Tin tức - Sự kiện

Tôn giáo mới nội sinh ở Nam Bộ - nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử - NCS. Nguyễn Thoại Linh

  • 10/05/2021
  • Tên đề tài luận án: Tôn giáo mới nội sinh ở Nam Bộ - nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử
    Chuyên ngành: Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử
    Mã số: 9.22.90.02
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thoại Linh
    Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Xuân Nghĩa, PGS.TS. Trương Văn Chung
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG-HCM
    1. Tóm tắt nội dung luận án (abstract)
    Khủng hoảng ở Nam Bộ Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là môi trường làm nảy sinh các hình thức tôn giáo mới nội sinh. Các tôn giáo mới nội sinh điển hình xuất hiện trong thời kỳ này như: Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài Đại Đạo… đã thực hiện chức năng “đền bù hư ảo”, làm “giảm nhẹ” tạm thời những nỗi đau khổ, an ủi cho những sự mất mát, thiếu hụt của con người trong cuộc sống. 
    Trong giai đoạn hiện nay, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành vùng kinh tế, văn hóa - xã hội phát triển bền vững ở Nam Bộ, ảnh hưởng của các tôn giáo mới nội sinh ở Nam Bộ là rất đáng quan tâm. Trên phương diện triết học tôn giáo luận án làm rõ bối cảnh lịch sử, nội dung, tính chất, đặc điểm, ý nghĩa lịch sử cũng như các hạn chế bất cập rất riêng biệt của các tôn giáo mới nội sinh ở Nam Bộ.
    2. Những kết quả của luận án
    1) Luận án xác định các quan điểm lý thuyết, phân loại, định danh và phương pháp nghiên cứu cụ thể nhằm nghiên cứu các hiện tượng tôn giáo mới nội sinh ở Nam Bộ. Luận án phân tích các vấn đề khái niệm về tôn giáo mới nội sinh ở Nam Bộ, những điều kiện và tiền đề tư tưởng hình thành tôn giáo mới nội sinh ở Nam Bộ.
    2) Luận án làm rõ nội dung, tính chất của một số hình thức tôn giáo mới nội sinh điển hình ở Nam Bộ vào cuối thế kỷ XIX, và nửa đầu thế kỷ XX như:  Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, Cao Đài Đại Đạo và Phật giáo Hòa Hảo.
    3) Luận án phân tích, làm rõ những đặc điểm và ý nghĩa, cũng như các bất cập hạn chế của các tôn giáo mới nội sinh ở Nam Bộ trong sự phát triển bền vững ở Nam Bộ hiện nay. 
    3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu: 
    Những phân tích đánh giá về nội dung, tính chất, đặc điểm, ý nghĩa cũng như những hạn chế bất cập của các tôn giáo mới nội sinh ở Nam Bộ của luận án góp phần giúp các Đảng bộ, chính quyền và các cơ quan ban ngành làm công tác tôn giáo vùng Nam Bộ tham khảo trong việc đề ra chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác tôn giáo trong quá trình đổi mới nội vùng cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
    Kết quả nghiên cứu của luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho các ngành: Tôn giáo học, Văn hóa học, Triết học trong các trường cao đẳng và đại học cùng những ai quan tâm đến vấn đề tôn giáo ở Nam Bộ.
    Tôn giáo mới nội sinh là một hiện tượng xã hội có tính đặc thù, cần phải có những nghiên cứu sâu rộng hơn về mặt lý luận và thực tiễn, nhằm có thể đưa ra được những dự báo và giải pháp ngày một phù hợp hơn với sự phát triển của xã hội.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên