Đề tài nghiên cứu việc sử dụng ngôn ngữ Khmer và ngôn ngữ Việt của người Khmer trong thời đại công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là nghiên cứu ngôn ngữ mẹ đẻ của người Khmer.
Tên luận án: Thực trạng việc sử dụng tiếng mẹ đẻ của người KHMER ở tỉnh Sóc TrăngChuyên ngành: Ngôn ngữ học
Mã số: 9229020
Họ và tên nghiên cứu sinh: Thạch Văn Việt
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. LÊ KHẮC CƯỜNG (Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng)
Cơ sở đào tạo: Trường ĐH KHXH&NV- Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh
1. Tóm tắt luận án
Thực trạng việc sử dụng tiếng mẹ đẻ của người Khmer ở tỉnh Sóc Trăng là một đề tài thuộc lĩnh vực Ngôn ngữ học xã hội. Đề tài nghiên cứu việc sử dụng ngôn ngữ Khmer và ngôn ngữ Việt của người Khmer trong thời đại công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là nghiên cứu ngôn ngữ mẹ đẻ của người Khmer. Tất cả đồng bào Khmer đều sử dụng tiếng Khmer và tiếng Việt trong giao tiếp gia đình và giao tiếp xã hội, phụ thuộc vào hoàn cảnh, tình huống mà đồng bào Khmer lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp thích hợp. Trong các hoàn cảnh, tình huống giao tiếp chính thức, đồng bào Khmer sử dụng tiếng Việt nhiều hơn tiếng Khmer như các lĩnh vực giáo dục, hành chính – công vụ, truyền thông, văn hóa – nghệ thuật. Trong các hoàn cảnh, tình huống giao tiếp phi chính thức, đồng bào Khmer sử dụng tiếng Khmer nhiều hơn tiếng Việt như các tình huống giao tiếp gia đình, giao tiếp với sư sãi, giao tiếp ở các địa điểm như: chợ, siêu thị, các cửa hàng, tạp hóa, các địa điểm văn hóa và lễ hội, các trường hợp cầu cúng, tế lễ, sử dụng điện thoại. Ngoài ra, khi gặp các đối tượng giao tiếp là các tộc người khác nhau thì đồng bào Khmer cũng lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp thích hợp: khi gặp người đồng tộc thì đồng bào Khmer dùng tiếng mẹ đẻ; khi gặp người khác tộc thì đồng bào Khmer dùng tiếng Việt. Tuy nhiên, những trường hợp mang đặc trưng văn hóa tộc người Khmer thì đồng bào Khmer hoàn toàn dùng tiếng mẹ đẻ để giao tiếp với nhau. Nhìn chung, đồng bào Khmer sử dụng tiếng mẹ đẻ để giao tiếp với gia đình và xã hội nhiều hơn tiếng Việt, nhưng việc sử dụng tiếng mẹ đẻ không thuần Khmer như trước đây mà có sự pha trộn ngôn ngữ, đó là các hiện tượng giao thoa thanh điệu, chuyển mã và trộn mã. Các hiện tượng này luôn luôn xuất hiện trong giao tiếp của người Khmer và cũng là một thực trạng cần báo động trong việc sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của đồng bào Khmer trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
2. Những kết quả mới của luận án
2.1. Đóng góp về mặt khoa học
Dưới góc nhìn của Ngôn ngữ học xã hội, kết quả khảo sát thực trạng việc sử dụng tiếng mẹ đẻ của người Khmer ở tỉnh Sóc Trăng góp thêm cứ liệu cho những vấn đề lý thuyết nghiên cứu khoa học liên ngành Ngôn ngữ học xã hội; kết quả nghiên cứu có thể được vận dụng vào việc học tập và nghiên cứu về thực trạng việc sử dụng tiếng mẹ đẻ của người Khmer ở ĐBSCL, của các dân tộc ít người nói chung, của người Khmer ở tỉnh Sóc Trăng nói riêng.
Khảo sát năng lực tiếng mẹ đẻ của người Khmer trong cảnh huống ngôn ngữ song ngữ/đa ngữ tại ĐBSCL nhằm góp phần vào việc nghiên cứu hiện tượng đa ngữ xã hội từ góc nhìn của ngôn ngữ học xã hội, đồng thời, góp phần giữ gìn và bảo vệ ngôn ngữ tộc người thiểu số.
2.2. Đóng góp về mặt thực tiễn
Nghiên cứu đề tài này cung cấp cách nhìn tổng quan về thực trạng sử dụng ngôn ngữ Khmer của đồng bào Khmer ở tỉnh Sóc Trăng, cung cấp những luận cứ, luận chứng khoa học làm cơ sở cho các cơ quan chức năng, trước hết là lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng nhận thức đầy đủ về tình hình ngôn ngữ Khmer.
Hãy là người bình luận đầu tiên