Tên đề tài: Tri thức địa phương của người Cơ Tu ở Quảng Nam dưới góc nhìn văn hóa học
Chuyên ngành: Văn hoá học
Mã số: 9229040
Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Công Trường
Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. Ngô Văn Lệ
Tên cơ sở đào tạo: Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. HCM
1. Tóm tắt nội dung luận án
Người Cơ Tu là cư dân sinh sống lâu đời ở miền núi Quảng Nam, trong quá trình cư trú họ đã tích lũy và sáng tạo nên hệ thống tri thức địa phương nhằm ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội nơi cộng đồng cư trú. Tuy nhiên, hiện nay tri thức địa phương của cư dân có sự biến đổi nhanh chóng do nhiều yếu tố tác động làm thay đổi môi trường sống và nhận thức của cư dân như: quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sự biến đổi khí hậu toàn cầu... Vì vậy, việc khảo sát và tìm hiểu tri thức địa phương của người Cơ Tu ở Quảng Nam nhằm chọn lọc các yếu tố tích cực, góp phần giúp cư dân tiếp thu tinh hoa văn hóa từ bên ngoài nhưng vẫn giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng là vấn đề cấp thiết cần đặt ra để giải quyết. Để làm được điều đó, chúng tôi sử dụng cách tiếp cận liên ngành kết hợp với nghiên cứu định tính và nghiên cứu trường hợp nhằm nghiên cứu tri thức địa phương của người Cơ Tu về văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, góp phần hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa của tộc người Cơ Tu. Đồng thời, nghiên cứu thực trạng và những nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi tri thức địa phương của người Cơ Tu ở Quảng Nam. Từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị tri thức địa phương của người Cơ Tu ở Quảng Nam hiện nay.
2. Những kết quả của luận án
2.1. Về phương diện khoa học
Thứ nhất, từ kết quả khảo sát thực địa và kiểm nghiệm giả thuyết nghiên cứu, luận án hi vọng góp phần làm rõ mối quan hệ giữa người Cơ Tu với môi trường tự nhiên thông qua những phương thức mà cộng đồng sáng tạo nhằm khai thác tự nhiên và ứng xử với những thay đổi của môi trường tự nhiên từ góc nhìn văn hóa học.
Thứ hai, luận án góp phần giải thích sự vận động của tri thức địa phương của người Cơ Tu trong xu hướng tất yếu của sự vận động và biến đổi không ngừng của văn hóa tộc người dưới tác động của các yếu tố khách quan, khiến cộng đồng đứng trước sự lựa chọn phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh khác trước đây. Từ đó, gợi mở hướng tiếp cận những tri thức mới hình thành của người Cơ Tu trong bối cảnh giao lưu văn hóa và hội nhập xã hội.
2.2. Về ý nghĩa thực tiễn
Thứ nhất, kết quả của luận án góp thêm nguồn tư liệu về tri thức địa phương của người Cơ Tu nói riêng và tri thức dân gian của các tộc người thiểu số ở Việt Nam nói chung, đặc biệt cho ngành văn hóa học.
Thứ hai, kết quả của luận án hi vọng góp phần làm tài liệu tham vấn cho các cơ quan chức năng xây dựng các chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của người Cơ Tu ở miền núi Quảng Nam.
3. Hướng phát triển tiếp theo của luận án
Tri thức địa phương là đối tượng nghiên cứu khá phức tạp vì nó phụ thuộc vào chủ thể sở hữu nguồn tri thức này. Trong khi người Cơ Tu có địa bàn phân bố rộng rãi, tập trung chủ yếu ở phía Tây tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và một bộ phận ở nước CHDCND Lào, trong luận án này do điều kiện tiếp cận người Cơ Tu trên các địa bàn khác nhau còn nhiều khó khăn nên việc khảo sát và tìm hiểu toàn diện các khía cạnh tri thức địa phương của cư dân còn hạn chế. Tuy nhiên, nhờ những đóng góp của các nhà khoa học, các vấn đề nghiên cứu về tri thức địa phương của người Cơ Tu ngày càng được gợi mở. Vì vậy, trong thời gian tiếp theo, nghiên cứu sinh cố gắng mở rộng địa bàn nghiên cứu, tiếp cận các vấn đề được gợi mở với hi vọng sẽ góp một phần nhỏ vào việc hệ thống hóa tri thức địa phương của người Cơ Tu, từ đó làm phong phú nguồn tư liệu về văn hóa gian dân của cộng đồng dưới góc nhìn văn hóa học.
Hãy là người bình luận đầu tiên