Nhiều lần thót tim khi chứng kiến máy bay đang thử nghiệm trị giá hơn trăm triệu gặp trục trặc, có thể rớt xuống bất cứ lúc nào, nhưng PGS.TS Vũ Ngọc Ánh vẫn chấp nhận cuộc chơi khoa học rủi ro này.
Sinh năm 1983, PGS.TS Vũ Ngọc Ánh là một trong những gương mặt khoa học trẻ của ĐHQG-HCM được công nhận chức danh phó giáo sư năm 2019.
Chế tạo máy bay từ thời sinh viên
PGS.TS Vũ Ngọc Ánh chia sẻ, từ lúc nhỏ, anh đã có niềm yêu thích đặc biệt đối với khoa học vũ trụ. Chàng thiếu niên Vũ Ngọc Ánh đã ghi danh vào Khoa Kỹ thuật Giao thông của Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG HCM. Những năm tháng trên giảng đường tiếp xúc chuyên ngành Kỹ thuật Hàng không phần nào nuôi dưỡng ước mơ thuở bé của anh. Vào năm 2006, khi là sinh viên năm IV, anh cùng một người bạn đã thiết kế thành công chiếc máy bay điều khiển từ xa không người lái có trọng tải 10kg, sải cánh dài 4m, bay ở độ cao 100 - 150m với vận tốc 70-140km/giờ. Máy bay mang được camera phục vụ tuần tra, kiểm soát giao thông, chuyên chở thuốc men để cứu trợ trong trường hợp khẩn cấp…
Để hoàn thành được máy bay, chàng sinh viên năm IV khi ấy đã phải xắn tay làm mọi thứ từ phụ tùng, lắp ráp… “Tôi vô cùng vui sướng khi nhìn thấy máy bay của mình cất cánh. Đó cũng là bước ngoặt khiến tôi quyết định chọn đi vào con đường nghiên cứu, chế tạo máy bay” - PGS Ánh hồi tưởng. Sản phẩm của anh được PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật Hàng không đánh giá cao bởi máy bay được thiết kế toàn bộ ngay từ đầu, không dựa trên mô hình có sẵn.
Khi các em dành thời gian, công sức và tâm huyết cho khoa học, nó sẽ không bao giờ bạc đãi các em. Các em cứ cố gắng, khoa học sẽ mang lại trái ngọt cho các em.
PGS.TS Vũ Ngọc Ánh
Sau khi tốt nghiệp, anh nhận được học bổng và theo học tiến sĩ tại ĐH Konkuk, Hàn Quốc. Vào thời điểm đó, Chính phủ Hàn Quốc đưa ra nhiều dự án phát triển máy bay trực thăng như Super Puma. Trong thời gian du học, PGS Ánh là thành viên nhóm Athena đạt giải Nhì cuộc thi thiết kế máy bay trực thăng dành cho nhóm sau đại học do AHS (Hiệp hội máy bay trực thăng Mỹ) tổ chức. Đồng thời, anh là tác giả của 21 bài báo khoa học, trong đó có 10 bài được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Trong năm 2019, PGS.TS Ánh đã đạt Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TPHCM I-Star.
Quay về đóng góp cho quê hương
Thay vì chọn cơ hội làm việc ở ngước ngoài, PGS.TS Vũ Ngọc Ánh đã quay về phát triển sự nghiệp tại quê hương. Theo anh, nền nông nghiệp tại Việt Nam vốn có tiềm năng rất lớn nhưng vì vướng phải “vùng trũng” về công nghệ, kỹ thuật nên vẫn chưa được khai thác đúng mức. “Tôi nghĩ rằng những kiến thức của mình có thể giúp ích một phần nào đó cho bà con nơi đây. Được đóng góp công sức cho chính mảnh đất quê hương của mình là điều hạnh phúc với tôi” - PGS Ánh bày tỏ.
Hiện tại, hai hướng nghiên cứu chính của anh gồm tập trung nghiên cứu, chế tạo, phát triển dòng máy bay multi-rotor ứng dụng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và dòng máy bay cá nhân chuyên dụng. Trong hướng nghiên cứu thứ nhất, PGS Ánh đã đạt những thành công bước đầu với việc chế tạo thành công máy bay phun thuốc trừ sâu không người lái. Ý tưởng tạo ra máy bay này xuất phát từ mong muốn của anh trong việc khắc phục tình trạng nông dân phải thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại. Sản phẩm được công bố vào năm 2018 và nhận được sự chú ý trong giới khoa học.
Bên cạnh công việc nghiên cứu, PGS.TS Vũ Ngọc Ánh còn đồng hành sinh viên trong các nhóm nghiên cứu. Trần Xuân Tú (1995, sinh viên Trường ĐH Bách Khoa) cho biết PGS Ánh là một giảng viên rất nhiệt tình và luôn hướng đến tư duy sáng tạo cho sinh viên.
“Tôi đã học được rất nhiều điều từ thầy. Đó là sự tận tâm trong công việc, là tác phong chuyên nghiệp, tư duy đổi mới, thái độ sống tích cực, sự kiên định và lòng quyết tâm vượt qua khó khăn. Thầy luôn nói với tôi và các bạn rằng: ‘Khi các em dành thời gian, công sức và tâm huyết cho khoa học, nó sẽ không bao giờ bạc đãi các em. Các em cứ cố gắng, khoa học sẽ mang lại trái ngọt cho các em’. Tôi luôn ghi nhớ câu nói của thầy và theo đuổi đam mê cùng thầy tới hôm nay” - Trần Xuân Tú bộc bạch.
Đam mê là mấu chốt của thành công
Trong hướng nghiên cứu về dòng máy bay multi-rotor, PGS.TS Vũ Ngọc Ánh hiện đang tập trung phát triển một thiết bị bay giúp kéo dây điện từ trên cao. Thiết bị này hỗ trợ con người khắc phục những khó khăn về địa hình trong quá trình mắc dây điện. PGS Ánh cho biết, nhóm nghiên cứu của anh đã trải qua không ít phen “thót tim”. Trong một lần thử nghiệm, do những sai sót không dự đoán được, chiếc máy bay đã gặp trục trặc và thình lình rơi xuống. “Lương chỉ 5-6 triệu/tháng nhưng chiếc máy bay trị giá hơn 100 triệu đồng rớt xuống trước mặt, tôi gần như mất ăn mất ngủ” - PGS Ánh nhớ lại. Lần khác, trong lúc thử nghiệm, khi máy bay cất cánh được khoảng 1km và chỉ có thể quan sát qua camera, bất nhờ một cơn gió lớn ập đến khiến máy bay chao đảo, rung lắc không ngừng, tưởng chừng có thể rớt xuống bất kỳ lúc nào. Khi ấy các sinh viên trong nhóm nghiên cứu vì lo sợ mà đã quấn rối cả dây kéo, bản thân anh là người điều khiển cũng hồi hộp không kém. Nhưng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, anh từ từ điều khiển, máy bay cuối cùng trở về trong an toàn, cả nhóm ngồi thở phào nhẹ nhõm. “Sau sự cố ấy, vì căng thẳng cực độ nên tôi bị đau dạ dày luôn, nhưng đồng thời cũng rất vui mừng cho thành công bước đầu này”. Anh cho biết sản phẩm hiện trong quá trình hoàn thiện và sẽ công bố trong thời gian sắp tới.
Hơn 10 năm gắn bó với khoa học, PGS.TS Vũ Ngọc Ánh khẳng định hai chữ “đam mê” chính là mấu chốt đưa mình đến những thành công hiện tại. Dù vấp phải không ít khó khăn trên con đường nghiên cứu, đặc biệt là vấn đề tài chính, nhưng với châm ngôn sống “Never give up - Không bao giờ từ bỏ”, PGS Ánh đã vượt qua tất cả. “Có nhiều lúc tôi muốn bỏ cuộc bởi gánh nặng của cơm áo gạo tiền. Nhưng nghĩ tới nỗ lực của anh em nhà Wright ngày trước, tôi tự nhủ sẽ tiếp tục và gắn bó suốt đời với công việc này” - PGS.TS Vũ Ngọc Ánh chia sẻ.
PHƯƠNG MAI (Bản tin ĐHQG-HCM số 198-199)
Hãy là người bình luận đầu tiên