Hơn 33.000 thí sinh tham gia kỳ thi Đánh giá năng lực đợt 1 do ĐHQG-HCM tổ chức tại TP.HCM và Bến Tre vào sáng 31/3.
Trên 97% thí sinh dự thi
TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG-HCM cho biết số lượng thí sinh dự thi đạt 97% so với 34.163 hồ sơ đăng ký thi.
“Theo báo cáo nhanh về tình hình tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, ở tất cả điểm thi không xảy ra tình trạng thí sinh đến trễ giờ làm bài. Tuy nhiên, tại điểm thi Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cơ sở Nguyễn Văn Cừ, một thí sinh đã bị đình chỉ thi vì mang điện thoại. Đặc biệt, tại Bến Tre, số lượng thí sinh tham gia đạt 98%” - ông Chính cho biết.
Kỳ thi ĐGNL đợt 1 được tổ chức tại 3 cụm thi gồm: khu vực nội thành TP.HCM với 6 điểm thi, khu vực Khu đô thị ĐHQG-HCM (phường Linh Trung, quận Thủ Đức) với 9 điểm thi và 5 điểm thi tại tỉnh Bến Tre. Các điểm thi tại TP.HCM đều được tổ chức tại các trường thành viên ĐHQG-HCM ngoại trừ hai điểm thi ở Trường Cao đẳng Cao Thắng và Trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh.
Từ sáng sớm phụ huynh và thí sinh đã tập trung đến các điểm thi. Phần lớn thi sinh đến sớm là học sinh các tỉnh Cần Thơ, Long An, Bình Dương… Trong đó một số trường THPT có tổ chức xe đưa thí sinh đi dự thi.
Phụ huynh Trần Minh Cường (Cần Thơ) cho biết con gái dự thi kỳ thi ĐGNL để xét tuyển vào Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM. “Tôi chưa hình dung rõ được kỳ thi này thế nào nhưng được biết đây là một phương thức tuyển sinh mới, với bài thi trắc nghiệm tổng hợp nên đồng ý để con gái thử sức”.
Rời Long An từ lúc 4 giờ rưỡi sáng để đưa con đi thi, cô Lê Thị Kim Dung chia sẻ: “Đây là kì thi nhằm tạo cơ hội cho các thí sinh trúng tuyển vào trường yêu thích của mình. Việc ĐHQG tổ chức kì thi và quy trình đăng ký rất dễ khiến tôi an tâm. Tôi nghĩ nó sẽ tăng khả năng lọt trường top của con tôi”.
Đưa con đi thi ở Phân hiệu ĐHQG-HCM tại tỉnh Bến Tre, chị Diễm Thúy cho biết: “Tôi cho con ăn ăn sáng ở nhà, không dám cho cháu ăn quán. Bình thường thì con đi học bằng xe đạp điện, nhưng hôm nay tôi vẫn đưa cháu đi thi. Đây là kỳ thi quan trọng nên tôi muốn chuẩn bị mọi thứ thật an toàn cho cháu. Cháu có vẻ tự tin đối với kỳ thi này nên tôi khá an tâm”.
Vừa hướng dẫn thí sinh đến phòng thi xong, Tô Viết Anh - sinh viên năm I, Trường ĐH Công nghệ Thông tin bày tỏ sự háo hức: “Kỳ thi ĐGNL lần này là cơ hội để quảng bá hình ảnh của Trường ĐH CNTT. Phòng truyền thông đã lên kế hoạch từ nhiều tháng trước cho sự kiện lần này. Tụi em hướng dẫn thí sinh, tư vấn tuyển sinh không chỉ cho các các bạn mà còn cả phụ huynh”.
Đề thi đa dạng, thực tế
Đa số thí sinh tỏ ra thoải mái và thích thú với kỳ thi ĐGNL. Rời khỏi phòng thi, thí sinh Lê Khánh Sơn - Trường Chuyên Quốc học Quy Nhơn (Bình Định) cho biết: “Bài thi ĐGNL này mang tính thực tế, kiến thức không chỉ nằm trong sách giáo khoa mà còn mang tính vận dụng cao, không khô khan như những đề thi Bộ GD&ĐT công bố. Em hứng thú với phần thi toán logic. Những câu hỏi hóa khá dễ, riêng đối với các môn xã hội, đặc biệt là môn Văn em nghĩ thí sinh cần nhiều kiến thức và siêng đọc sách mới làm bài được. Có lẽ em sẽ tham gia tiếp kỳ thi đánh giá năng lực lần 2”.
Là một trong những thí sinh bước khỏi phòng thi cuối cùng, Trần Thị Phương Nhi - Trường Phổ thông Năng khiếu (TP.HCM) chia sẻ: “Đề thi không khó lắm. Những câu hỏi toán logic khá hay vì nó buộc thí sinh phải suy nghĩ nhiều. Phần văn học cũng khá thú vị với những câu hỏi liên quan đến chính tả. Em tự tin mình hoàn thành trên 70% bài thi”.
Tại điểm thi Trường ĐH Quốc Tế - ĐHQG-HCM, thí sinh Ngô Hoàng Ty - Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) cho biết: “Em làm được khoảng 70%. Đề thi hay và thực tế hơn dạng đề ở kỳ thi THPT Quốc gia. Em làm tốt phần tiếng Anh còn phần logic theo em là khó nhất. Em rất thích kiểu đề như vậy vì không phải học thuộc lòng mà lại rất sát thực tế”.
Đánh giá về đề thi, thí sinh Nguyễn Ngọc Minh Quân - Trường Chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) cho rằng: “Đề thi này đa dạng từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội với nhiều câu hỏi thú vị. Một học sinh trung bình cũng có thể hoàn thành 50-60% bài thi. Những câu hỏi về hóa, sinh cũng ổn, toán thì khá khó”.
Trong khi đó, tại điểm thi tỉnh Bến Tre, thí sinh Yến Linh (huyện Cái Bè,Tiền Giang) chia sẻ: “Em cùng các bạn cùng lớp thuê xe đến điểm thi khoảng 7h sáng. Em thấy bài thi khoảng 60% là dễ. Em và các bạn tranh luận nhiều về câu hỏi Văn học và Lịch sử. Về phần tư duy logic, nếu có nhiều thời gian hơn nữa, em sẽ làm tốt hơn. Em ấn tượng một câu hỏi tư duy về khoảng cách, nó khá hóc búa, nếu đọc sơ mình sẽ không tìm được câu trả lời, nhưng khi hiểu được câu hỏi, là mình biết ngay đáp án.”
Bài thi ĐGNL gồm 120 câu tương ứng với 1200 điểm. Tuy nhiên, điểm của từng câu hỏi phụ thuộc vào độ phân hóa thí sinh, do đó mỗi câu sẽ có điểm khác nhau. Phần sử dụng ngôn ngữ chiếm 400 điểm, phần toán học, tư duy logic và phân tích số liệu là 300 điểm và 500 điểm cho phần giải quyết vấn đề. Kết quả của kỳ thi này được 28 trường đại học, cao đẳng trong và ngoài hệ thống ĐHQG-HCM sử dụng để thí sinh xét tuyển trực tiếp.
Kết quả của kỳ thi ĐGNL đợt 1 sẽ được công bố vào ngày 10/4. ĐHQG-HCM tiếp tục mở cổng đăng kí dự thi ĐGNL đợt II từ 15/4 - 31/5. Theo đó, kỳ thi ĐGNL lần II sẽ được tổ chức vào ngày 7/7 tại TP.HCM, An Giang và Quy Nhơn.
M.Châu - T.Việt - Đ.Lộc - P.An - T.Đồng - H.Thương
Hãy là người bình luận đầu tiên