Các nhà khoa học tại Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM vừa công bố sản phẩm khẩu trang vải ngăn COVID-19. Đây kết quả nghiên cứu công nghệ ứng dụng siêu vật liệu graphene kết hợp với nano bạc làm khẩu trang.
PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu - Trưởng phòng thí nghiệm trọng điểm ĐHQG-HCM, trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết khẩu trang bằng vải cotton khi phủ bạc nano sẽ có tính kháng khuẩn. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng lớp nano bạc bị rửa trôi, khả năng kháng khuẩn không bền và làm ảnh hưởng sức khỏe con người. Nhóm đã khắc phục hạn chế này bằng cách sử dụng graphene với hàm lượng dưới 1mg làm vật liệu liên kết giữa vải cotton và nano bạc trở nên chặt chẽ hơn.
Nano bạc bám trên bề mặt vải bền hơn và graphene cũng là vật liệu giúp nano bạc phân bố đều, giúp khẩu trang có khả năng kháng khuẩn luôn ở mức cao. Đây cũng là điểm khác biệt của sản phẩm so với các sản phẩm khẩu trang vải có chứa nano bạc trên thị trường.
“Hàm lượng graphene và nano bạc trong khẩu trang rất nhỏ nên mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người là rất thấp. Khẩu trang có thể tái sử dụng với 5 lần giặt, bảo quản ở nhiệt độ thông thường. Sản phẩm khi đeo có thể lọc được 99% bụi mịn, kháng khuẩn. Nhóm nghiên cứu đang hoàn tất các thủ tục kiểm định an toàn từ cơ quan y tế, theo tiêu chuẩn Việt Nam” - PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu khẳng định.
Đề cập khả năng chống giọt bắn có chứa COVID-19 của khẩu trang, PGS Hiếu cho biết, giới nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh các gốc graphene có thể ngăn chặn được giọt lỏng phân tán từ 2.5 đến 3 micromet. Trong khi COVID-19 phân tán được từ hệ hộ hấp của người bệnh trong các giọt lỏng có kích thước 5 micromet. Do vậy, với kích thước này virus không thể đi qua lớp graphene của khẩu trang, giúp bảo vệ người dùng.
Khẩu trang có giá khoảng 30.000 đồng một chiếc. Theo nhóm nghiên cứu, nguyên liệu graphene được điều chế từ bột than, không đắt tiền. Song, quá trình điều chế từ bột than thành graphene đòi hỏi chi phí lớn. PGS Hiếu chia sẻ: “Với hàm lượng graphene rất nhỏ, tôi tin tưởng giá thành sản phẩm sẽ cạnh tranh”.
Hiện khẩu trang được dùng thử nghiệm cho giảng viên, nhân viên Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM.
PHAN ANH
Hãy là người bình luận đầu tiên