Tên luận án: Thi pháp học của M.M. Bakhtin và sự phát triển thi pháp học ở Việt Nam
Chuyên ngành: Lý luận văn học
Mã số: 9220120
Họ và tên nghiên cứu sinh: Phan Trọng Hoàng Linh
Người hướng dẫn khoa học: GS.TS Huỳnh Như Phương & PGS.TS Hồ Thế Hà
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
+ Tóm tắt nội dung luận án
M.M. Bakhtin là tên tuổi quan trọng bậc nhất của ngành nghiên cứu văn học thế giới thế kỷ XX. Từ thập niên 1980, lý thuyết của ông bắt đầu được du nhập vào Việt Nam và tạo ra ảnh hưởng lớn. Đến nay, ảnh hưởng đó chưa hẳn dừng lại, nhưng đã tích lũy đủ giá trị định lượng để cần đến những công trình quy mô, trên cơ sở tư duy hệ thống, tiến hành tổng thuật và đánh giá tình hình tiếp nhận Bakhtin ở nước ta trên nhiều lĩnh vực và phương diện. Trên cơ sở khái lược hệ thống thi pháp học của Bakhtin với những khái niệm nền tảng như carnaval, nghịch dị, đối thoại, đa thanh, diễn ngôn, thể loại lời nói, thời - không gian,… cũng như chỉ ra cơ sở triết học và mỹ học của hệ thống lý thuyết ấy, luận án tiến hành tổng thuật tình hình dịch thuật, nghiên cứu, tiếp thu và phát triển thi pháp học của Bakhtin trên cả phương diện lý thuyết lẫn phương diện ứng dụng thực hành; phân tích, đánh giá vai trò của những hoạt động ấy đối với sự phát triển thi pháp học ở Việt Nam trong bốn thập niên vừa qua.
+ Những kết quả của luận án
1. Lý thuyết thi pháp học của Bakhtin thường được giới nghiên cứu nhìn nhận trong sự song hành của nguyên lý carnaval với nguyên lý đối thoại, giữa hai trục chính ấy là quan niệm của ông về thi pháp thể loại. Carnaval là nguồn gốc và cơ sở văn hóa cho tư duy đối thoại được thể hiện trong các thể loại lời nói, và tiểu thuyết là thể loại được Bakhtin chuyên chú nhất. Ông vận dụng hai nguyên lý ấy trong việc triển khai quan niệm của mình về văn học như một bộ phận cấu thành chỉnh thể văn hóa của thời đại, có mối liên hệ gắn bó với các truyền thống văn hóa và văn học trong lịch sử. Từ đó, ông đề xuất một phương pháp luận cho hướng tiếp cận thi pháp học văn hóa.
2. Từ một cái nhìn mang tính hệ thống như trên về lý thuyết, chúng tôi đã soi chiếu vào thực tế tiếp nhận Bakhtin ở Việt Nam. Có thể nhận thấy, việc tiếp thu tư tưởng của Bakhtin là quá trình từ manh nha, dè dặt đến mạnh mẽ, công khai. Các phương diện của hoạt động tiếp nhận là rất phong phú, bao gồm đầy đủ từ giới thiệu, dịch thuật đến vận dụng trong nghiên cứu, đổi mới lý thuyết và phê bình. Công việc giới thiệu và dịch thuật được tiến hành khá tốt, phần lớn các công trình quan trọng nhất của Bakhtin đã được chuyển ngữ. Nhờ đó, thi pháp học của Bakhtin có tác động rất lớn đến sự chuyển đổi tư duy lý thuyết ở nước ta trên bốn phương diện: quan niệm về hình thức nghệ thuật, quan niệm về phản ánh nghệ thuật, quan niệm về thể loại văn học và hướng tiếp cận văn học từ góc độ văn hóa. Việc ứng dụng trong thực tiễn nghiên cứu - phê bình văn học được chúng tôi chia thành hai cấp độ: cấp độ khái niệm và cấp độ phương pháp luận. Ở cấp độ thứ nhất, người nghiên cứu giải mã đối tượng thông qua các khái niệm từng được Bakhtin sử dụng, thuộc một trong ba nhóm: các khái niệm liên quan đến carnaval, các khái niệm liên quan đến đối thoại và các khái niệm liên quan đến thể loại văn học. Ở cấp độ thứ hai, người nghiên cứu tiếp cận văn bản văn học như một hiện tượng diễn ngôn, ứng với những mối quan tâm lý thuyết thời đầu của Bakhtin, và tiếp cận văn bản văn học như một hiện tượng văn hóa, ứng với những quan tâm lý thuyết thời kỳ sau.
3. Đã bốn thập niên trôi qua từ thời điểm thi pháp học của Bakhtin bắt đầu được chú ý ở Việt Nam. Có lúc, người ta đã hoài nghi về tính năng sản của hệ thống lý thuyết ấy khi mà tên tuổi ông trở nên quá quen thuộc, đến mức tưởng như nhàm chán. Nhưng rồi, những năm gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng thành công lý thuyết của Bakhtin để công bố những kết quả khoa học có giá trị. Với thực tế đó, đề tài nghiên cứu của chúng tôi không phải là sự chốt hạ cho sức ảnh hưởng của Bakhtin ở Việt Nam. Sức sống của một lý thuyết không chỉ phụ thuộc tầm vóc của người đã khai sinh ra nó, mà còn tùy thuộc vào năng lực của các thế hệ kế thừa và phát triển. Các thế hệ ấy vẫn tiếp tục hiện diện ở tương lai.
+ Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
Với những kết quả trên, khả năng ứng dụng trong thực tiễn của luận án “Thi pháp học của M.M. Bakhtin và sự phát triển thi pháp học ở Việt Nam” được thể hiện trên các phương diện sau: Thứ nhất, kết quả nghiên cứu của luận án có thể trở thành kinh nghiệm tham khảo cho thực tiễn tiếp nhận lý thuyết văn học nước ngoài ở Việt Nam. Thứ hai, luận án cũng đề xuất một số kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả ứng dụng thi pháp học của Bakhtin nói riêng và lý thuyết văn học nói chung vào nghiên cứu các hiện tượng văn học cụ thể. Thứ ba, luận án là tài liệu không thể thiếu cho người thực hiện trong quá trình giảng dạy các học phần như Mỹ học đại cương, Thi pháp học, Tác phẩm và thể loại văn học, Xã hội học văn học,…
Hãy là người bình luận đầu tiên