Đó là chia sẻ của TS Vòng Bính Long (sinh năm 1984) - Giảng viên Khoa Sinh học - Công nghệ Sinh học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM.
TS Long lấy bằng tiến sĩ ngành vật liệu sinh học (Đại học Tsukuba - Nhật Bản) năm 31 tuổi. Trong quá trình học tập và nghiên cứu, anh đã có 15 bài báo quốc tế được đăng trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín. Đồng thời, anh cũng là tác giả của năm bằng sáng chế và hai chương sách tham khảo. Vòng Bính Long được T.Ư Đoàn chọn là đại biểu tiêu biểu của Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2018.
Quan tâm đến sức khỏe con người
TS Vòng Bính Long cho biết anh “bị cuốn hút khi có cơ hội tiếp cận lĩnh vực công nghệ nano dùng trong y học”. Thế nên từ lúc sang Nhật Bản đến nay, anh tập trung nghiên cứu về vật liệu nano - polymer có hoạt tính sinh học để điều trị các bệnh viêm nhiễm và cả bệnh ung thư.
TS Long đạt nhiều thành quả nghiên cứu ở lĩnh vực này, trong đó nổi bật nhất là hai hướng nghiên cứu chính: “Phát triển liệu pháp thuốc nano dùng để trị bệnh viêm và ung thư đại tràng” đăng trên tạp chí Gastroenterology năm 2012 và Biomaterials năm 2015; “Gel có khả năng làm tăng sinh mạch máu tại những vùng mô bị thiếu máu trong điều trị bệnh tim mạch” được công bố năm 2018 trên tạp chí Biomaterials. Anh mong muốn sớm có thể ứng dụng các liệu pháp điều trị này trên người bệnh.
Lĩnh vực công nghệ nano dùng trong y học được nghiên cứu và phát triển trên thế giới hơn 40 năm, còn ở Việt Nam thì khá mới mẻ, và đó cũng chính là lý do TS Long chọn làm hướng đi cho mình. “Hơn nữa ngành này rất quan trọng đối với sức khoẻ con người Mình vốn chuyên về sinh hóa và kiến thức cơ sở này hoàn toàn thích hợp để tiếp cận lĩnh vực công nghệ nano” - TS Long chia sẻ.
Khi mới sang Nhật Bản, anh cho biết việc lĩnh hội kiến thức mới bằng ngoại ngữ thực sự là một thử thách, đồng thời hiểu được tính cách và suy nghĩ của những người xung quanh cũng là điều không đơn giản. Nhưng may mắn là anh nhận được sự hướng dẫn tận tâm của giáo sư và sự giúp đỡ nhiệt tình của các đồng nghiệp. Với anh, có một chân lý đơn giản trong cuộc sống mà mình vừa nghiệm ra: “Khi mình hiểu được phong cách làm việc của người khác, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn”.
TS Long tâm sự mỗi bước thành công trong học tập và nghiên cứu của mình luôn có sự dìu dắt của những người thầy, sự ủng hộ, động viên của gia đình. Đó là những người anh nhớ ơn sâu sắc. Nhưng người mà anh chịu ảnh hưởng lớn nhất là Giáo sư Nagasaki Yukio - Đại học Tsukuba. “Thầy là người hướng dẫn mình thực hiện luận án tiến sĩ và dẫn dắt mình vào lĩnh vực nghiên cứu nano y học đến tận bây giờ. Thầy chính là hình mẫu của niềm đam mê nghiên cứu khoa học, luôn thấy trọng trách của bản thân trong việc đào tạo thế hệ trẻ” - TS Long nhớ lại.
Gần 8 năm theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học và phải đối mặt với nhiều khó khăn, Vòng Bính Long cho biết anh “chưa từng có ý định đi theo một công việc khác”. Anh quan niệm: “Nghiên cứu khoa học là một quá trình lâu dài, đòi hỏi lòng kiên trì, tính bền bỉ. Ngoài ra, sự tò mò và niềm đam mê cũng là phẩm chất quan trọng để tạo nên các nhà khoa học tầm cỡ”.
Băn khoăn của nhà khoa học trẻ
Một ngày mới của TS Vòng Bính Long bắt đầu bằng việc kiểm tra và trả lời email, lên lịch công việc, phụ giúp việc gia đình rồi mới “an tâm” đến trường nghiên cứu, giảng dạy. Theo anh, sự cân bằng giữa việc nghiên cứu với gia đình và bản thân là rất quan trọng. Đôi khi, lịch công tác hoặc kế hoạch nghiên cứu kéo dài, thì sau đó anh sẽ sắp xếp thời gian bù lại cho gia đình.
Nói về “chuyện nghề”, TS Long thẳng thắn chia sẻ rằng để phát triển sự nghiệp nghiên cứu ở Việt Nam, đặc biệt với những ngành mới đòi hỏi trang thiết bị phải hiện đại trong khi thực tế thì “thuận lợi ít mà khó khăn quá nhiều”. Trong đó có hai khó khăn lớn mà các nhà nghiên cứu - nếu đơn phương - rất khó thể vượt qua: Thứ nhất là thu nhập phải đủ đảm bảo cuộc sống, vừa trang trải cho bản thân vừa giúp đỡ gia đình. Thứ hai là trang thiết bị thiết yếu cho nghiên cứu phải hiện đại. Thực ra, thiết bị không phải là không có, nhưng phân bố đơn lẻ tại các đơn vị khác nhau trong trường cũng như ở toàn hệ thống. Vì thế việc sử dụng còn gặp nhiều trở ngại.
Anh mong muốn ĐHQG-HCM sẽ hướng đến mô hình các phòng thí nghiệm chung mà ở đó tất cả nhà nghiên cứu và sinh viên có thể sử dụng hết công năng của các trang thiết bị. Điều này giúp mọi người có cơ hội tiếp cận các thiết bị hiện đại và phương tiện nghiên cứu tiên tiến.
Vòng Bính Long sẽ phát triển hơn nữa Đó là sẻ chia của TS Nguyễn Trí Nhân - Trưởng Khoa Sinh học - Công nghệ Sinh học Trường ĐH KHTN ĐHQG-HCM. Theo TS Nhân, Vòng Bính Long là một giảng viên có năng lực chuyên môn vững vàng và có nhiều tiềm năng phát triển hơn nữa nếu có điều kiện thuận lợi. “Vòng Bính Long rất năng động và tích cực trong việc tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong và ngoài nước, bên cạnh đó Long có trách nhiệm và biết gánh vác công việc chung của tập thể. Còn trong đời sống thường ngày, Long là người hòa nhã, dễ mến, và nhiệt tình với đồng nghiệp, đối tác. Nói ngắn gọn, Bính Long là người khá hoàn hảo, vừa hồng vừa chuyên” - TS Nhân nhấn mạnh. |
ĐỨC LỘC
Hãy là người bình luận đầu tiên