Tin tức - Sự kiện

Tiểu thuyết sử thi trong văn học Xô viết và Việt Nam hiện đại (Trường hợp Con đường đau khổ - Alexei Tolstoy và Vỡ bờ - Nguyễn Đình Thi) - NCS. Phan Thị Hà Thắm

  • 24/09/2020
  • Tên đề tài: Tiểu thuyết sử thi trong văn học Xô viết và Việt Nam hiện đại (Trường hợp Con đường đau khổ - Alexei Tolstoy và Vỡ bờ - Nguyễn Đình Thi)
    Chuyên ngành: Lý luận văn học
    Mã số: 9220120
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Phan Thị Hà Thắm
    Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Trần Thị Phương Phương    
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
    1. Tóm tắt nội dung luận án
    Luận án tập trung nghiên cứu thể loại tiểu thuyết sử thi trong văn học Xô viết và Việt Nam qua trường hợp Con đường đau khổ - Alexei Tolstoy và Vỡ bờ - Nguyễn Đình Thi. Tiểu thuyết sử thi ra đời trong một điều kiện lịch sử xã hội đặc thù, lấy nội dung lịch sử của dân tộc, đời sống của nhân dân làm đối tượng miêu tả chính. Đề tài khẳng định sự ảnh hưởng của thể loại tiểu thuyết sử thi Nga đối với việc ra đời tiểu thuyết sử thi Việt Nam giai đoạn 1945-1975 nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh tính nội lực của văn học dân tộc. Các đặc điểm nội dung và hình thức của thể loại như lịch sử tính, dân tộc tính, chất sử thi, chất tiểu thuyết, nhân vật người anh hùng, kết cấu đa tuyến,… được nghiên cứu qua trường hợp hai tác phẩm Con đường đau khổ và Vỡ bờ.
    2. Những kết quả của luận án 
    - Tiểu thuyết sử thi ra đời chính là một bước chuyển hóa của tiểu thuyết, là tiểu thuyết có tính chất sử thi. Nó được hình thành ở Nga vào thế kỷ XIX và sang thế kỷ XX thì phổ biến rộng rãi trong các nước xã hội chủ nghĩa. Ở Việt Nam, thể loại này ra đời từ thập niên 1950 – khi mà Việt Nam đã có sự giao lưu với Liên Xô, và văn học Xô viết đã được giới thiệu ngày một rộng rãi ở Việt Nam. Chính vì thế, sự ảnh hưởng của tiểu thuyết sử thi Nga Xô viết đối với văn học Việt Nam là rõ ràng nhưng tính nội lực, khả năng linh hoạt trong tiếp nhận cũng là những nhân tố quan trọng cho sự ra đời thể loại. 
    - Tiểu thuyết sử thi có quan hệ phát triển với tiểu thuyết. Điều này thể hiện ở sự thống nhất giữa chúng trong việc lưu giữ những đặc trưng thể loại cơ bản của tiểu thuyết, trong khắc họa nhân vật có tính năng động, điển hình ở tác phẩm tiểu thuyết sử thi. Với sự tổng hợp những ưu thế của cả sử thi lẫn tiểu thuyết, tiểu thuyết sử thi đã tạo ra những nét riêng cho thể loại này, cho việc sáng tạo những tác phẩm mang tầm vóc thời đại và tái sinh những yếu tố gần với sử thi truyền thống.
    - Tiểu thuyết sử thi trong văn học thế kỷ XX của Việt Nam gắn với chủ đề cách mạng và chiến tranh vệ quốc. Những tương đồng về mặt loại hình lịch sử xã hội cũng như những giao lưu giữa Việt Nam và Nga trong thế kỷ XX đã có tác động quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của thể loại tiểu thuyết sử thi về đề tài cách mạng trong văn học Việt Nam. 
    - Nguyễn Đình Thi và A.Tolstoy là hai tác giả lớn của văn học Việt Nam và Nga. Họ có vị trí quan trọng trong văn học của mỗi dân tộc. Con đường đau khổ và Vỡ bờ phản ánh những vấn đề lớn của lịch sử dân tộc Nga và Việt Nam trong một khoảng thời gian nhất định. Ở đó, nhà văn đã khái quát được bức tranh chuyển động của lịch sử, của nhân vật. Mỗi tác phẩm mang một hương vị riêng của từng dân tộc, thể hiện ý thức, tư tưởng thẩm mỹ, lòng yêu nước của nhà văn đối với Tổ quốc.
    - Không phải thời nào văn chương cũng khám phá được đến tối đa những sắc thái của chất anh hùng trong con người như tiểu thuyết sử thi đã làm. Với những đặc điểm nội dung và thi pháp riêng, nó đã góp thêm giá trị cho thể loại tiểu thuyết nhân loại. Văn học Việt Nam sau 1975 vẫn viết tiếp bài ca sử thi của đất nước, dù rằng sắc thái, tính chất thể hiện yếu tố dân tộc tính, lịch sử tính, nghệ thuật sử thi đã có những biến đổi nhất định. Điều đó cũng tất yếu bởi phù hợp với tiến trình phát triển của thời đại.
    3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    Với những kết luận khoa học trên đây, chúng tôi nghĩ rằng luận án “Tiểu thuyết sử thi trong văn học Xô viết và Việt Nam hiện đại (Trường hợp Con đường đau khổ - Alexei Tolstoy và Vỡ bờ - Nguyễn Đình Thi)” có thể là: 
    (1) Tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu về văn học so sánh.
    (2) Tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu giảng dạy văn học Nga, văn học Việt Nam 1945-1975.
     

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên