Là người đặt nền móng cho ngành kỹ thuật y sinh tại Việt Nam, GS Võ Văn Tới, nguyên Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Y Sinh - Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM, đã có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học.
Chính nhờ những cống hiến không ngừng nghỉ ấy, GS Võ Văn Tới được Hiệp hội Y khoa và Kỹ thuật Y Sinh Quốc tế (IFMBE) trao tặng giải thưởng Thành tựu trọn đời vào tháng 6 vừa qua tại Singapore.
Ba công trình tâm đắc
* Nhìn lại chặng đường nghiên cứu khoa học mình, những công trình nào khiến ông tâm đắc nhất?
- Có 3 công trình nghiên cứu mà tôi tâm đắc nhất cho tới nay, theo thứ tự thời gian lần lượt là nghiên cứu về cơ chế mắt con người, nghiên cứu chế tạo dây thần kinh nhân tạo và y tế viễn thông.
Công trình thứ nhất được tôi thực hiện trong khoảng thời gian học tiến sĩ ngành vi kỹ thuật tại Thụy Sĩ. Bằng cách sáng chế những thiết bị đo đạc các chỉ số của mắt và tiến hành đo đạc, nghiên cứu trên mắt, tôi có thể hiểu được cơ chế mắt của người bình thường và người mù màu. Từ đó, góp phần vào việc trả lời các câu hỏi tại sao con người nhìn thấy màu, tại sao có người lại mù màu. Công trình này đem về cho tôi tấm bằng sáng chế đầu tiên.
Nghiên cứu chế tạo dây thần kinh nhân tạo là công trình mà tôi thực hiện sau khi đạt học vị tiến sĩ và tham gia chương trình liên kết do Trường Y của ĐH Harvard và Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) hợp tác. Mục tiêu của nghiên cứu này là tạo ra các loại dây thần kinh nhân tạo nhằm thay thế, kết nối những dây thần kinh bị hư hỏng của con người. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ dừng lại ở việc mở ra một góc nhìn mới, cung cấp thêm số liệu nhằm hỗ trợ cho việc nghiên cứu sau này. Dù vậy, đây vẫn là một công trình mà tôi tâm đắc vì bản thân đã học được nhiều kiến thức mới trong quá trình nghiên cứu.
Trở về Việt Nam, tôi nghiên cứu về y tế viễn thông (telemedicine) khi nhận thấy sự quá tải tại các bệnh viện trung tâm cũng như nhiều người ở vùng sâu, vùng xa thiếu sự chăm sóc sức khỏe cần thiết. Công trình này được thực hiện với mục đích chế tạo những thiết bị y tế mà bệnh nhân có thể mang theo người để đo đạc bất cứ lúc nào và một hệ thống mạng kết nối vạn vật (internet of things) y tế viễn thông để gửi tức khắc dữ liệu đo được cho bác sĩ hay người thân. Hệ sinh thái này giúp bác sĩ thăm khám bệnh nhân, theo dõi diễn tiến của bệnh và điều trị tức thời từ xa. Chúng cũng giúp chúng ta chăm sóc người thân nhanh chóng dù không ở bên cạnh họ. Các thiết bị gồm các máy đo chỉ số sinh tồn như huyết áp, điện tim, đường huyết,... Hiện tại, máy đo huyết áp và nhịp tim đang trong quá trình thương mại hóa để đưa ra thị trường trong thời gian sớm nhất.
* Ngay từ những ngày đầu thành lập, Khoa Kỹ thuật Y Sinh được định hướng phát triển theo 4 hướng: Thiết bị y tế (Medical Instrumentation), Tín hiệu và hình ảnh y sinh (Biomedical Signal and Image Processing), Kỹ thuật dược (Pharmaceutical Engineering) và Y học tái tạo (Regenerative Medicine). Đến nay, dường như ông đang mở rộng định hướng thứ 5 cho Khoa là Kinh thầu y sinh (Entrepreneurship in BME). Ông có thể chia sẻ về định hướng mới này?
- Nhờ việc kết hợp các hướng này với nhau, chúng tôi có thể chế tạo thiết bị được sử dụng trong nghiên cứu khoa học và lâm sàng. Với tiềm lực của một trường đại học, chúng tôi đã nghiên cứu một số thiết bị hữu ích trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, chúng chỉ là những sản phẩm mẫu sử dụng trong phòng thí nghiệm. Trong khi đó, mảng công kỹ nghệ ở Việt Nam mình còn kém, đa số thiết bị dù là đơn giản nhất cũng phải nhập khẩu từ nước ngoài. Từ đó, chúng tôi đặt mục tiêu là phải đưa sản phẩm hàn lâm ra thị trường. Đối với thiết bị y tế thì phải thiết kế hoàn hảo, đáp ứng luật lệ y tế khắt khe và cạnh tranh hiệu quả trên thương trường.
Đó là lý do chúng tôi chú tâm phát triển định hướng thứ 5 là kinh thầu y sinh. Kinh thầu y sinh đóng vai trò như người thầu khoán xây dựng ngôi nhà, vừa hiện thực hóa những “bản vẽ” của nhà nghiên cứu thành sản phẩm đến tay người tiêu thụ, vừa tìm kiếm và đáp ứng những nhu cầu của con người.
Người có kiến thức về kinh thầu y sinh biết tái thiết kế sản phẩm đúng theo nhu cầu thị trường, tìm kiếm nguồn tiền từ nhà đầu tư, chuyển giao công nghệ hay thành lập công ty khởi nghiệp, làm hợp đồng tối ưu, xin giấy phép lưu hành và sản xuất theo dây chuyền để đưa sản phẩm ra thị trường. Dự án “Y tế viễn thông” cũng đang được hiện thực hóa nhờ vào định hướng phát triển mới này.
Nghiên cứu là cuộc chơi đầy thu hút
* Giải thưởng Thành tựu trọn đời của Hiệp hội Y khoa và Kỹ thuật Y Sinh Quốc tế có ý nghĩa như thế nào với ông?
- Thành thật, khi nhận giải thưởng này, cảm xúc cá nhân thì khá ít. Tuy nhiên, đối với sự phát triển của ngành thì đây lại là một sự hãnh diện to lớn. Bởi lẽ giải thưởng này cho thấy ngành kỹ thuật y sinh tại Việt Nam được thế giới công nhận. Đây là kết quả của sự cố gắng, thúc đẩy bản thân tôi và những người đang theo đuổi ngành kỹ thuật y sinh ngày càng phát triển.
Bên cạnh đó, giải thưởng này còn đem lại nhiều giá trị cho sinh viên, giúp họ tin tưởng vào tiềm năng phát triển của ngành, tự tin vào lựa chọn học tập kỹ thuật y sinh tại Việt Nam. Đây có lẽ là điều làm tôi thấy tự hào nhất. Cuối cùng, giải thưởng còn mở rộng cơ hội hợp tác với những đất nước có ngành kỹ thuật y sinh phát triển trên thế giới.
* Gần một đời gắn bó với hoạt động nghiên cứu khoa học, ông tâm niệm như thế nào về công việc này?
- Nghiên cứu khoa học với tôi là một cuộc chơi đầy thú vị. Tôi bị “cuốn hút” trong vòng lặp của sự khám phá, nghiên cứu, đạt thành quả rồi lại tiếp tục nghiên cứu để có những phát hiện mới. Tôi tin rằng khi mình tìm được niềm hứng thú với những điều mới mẻ trong “cuộc chơi” ấy, không ai muốn và cũng không ai có thể từ chối tham gia.
Có thể nói nghiên cứu khoa học và đào tạo là sự sống và là mục đích sống của tôi. Nếu không làm nghiên cứu thì tôi không biết phải làm gì, thậm chí có thể bị mất phương hướng trong cuộc sống.
Hơn hết, tôi trân trọng giá trị mà bản thân mình đem lại thông qua việc nghiên cứu khoa học, đó là truyền bá kiến thức của mình cho thế hệ sau và góp phần cống hiến cho xã hội thông qua các sản phẩm nghiên cứu.
* Ông có nhắn gửi điều gì với các bạn sinh viên khi họ ấp ủ ước mơ theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học?
- Trước tiên là chúc mừng các bạn vì các bạn có những giấc mơ chính đáng và đúng đắn. Tuy nhiên, để ước mơ ấy hoàn hảo, bạn cần hình thành cho bản thân một tầm nhìn. Cũng giống khi lái tàu, tầm nhìn là “ngọn hải đăng” giúp ta biết đâu là đích đến, dù bị gió bão cản trở cũng không sợ mất phương hướng.
Hơn thế, người có ước mơ làm nghiên cứu khoa học phải biết biến tầm nhìn thành hiện thực thông qua quá trình đào tạo và học hỏi từ thất bại. Tôi đặt niềm tin nhiều ở thế hệ tương lai.
Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Thành tựu trọn đời của GS Võ Văn Tới Năm 2003, đề nghị thành lập Bộ môn Kỹ thuật Y Sinh tại Trường ĐH Tufts (Mỹ) của GS Võ Văn Tới được thông qua và ông được trao giải “Giáo sư giỏi nhất”. Một năm sau, GS Tới được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng Quản trị của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) và trở thành Giám đốc điều hành VEF vào năm 2007. VEF là một cơ quan của chính phủ Mỹ được Quốc hội Mỹ thành lập năm 2003 nhằm mục đích tạo cơ hội hợp tác chặt chẽ với Việt Nam qua hoạt động trao đổi về giáo dục khoa học, kỹ thuật, toán học, y học và công nghệ. Đến tháng 3/2009, GS Tới trở về Việt Nam và sáng lập Bộ môn Kỹ thuật Y Sinh tại Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM. Dưới sự dìu dắt của GS Tới, ngành kỹ thuật y sinh ở Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc. Tháng 8/2019, chương trình đào tạo kỹ thuật y sinh của Trường ĐH Quốc Tế được công nhận đạt chuẩn kiểm định ABET. GS Tới còn có công đưa Hiệp hội Kỹ thuật Y Sinh Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội Y khoa và Kỹ thuật Y Sinh Quốc tế (IFMBE) vào năm 2017. Nhờ những đóng góp không ngừng nghỉ trong sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học, tháng 6 vừa qua, GS Võ Văn Tới đã được IFMBE trao tặng Giải thưởng Thành tựu trọn đời năm 2022. Đây là giải thưởng ghi nhận những cá nhân có cống hiến đặc biệt xuất sắc cho Hiệp hội Y Khoa và Kỹ thuật Y Sinh Quốc tế. |
PHƯƠNG ANH - THU TRANG
Hãy là người bình luận đầu tiên