gì đó đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu so với cuộc sống. Hơn nữa, chính tiếp thu bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Marx, chúng ta mới có thể bổ sung, phát triển và khắc phục những hạn chế mà trong thời đại mình, Karl Marx chưa có điều kiện nhìn thấy” - GS Võ Văn Sen cho biết.
Theo Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, nguyên nhân sâu xa nhất về lý luận của sự sụp đổ mô hình xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô là do không kịp thời khắc phục hạn chế của chủ nghĩa Marx. GS Võ Văn Sen nhấn mạnh: “Marx và Engels trong điều kiện của mình không thể hình dung một cách cụ thể về mô hình chủ nghĩa xã hội trong tương lai. Hạn chế lớn nhất là hai ông không hình dung ra vai trò của kinh tế hàng hóa - thị trường trong chủ nghĩa xã hội. Với tư cách là một nhà khoa học, chúng ta không thể đòi hỏi hơn ở Marx và Engels về việc hiểu biết một đối tượng nghiên cứu cả thế kỷ sau mới bắt đầu xuất hiện”.
Ông Sen cũng kêu gọi cần chống lại những toan tính tầm thường hóa chủ nghĩa Marx, “biến chủ nghĩa này thành thứ tôn giáo đặc biệt mà ở đó những người cộng sản đóng vai những linh mục đỏ, còn học thuyết marxist thì được soạn lại thành những mệnh đề mang tính giáo huấn, như những lời thiêng trong Kinh Thánh”.
“Những thành công của Trung Quốc và Việt Nam hiện nay tiếp tục cho thấy sự đúng đắn và sức sống của chủ nghĩa Marx - Lenin nói chung và học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Marx nói riêng. Chủ nghĩa Marx không suy nghĩ thay cho chúng ta mà cung cấp cho chúng ta một phương pháp phân tích, một cách nhìn biện chứng và kim chỉ nam cho hành động” - GS Võ Văn Sen khẳng định.
Hiện tượng “đóng vai Marx chống lại Marx”
Phân tích vai trò của học thuyết kinh tế Marx đối với việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Luân - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG-HCM, cho rằng Marx không chỉ phát triển kinh tế cổ điển mà còn phát kiến những lý thuyết kinh tế có giá trị bền vững đến hiện nay như lý luận giá trị lao động, giá trị thặng dư, cạnh tranh… “Việt Nam đang xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, những khái niệm, phạm trù, quy luật… của kinh tế thị trường mà học thuyết Marx đưa ra là hết sức cần thiết” - PGS.TS Nguyễn Văn Luân nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Luân, sở dĩ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là “mô hình chưa từng có trong lịch sử” bắt nguồn từ những nguyên nhân khách quan. Trước nhất, kinh tế thị trường tuy là mô hình phát triển phổ biến, nhưng nền kinh tế thị trường ở các quốc gia không hoàn toàn giống nhau mà có những sắc thái, dấu ấn riêng về lịch sử, văn hóa. “Kinh tế thị trường có đặc tính phù hợp với trình độ, thể chế và điều kiện phát triển cụ thể của mỗi quốc gia. Kinh tế thị trường ở nước nào cũng có các loại thị trường cơ bản để tạo thành một chỉnh thể hữu cơ tác động qua lại trong nền kinh tế. Sự vận động của nền kinh tế thị trường là hướng đến sự cân bằng tổng thể nền kinh tế giữa các ngành sản xuất kinh doanh với tiêu dùng của hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ” - PGS.TS Nguyễn Văn Luân lập luận.
Dẫn chứng công trình Những bóng ma của Marx của triết gia người Pháp J. Derrida, PGS.TS Đinh Ngọc Thạch - Giám đốc Trung tâm Lý luận Chính trị ĐHQG-HCM cho biết: “Derrida đã giành hẳn một chương để phân tích cái mà ông gọi là ‘đóng vai Marx để chống lại Marx’, vô hiệu hóa ‘một sức mạnh tiềm tàng’, qua đó phê phán ‘chủ nghĩa cực quyền đã làm cho tinh thần marxist chịu đựng những cơn đau lịch sử. Ông kêu gọi: ‘Trở lại Marx, chúng ta hãy đọc ông như đọc một triết gia vĩ đại’”.
Từ cách đặt vấn đề này, PGS.TS Đinh Ngọc Thạch cho rằng Derrrida đã dự báo “sự trở lại của tinh thần marxist” sau khi được “thanh tẩy và kiểm chứng” bằng “kinh nghiệm lịch sử của những người thừa kế”.
“Di sản đó, theo Derrida, cần được khẳng định lại bằng cách biến đổi nó một cách cơ bản tùy theo sự cần thiết. ‘Sự khẳng định lại này sẽ vừa trung thành với tiếng vang vọng trong lời kêu gọi của Marx, vừa phù hợp với khái niệm di sản nói chung… Di sản không bao giờ là một vật cho không, mà bao giờ cũng là một nhiệm vụ. Nhiệm vụ này vẫn còn tồn tại trước mắt chúng ta’” - PGS.TS Đinh Ngọc Thạch dẫn lại lời lưu ý của Derrida.
Giám đốc Trung tâm Lý luận Chính trị ĐHQG-HCM cho biết thêm: “Nhận định của Derrida một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng, sức mạnh của một học thuyết thể hiện ở sự thuyết phục và cảm hóa của nó đối với quần chúng, ở chỗ quần chúng tự giác đến với nó, chúng không phải ‘sự áp đặt bằng mệnh lệnh’ và ‘những khẩu hiệu’”.
Theo đó, PGS.TS Đinh Ngọc Thạch cho rằng biểu hiện của chủ nghĩa giáo điều trong tư duy lý luận của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang trở thành nguy cơ kìm hãm sự nghiệp đổi mới, tạo nên khoảng cách ngày càng xa giữa lý luận và thực tiễn. Do đó, cần đấu tranh với những hiện tượng “đóng vai Marx chống lại Marx” như nhà tương lai học Derrida từng cảnh báo, nhằm làm cho tư tưởng của Marx “tiếp tục phát huy giá trị trong điều kiện lịch sử mới”.
PHIÊN AN
Hãy là người bình luận đầu tiên