Tên đề tài luận án: Thành ngữ trong mộ số truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam hiện đại (có so sánh với thành ngữ trong một số tác phẩm văn học Anh-Mỹ)
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học so sánh đối chiếu
Mã số: 62.22.02.41
Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Hữu Thế
Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. Đỗ Thị Kim Liên
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.
Tóm tắt nội dung luận án:
Luận án nghiên cứu thành ngữ trong một số truyện ngắn, tiểu thuyết thông qua 18 tác phẩm, gồm 13 tác phẩm Việt Nam và 8 tác phẩm Anh –Mỹ. Luận án tập hợp được số lượng ngữ liệu là 3.389 thành ngữ hành chức tiếng Việt và tiếng Anh, trong đó tiếng Việt là 1.509 thành ngữ và tiếng Anh là 1.880 thành ngữ và với phụ lục 557 trang. Thông qua 3 phương pháp nghiên cứu chính đó là phương pháp miêu tả, phương pháp so sánh đối chiếu và phương pháp thống kê. Mục đích của luận án là nghiên cứu thành ngữ trong hành chức của một số tác phẩm tiêu biểu của những tác giả Việt Nam (so sánh với một số tác giả Anh/ Mỹ). Từ đó rút ra những giá trị của thành ngữ về những điểm tương đồng và khác biệt trên phương diện cấu tạo thành ngữ nguyên dạng và cải biên; ý nghĩa của thành ngữ xét trong quan hệ hành chức với nhóm thành ngữ giữ nguyên ngữ âm và biến đổi ngữ âm, và đặc trưng văn hóa giữa thành ngữ tiếng Việt và thành ngữ tiếng Anh.
Những kết quả của luận án:
1. Thành ngữ nguyên dạng (Original idioms): Về cấu tạo, các tác giả Việt Nam chủ yếu sử dụng thành ngữ ẩn dụ hóa đối xứng với kết cấu hài hòa, được cấu tạo dựa trên phương thức ẩn dụ và hoán dụ. Thành ngữ có cấu trúc phi đối xứng được cấu tạo dựa trên kết cấu hai trung tâm và kết cấu C-V và tiếp theo là thành ngữ so sánh với cấu tạo: A như B; như B; (A) như B; AB. Khác với tiếng Việt, các tác giả Anh/ Mỹ chủ yếu sử dụng thành ngữ có cấu tạo là động từ có giới từ đi kèm; động từ + tân ngữ/ bổ ngữ; cụm trạng từ và cụm giới từ. Bên cạnh đó, thành ngữ tiếng Anh có một số nét tương đồng với thành ngữ tiếng Việt về cấu trúc so sánh như: A like B; as A as A hoặc like B; look like B trong tiếng Anh tương đương với các cấu trúc A như B; Như B trong tiếng Việt.
2. Thành ngữ cải biếnn (Idiomatic variation): cả hai ngôn ngữ đều xuất hiện thành ngữ cải biên về trật tự cấu tạo và cấu trúc, giản lược hoặc chêm xen thành tố cấu tạo, thay thế từ đồng nghĩa và thay thế từ cùng trường nghĩa. Tuy nhiên, thành ngữ cải biên vỏ ngữ âm và cải biên thành ngữ thành tục ngữ chỉ xuất hiện trong thành ngữ tiếng Việt. Ngược lại, thành ngữ cải biên thay thế bằng trạng từ, giới từ và liên từ chỉ xuất hiện trong tiếng Anh.
3. Thành ngữ nguyên dạng với vỏ ngữ âm không thay đổi nhưng lại biến đổi về ý nghĩa so với nghĩa gốc hay nghĩa từ điển và kể cả thành ngữ giữ nguyên vỏ ngữ âm cũng có thể chuyển nghĩa và phải dựa vào ngữ cảnh thì mới có thể hiểu được đúng ý nghĩa của thành ngữ này. Ngoài ra, các nhà văn của hai ngôn ngữ còn sử dụng hình thức thay đổi vỏ ngữ âm, thay đổi thành tố từ vựng bằng cách chêm xen hoặc giản lược thành tố... dẫn đến biến đổi về ý nghĩa của thành ngữ. Đồng thời, các tác giả Việt Nam và Anh/ Mỹ còn sáng tạo ra một số thành ngữ mới. Riêng hiện tượng biến đổi ý nghĩa khi sử dụng hình thức như: sao phỏng thành ngữ, thêm thành tố mới biến thành ngữ thành tục ngữ và đảo trật tự cú pháp chỉ xuất hiện trong tiếng Việt mà không xuất hiện trong tiếng Anh.
4. Về đặc trưng văn hóa: Đối với người Việt, từ lâu đời họ chủ yếu gắn với văn hóa lúa nước, hòa hợp với thiên nhiên nên người Việt ưa lối nói hài hòa, cân đối, nhịp nhàng, tinh tế, kín đáo và sử dụng những hình ảnh phong phú và giàu hình ảnh dựa trên phương thức ẩn dụ, hoán dụ để biểu hiện tất tả các khía cạnh của cuộc sống. Ý nghĩa của thành ngữ thường thông qua các từ chỉ sản phẩm từ cây lúa và hạt lúa; từ chỉ công cụ sản xuất liên quan đến trồng lúa; có từ chỉ cây trồng gắn với khí hậu, thời tiết vùng cư dân trồng lúa nước sinh sống; từ chỉ con vật tự nhiên sống ở môi trường nước ngọt trồng lúa; từ có liên quan đến tôn giáo và tín ngưỡng; từ chỉ bộ phận cơ thể người để nói đến hoàn cảnh, nhận xét, mỉa mai những thói hư tật xấu, thái độ ứng xử của con người... Trái lại, thành ngữ tiếng Anh lại gắn với kinh tế thương mại từ rất sớm, nên họ chuộng lối nói thẳng thắn, rõ ràng, khách quan; và văn hóa tôn giáo chính gắn liền với Ki tô giáo.
5. Do tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn lập với đặc trưng là mỗi âm tiết đều có nghĩa, là một từ đơn và không biến đổi hình thái, cho nên, thành ngữ tiếng Việt cải biên phong phú và đa dạng hơn so với thành ngữ tiếng Anh. Khác với tiếng Việt, tiếng Anh là một ngôn ngữ biến hình, từ lại biến đổi hình thái để biểu thị ý nghĩa ngữ pháp khác nhau, ý nghĩa từ vựng, ý nghĩa ngữ pháp được kết hợp trong từ nhưng không thể tách rời được. Do đó, cấu tạo thành ngữ trong tiếng Anh rất chặt chẽ, luôn có mặc định qui ước trong sử dụng
6. Về cải biên ngữ âm chỉ xuất hiện trong tiếng Việt bởi 3 lý do sau: (1) vì phát âm theo hình thức phương ngữ, mỗi địa phương có cách phát âm không giống nhau nên dẫn đến mỗi vùng miền có một số đặc trưng cải biên ngữ âm khác nhau; (2) do khi thay đổi phát âm thì dẫn đến thay đổi chữ viết, cho nên, cải biên ngữ âm xuất hiện khá phổ biến trong tiếng Việt; (3) mặc dù cách viết và phát âm khác nhau nhưng ý nghĩa vẫn không thay đổi. Trái lại, trong tiếng Anh không thể hiện qua chữ viết và khi thay đổi phát âm thì nghĩa hoàn thay đổi hoàn toàn. Vì vậy, cải biên ngữ âm không tồn tại trong tiếng Anh.
7. Trong tiếng Việt, hình thức thay đổi trật tự thành ngữ cải biên bằng cách hoán chuyển cấu tạo thành ngữ trong sử dụng theo những dạng AxBy AyBx; AxBy yBxA; AxAy AyAx tồn tại khá phổ biến vì do tiếng Việt có thể hiện tính vần điệu, có cấu tạo đối xứng nên hình thức thay đổi đảo trật tự thường xuất hiện trong sử dụng, mặc dù thay đổi trật tự nhưng đa số ý nghĩa không đổi. Trái lại, trong tiếng Anh, hình thức thay đổi trật tự phổ biến lại là thay đổi dạng vị trí giới từ và tân ngữ và không có yếu tố vần điệu nên không có hình thức biến đổi đối xứng như tiếng Việt.
8. Điểm chung các tác giả Việt Nam và Anh-Mỹ đều xem văn hóa do con người tạo ra, được chi phối bởi môi trường xung quanh, họ xem ngôn ngữ và văn hóa luôn gắn kết và không tách rời nhau và vận dụng nguyên lý “dĩ nhân vi trung” (anthropocentric) làm cở sở phương pháp luận chủ đạo của ngôn ngữ, lấy con người làm trung tâm và nghiên cứu ngôn ngữ trong mối quan hệ của con người và con người.
Khả năng ứng dụng trong thực tiễn và những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
Với một số lượng và tư liệu tham khảo thành ngữ tiếng Việt và tiếng Anh trong hành chức cả hai ngôn ngữ khá lớn đã được tổng hợp và kết quả nghiên cứu có thể làm tiền đề biên soạn trong tương lai từ điển so sánh thành ngữ tiếng Việt và tiếng Anh trong hành chức và cung cấp ngữ liệu để phục phục cho việc học tập, giảng dạy và sử dụng thành ngữ. Cung cấp ngữ liệu và các kết luận làm tiền đề cho nghiên cứu sâu hơn về thành ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.
Tuy nhiên, luận án do khuôn khổ và hướng tiếp cận chưa giải quyết được những vấn đề sau, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới: (1) Tuy là số lượng thành ngữ khảo sát lớn, nhưng các kết luận chưa đủ mức độ bao quát; (2) Nghiên cứu này là nghiên cứu đồng đại (synchronic) nên chưa phản ánh được sự biến đổi của thành ngữ; (3) Do tính chất phức tạp trong ranh giới thành ngữ - quán ngữ (idioms – expressions), thành ngữ - tục ngữ trong tiếng Việt và tiếng Anh, do tính chất phức tạp trong việc phân biệt đó, cho nên, luận án chưa giải quyết triệt để trong phân loại; (4) Luận án này là sự khởi đầu việc nghiên cứu và tác giả sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về thành ngữ trong thời gian tiếp theo.
Hãy là người bình luận đầu tiên