Tên đề tài luận án: Tạo và đánh giá hoạt tính vắc xin bất hoạt phòng ngừa bệnh tay chân miệng do EV71 trên mô hình động vật
Ngành: Vi sinh vật học
Mã số ngành: 62420107
Họ tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Yến Nhi
Khóa đào tạo: 2013
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Cao Thị Bảo Vân
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên- ĐHQG.HCM
1. Tóm tắt luận án
Bệnh tay, chân, miệng (TCM) là một bệnh truyền nhiễm phổ biến ở trẻ em do một nhóm Enterovirus thuộc họ Picornaviridae gây ra trong đó Enterovirus 71 (EV71) là một tác nhân được quan tâm nhiều nhất do liên quan đến các bệnh cảnh nặng. Trong bối cảnh chưa có một phương thức điều trị hiệu quả với EV71 thì việc phát triển vắc xin phòng bệnh là nhu cầu cấp thiết. Hiện đã có một số vắc xin do Trung Quốc sản xuất đã được thương mại hoá nhưng hiệu quả bảo vệ của các vắc xin này đối với các chủng lưu hành tại Việt Nam hầu như chưa được ghi nhận. Trong khi đó, đặc điểm về dịch tễ học phân tử của virus EV71 tại Việt Nam có nhiều điểm khác biệt. Vì vậy, mục đích của luận án là nghiên cứu phát triển vắc xin phòng bệnh tay chân miệng do EV71 dựa trên chủng phân lập tại Việt Nam có khả năng trung hoá chéo với các chủng lưu hành tại Việt Nam thông qua quá trình chọn lọc chủng dựa trê phân tích xu hướng tiến hoá và dịch tễ học phân tử, thích ứng chủng trên hệ thống nuôi cấy, sản xuất kháng nguyên trên hệ thống nuôi cấy huyền phù Wave Bioreactor, tinh chế kháng nguyên bằng phương pháp sắc ký lọc gel, thử nghiệm tính sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ trên mô hình chuột. Nghiên cứu đã chọn được chủng ứng cử cho vắc xin phòng bệnh TCM do EV71 là chủng có kiểu gen B5 và thích ứng chủng này trên dòng tế bào Vero tạo ra chủng sản xuất mang tên B5-203P-2013-P10.1 có hiệu giá trên 107 TCID50/ml và có tính ổn định di truyền do với chủng ban đầu sẵn sàng cho việc sản xuất vắc xin, đã xây dựng và chuẩn hoá quy trình sản xuất kháng nguyên vi rút EV71 trên hệ thống huyền phù wave bioreactor với hiệu giá kháng nguyên thu được >108 TCID50/ml; Xác định được liều tiêm là 1µg kháng nguyên kết hợp tá chất nhôm và lịch tiêm tối ưu giữa hai mũi tiêm là cách nhau 4 tuần thông qua kết quả đáp ứng miễn dịch; chứng minh được khả năng bảo vệ khả năng bảo vệ tốt trên mô hình miễn dịch thụ động ở chuột sơ sinh 1 ngày tuổi với khả năng bảo vệ đạt 100% khi gây đáp ứng miễn dịch cho chuột mẹ liều kháng nguyên 10µg kết hợp tá chất nhôm.
2. Những kết quả mới của luận án
Nghiên cứu đã thành công trong việc chọn chủng ứng cử cho vắc xin phòng bệnh TCM do EV71 là chủng có kiểu gen B5, cũng như thích ứng thành công chủng này trên dòng tế bào Vero tạo ra chủng sản xuất có hiệu giá đạt trên 107 TCID50/ml, có khả năng bảo vệ chéo với các kiểu gen lưu hành tại Việt Nam như B5, C4, C5. Nghiên cứu cũng ứng dụng hệ thống huyền phù wave bioreactor cho việc nuôi cấy kháng nguyên EV71 đạt hiệu giá kháng nguyên thu được >108 TCID50/ml. Kháng nguyên được tinh chế qua hệ thống sắc ký lọc gel cho đáp ứng miễn dịch tối ưu ở hàm lượng 1µg và có khả năng bảo vệ 100% trên mô hình miễn dịch thụ động ở chuột sơ sinh 1 ngày tuổi khi gây đáp ứng miễn dịch cho chuột mẹ liều kháng nguyên 10µg.
3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Kết quả khả quan của nghiên cứu đã cho thấy khả năng ứng dụng mô hình này để phát triển vắc xin phòng bệnh TCM trong trường hợp cập nhật chủng mới lưu hành tại Việt Nam hoặc những chủng ngoài EV71 như Coxsackie A6, A10, A16 để tạo vắc xin đa giá giúp bảo vệ khỏi nhiều tác nhân TCM khác. Ngoài những kết quả đã đạt được, nghiên cứu vẫn còn những điểm hạn chế cần được bổ sung để hoàn thiện ở các nghiên cứu tiếp theo đó là hoàn thiện quy trình tinh chế và bổ sung các phương pháp đánh giá chất lượng kháng nguyên như độ tinh sạch và hàm lượng kháng nguyên đặc hiệu; đánh giá tính an toàn và thời gian tồn lưu kháng thể trên động vật thí nghiệm.
Hãy là người bình luận đầu tiên