Công bố quốc tế là một trong những tiêu chí quan trọng được các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới quan tâm. Bên cạnh các chiến lược về hỗ trợ, tăng cường công bố bài báo khoa học quốc tế, việc tự nâng cấp tạp chí khoa học đạt chuẩn mực quốc tế, và được các cơ sở dữ liệu hàng đầu thế giới thừa nhận là một lựa chọn tối ưu của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam hiện nay.
Trên thế giới, các tiêu chí đánh giá tạp chí khoa học khá phổ biến gồm chuẩnISI (Institute for Science Information - Viện Thông tin Khoa học tại Mỹ) và Scopus (Tập đoàn xuất bản Elsevier). Đây là những kênh tham khảo uy tín để hiện thức hóa việc nâng cấp tạp chí khoa học trong nước đạt chuẩn mực quốc tế.
Scopus cung cấp một cơ sở dữ liệu đồ sộ gồm 16.500 tạp chí khoa học có phản biện độc lập, 600 ấn phẩm thương mại, 350 đầu sách và 3,6 triệu bài thuyết trình hội thảo; và hàng triệu bản ghi tài liệu khoa học, web khoa học và bản ghi về sáng chế. Trước tháng 10/2009, các tạp chí khoa học được Hội đồng cố vấn và thẩm định nội dung của Scopus (CSAB) thẩm định dựa trên 3 tiêu chí cơ bản sau:
Một, về tổng thể, chất lượng tạp chí phải cao và dựa trên: (1) Sự đánh giá về chất lượng và ảnh hưởng của tạp chí trong ngành bao gồm danh tiếng của nhà xuất bản, sự đa dạng về tác giả, thành viên hội đồng biên tập; mức độ nhận biết về tạp chí của các nhà biên tập có uy tín. (2) Phải thể hiện được các quy chuẩn kiểm soát về chất lượng (ví dụ như bình thẩm kín).
Hai, tạp chí phải có tiêu đề và các bài viết phải tóm lược tiếng Anh. Tuy nhiên, phần nội dung có thể là ngôn ngữ khác.
Ba, tạp chí phải đáp ứng thời hạn xuất bản đúng như cam kết với tần suất phát hành tối thiểu 1 năm một số.
Kể từ tháng 10/2009, Scopus sử dụng hệ thống tính điểm (scoring system) STEP (Scopus Title Evaluation Platform) nhằm thẩm định các ấn phẩm khoa học dựa trên 5 tiêu chí chính gồm: chính sách tạp chí (Tính thuyết phục của chính sách biên tập, Tính đa dạng về mặt địa lý/lĩnh vực của các nhà biên tập và tác giả, Toàn bộ trích dẫn/tham khảo được trình bày theo font chữ Roman theo thứ tự Alphabet, Tóm lược bài viết bằng tiếng Anh và Cấp độ bình thẩm kín - chiếm 35% tổng điểm), nội dung (đóng góp học thuật cho lĩnh vực nghiên cứu, sự rõ ràng trong phần tóm tắt, sự tương hợp với tôn chỉ của tạp chí và khả năng diễn đạt và đọc hiểu của bài viết - 20%), mức độ trích dẫn (của các bài báo tạp chí và các nhà biên tập trong hệ thống Scopus - 25%), tính thường kỳ (không có sự chậm trễ trong tiến độ xuất bản - 10%), sự sẵn có nội dung trực tuyến (chất lượng website và có website ngôn ngữ tiếng Anh 10%).
Tiêu chí đạt chuẩn ISI
ISI lựa chọn gần 10.000 tạp chí trong số hơn 100.000 tạp chí khoa học theo 3 danh sách: SCIE (Khoa học tự nhiên), SSCI (Khoa học xã hội) và A&HCI (Nghệ thuật và con người).
Với các tiêu chí cụ thể, ISI lựa chọn và công bố các tạp chí đạt trình độ quốc tế - những tạp chí thường được gọi với tên khác là "Những tạp chí được Viện ISI liệt kê". Các thống kê số bài báo khoa học của phần lớn các cơ quan trên thế giới là dựa theo các danh sách này.
Theo ISI, một tạp chí khoa học quốc tế tối thiểu phải thoả mãn các tiêu chí sau đây:
(1) Tôn chỉ mục đích của tạp chí phải rõ ràng, thể hiện ở chỗ bài viết được đăng trong tạp chí phải theo một hướng nhất định, nhất quán
(2) Công tác xét duyệt: Bài viết được tiếp nhận và xử lý theo đúng thông lệ khoa học quốc tế, được các bình thẩm kín xem xét và đánh giá một cách khách quan.
(3) Chất lượng bài báo: có chất lượng cao và của các tác giả đến từ nhiều nước khác nhau.
(4) Ban biên tập: phải có một Ban biên tập quốc tế, bao gồm các nhà khoa học tiêu biểu, đại diện cho các hướng chính của tạp chí.
(5) Hình thức: Được trình bày một cách khoa học, theo chuẩn quốc tế nhất định, có chất lượng in ấn cao.
(6) Phát hành: được phát hành đều đặn theo đúng kế hoạch; được phát hành ở nhiều nơi trên thế giới và được thống kê, nhận xét trong các tạp chí tra cứu hàng đầu.
PHAN YÊN
Hãy là người bình luận đầu tiên