Tin tức KH&CN

Thế giới nỗ lực điều chế vắcxin chống COVID-19

  • 12/08/2020
  • Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành khắp thế giới, khiến hàng trăm ngàn người tử vong thì việc điều chế vắcxin để đáp ứng kịp thời công cuộc phòng chống dịch trở nên cấp thiết. Đây được xem là một bước chủ động trước khi đại dịch thoái lui hoặc tái phát với chủng mới. Dù việc nghiên cứu sản xuất vắcxin mất nhiều thời gian, song các quốc gia có dịch ảnh hưởng vẫn đang ráo riết tìm ra giải pháp tốt nhất.

    Hoạt động nghiên cứu vắc xin chống COVID-19 tại công ty CureVac Đức. Nguồn: Reuters

    Đức khai thác công nghệ vắcxin liều thấp

    CureVac, một doanh nghiệp tư nhân của Đức được cấp vốn 8,3 triệu USD để nghiên cứu vắcxin chống dịch COVID-19 hồi đầu năm nay, đang nỗ lực khai thác công nghệ vắcxin liều thấp.

    Công nghệ này hứa hẹn cho kết quả khả quan trong các cuộc thử nghiệm giai đoạn đầu vào tháng 6, tháng 7. Tổng giám đốc phụ trách sản xuất kiêm sáng lập viên CureVac cho biết cơ chế hoạt động của một loại vắcxin liều thấp chống bệnh dại có thể được áp dụng trong việc chế vắcxin chống virus corona chủng mới.

    CureVac chuyên nghiên cứu các phương thức tác động vào phân tử RNA (mRNA), vốn chịu trách nhiệm ra lệnh cho tế bào trong cơ thể chúng ta sản xuất kháng thể chống bệnh dịch lây nhiễm. Ông Florian von der Muelbe - Giám đốc sản xuất kiêm đồng sáng lập Công ty CureVac, cho biết công nghệ sử dụng văcxin liều thấp để kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại virus dại sẽ được áp dụng phòng chống virus SARS-CoV-2.

    Cũng theo ông Florian von der Muelbe, với năng lực công nghệ hiện có, hãng CureVac có thể sản xuất tới 10 triệu liều văcxin trong một chu kỳ sản xuất thường mất vài tuần.

     Mỹ đẩy mạnh nghiên cứu vắcxin INO-4800

    Tại phòng nghiên cứu của Công ty công nghệ sinh học Inovio ở San Diego (Mỹ), các nhà nghiên cứu đã phát triển loại vắcxin có tên INO-4800, dự kiến bắt đầu thử nghiệm trên người vào mùa hè năm nay. Kate Broderick - lãnh đạo cấp cao phụ trách nghiên cứu và phát triển tại Inovio, cho biết: “Vắcxin ADN của chúng tôi rất mới ở việc chúng sử dụng chuỗi ADN từ virus để nhắm vào các phần cụ thể của mầm bệnh mà chúng tôi cho rằng cơ thể sẽ có phản ứng mạnh mẽ nhất. Sau đó, chúng tôi dùng các tế bào của chính bệnh nhân làm nhà máy sản xuất vắcxin củng cố cơ chế phòng vệ tự nhiên của cơ thể”.

    Inovio cho biết nếu thử nghiệm ban đầu thành công, họ sẽ tiến hành thử nghiệm lớn hơn vào cuối năm nay và vắcxin của họ sẽ là loại được phát triển và thử nghiệm nhanh nhất kể từ khi bùng phát dịch.

    Tập trung vào các hoạt động từ thiện để chống dịch trong tình hình nước Mỹ đang dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm, tỷ phú Bill Gates cho biết quỹ Bill & Melinda Gates của vợ chồng ông dành 250 triệu USD đóng góp vào nỗ lực chống dịch COVID-19 toàn cầu.

    Viện các bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ cho biết họ có thể rút ngắn thời gian đưa vắcxin ngừa virus nCoV-19 vào thử nghiệm lâm sàng ở người xuống còn 3 tháng nhờ tiến bộ công nghệ phát triển từ dịch SARS trước đây.

    Mỹ đẩy mạnh nỗ lực phát triển vắcxin chống dịch bệnh COVID-19. Nguồn: Getty Images

    Trung Quốc “chạy đua” sản xuất vắcxin

    Giáo sư Yuen Kwok-yung tại ĐH Hong Kong cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã chế tạo thành công vắcxin kháng virus Corona. Loại vắcxin này được tách ra từ virus trong ca nhiễm đầu tiên tại Hong Kong. Tuy nhiên, ông Yuen chia sẻ phải mất vài tháng để thử nghiệm vắcxin trên động vật và mất ít nhất một năm để thử nghiệm lâm sàng trên người.

    Bệnh viện Đông Thượng Hải (thuộc ĐH Đồng Tế, Thượng Hải) đã phê chuẩn dự án phát triển vắcxin mới chống virus Corona do trường phối hợp với Công ty công nghệ sinh học Stemirna Therapeutics (Thượng Hải). Đại diện công ty này cho biết vắcxin sẽ được sản xuất trong không quá 40 ngày, sau đó trải qua quá trình thử nghiệm trước khi đưa vào sử dụng.

    Trung tâm Y tế lâm sàng công cộng thành phố Thượng Hải đang sử dụng thuốc xịt chống virus Corona trước khi vào khu vực cách ly do Bệnh viện Thượng Hải sáng chế. Được biết nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Thượng Hải đã dành hơn 6 năm để phát triển các loại thuốc điều trị bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp. Tuy nhiên, loại thuốc này vẫn chưa được phê duyệt lưu hành và sản xuất trên thị trường nên mới chỉ sử dụng tại Trung tâm Y tế lâm sàng công cộng thành phố Thượng Hải.

    Bên cạnh nỗ lực tự thân, Trung Quốc cũng bắt đầu hợp tác phát triển vắcxin ngừa virus nCoV-19 với một số quốc gia khác. Cuối tháng 1/2020, Lãnh sự quán Nga tại Quảng Đông (Trung Quốc) thông báo Nga và Trung Quốc đã bắt đầu hợp tác phát triển vắc xin ngừa virus nCoV-19.

    Nga công bố 3 loại thuốc chống virus Corona

    Trong khi các chuyên gia trên toàn thế giới đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm một loại vắcxin chống lại virus Corona mới nCoV-19, các cơ quan y tế Nga đã xác định được bộ ba loại thuốc hiện có thể chống lại nCoV-19 ở người lớn là ribavirin, lopinavir/ritonavir và interferon beta-1b.

    Những loại thuốc này thường được sử dụng để điều trị viêm gan C, HIV và bệnh đa xơ cứng tương tự.

    Hiện các nguyên mẫu vắcxin, bao gồm vắcxin tổng hợp, đã được tạo ra trên cơ sở 6 nền tảng công nghệ khác nhau và các nhà khoa học Nga sẽ dựa vào đó để xác định những dạng thuốc được bào chế để đưa vào sản xuất trước ngày 10/5.

    Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova cho biết, các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu dự kiến sẽ được tiến hành trên 60 tình nguyện viên vào ngày 29/6.

    Cũng theo bà Golikova, các nghiên cứu tiền lâm sàng về cơ chế hoạt động cụ thể của vắcxin được tiến hành đến ngày 22/6, trước khi thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu để đánh giá tính an toàn cũng như khả năng miễn dịch của vắcxin.

    Đặc phái viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phụ trách EU và Liên Xô cũ Vityanis Andriukaitis cảnh báo “cần hiểu rằng chúng chỉ hỗ trợ một cách gián tiếp, có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng nếu tự điều trị sẽ rất nguy hiểm. Phải hết sức cẩn thận khi dùng thuốc”.

    Từ đánh giá của ông Vityanis Andriukaitis, có vẻ Nga là quốc gia đi chậm hơn trong việc sản xuất vắcxin chống COVID-19 nhưng lại tỏ ra thận trọng, chắc chắn hơn.

    Bên cạnh nỗ lực rất lớn của các nhà khoa học thế giới, vẫn còn những thông tin khiến người ta đặt câu hỏi như thời gian thử nghiệm thành công trên người, độ miễn dịch của vắcxin… trong bối cảnh số lượng người nhiễm COVID-19 vẫn còn tăng đều và có khả năng virus phát triển chủng mới. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để thế giới quan tâm hơn về bản chất dịch tễ học, đào tạo thêm nhiều chuyên gia lâm sàng, đội ngũ y bác sĩ… nhằm ứng phó kịp thời, hiệu quả với dịch bệnh.

    Việt Nam nhập cuộc sản xuất vắcxin phòng COVID-19. Nguồn: TTXVN

     

    Việt Nam nhập cuộc nhanh trong việc nghiên cứu virus SARS-CoV-2

    Việt Nam là nước thứ 4 trên thế giới nuôi cấy, phân lập thành công virus SARS-CoV-2 từ các mẫu bệnh phẩm của người bệnh sau 72 giờ (cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Australia).

    PGS.TS Lê Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết việc nuôi cấy một virus có độ ổn định chưa rõ như SARS-CoV-2 là rất khó. Việt Nam rất may mắn có được kinh nghiệm cũng như được chia sẻ kinh nghiệm từ các nước nên đã thành công trong việc phân lập được chủng virus này.

    Giữa tháng 2, nhóm nghiên cứu độc lập của TS Lê Quang Hòa, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội), cũng thông báo kết quả nghiên cứu chế tạo thành công bộ kit thử nhanh chủng SARS-CoV-2 dựa trên kỹ thuật RT-LAMP.

    Công nghệ sản xuất vắcxin của Việt Nam khác biệt so với công nghệ được áp dụng ở các dự án do Liên minh sáng kiến đối phó với dịch bệnh (CEPI) tài trợ. Tuy thử nghiệm trên động vật khá nhanh nhưng các nhà khoa học cảnh báo về nhược điểm của công nghệ này là không tạo được đáp ứng miễn dịch cao.

    KIM NGÂN (Bản tin ĐHQG-HCM số 200)

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên