Chiều 11/9, Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM tổ chức Lễ Khánh thành Phòng Thí nghiệm Kỹ thuật Mỹ phẩm do Bộ Giáo dục Hàn Quốc tài trợ, thuộc dự án hợp tác LUPIC giữa Trường ĐH Bách Khoa và ĐH Daegu Haany (Hàn Quốc). PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, đã đến dự.
Phòng thí nghiệm (PTN) này nằm trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ các đại học hàng đầu và hợp tác quốc tế của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, có diện tích khoảng 230m2, gồm các cụm phòng thí nghiệm và phòng họp. Sau hơn một năm chuẩn bị, phòng đã hoàn thiện và có thể đưa vào sử dụng.
PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa, cho biết Lễ Khánh thành PTN đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong dự án LUPIC.
Theo PGS.TS Mai Thanh Phong, trong 3 năm triển khai dự án, hai trường đã đạt những thành quả như: nâng cấp, cải tạo, thiết lập trung tâm hợp tác quốc tế, đặc biệt là hạ tầng, trang thiết bị của phòng thí nghiệm nghiên cứu mỹ phẩm; hoàn tất chương trình đào tạo và giáo trình của một số môn học ngành Kỹ thuật Mỹ phẩm; hoàn thành công tác tổ chức hướng dẫn, tư vấn chọn ngành cho các khóa đầu tiên của ngành Kỹ thuật Mỹ phẩm.
“Tôi mong rằng ở giai đoạn tiếp theo của dự án, chúng ta có thể góp phần xây dựng năng lực giáo dục đại học ở Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực Kỹ thuật Mỹ phẩm. Mục tiêu, kỳ vọng của dự án là tăng cường mạng lưới hợp tác quốc tế giữa đại học, doanh nghiệp và nhà nước của Việt Nam, Hàn Quốc để hướng đến mục tiêu thương mại hóa kết quả nghiên cứu” - PGS.TS Mai Thanh Phong nhấn mạnh.
GS Byun Chang-Hoon - Hiệu trưởng ĐH Daegu Haany, cam kết sẽ chia sẻ với Trường ĐH Bách Khoa toàn bộ kinh nghiệm về hợp tác giáo dục quốc tế và lĩnh vực mỹ phẩm, đồng thời hỗ trợ hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường đại học cũng như cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực này.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Minh Tâm bày tỏ: “Tôi hy vọng sự hợp tác giữa Trường ĐH Bách Khoa và ĐH Daegu Haany sẽ là mô hình hợp tác kiểu mẫu trong việc nâng cao chất lượng đào tạo ở các lĩnh vực có nhu cầu phát triển trong tương lai; tạo ra định hướng nghiên cứu hợp tác để giải quyết vấn đề của hai nước và toàn cầu; cuối cùng là tạo môi trường học tập đẳng cấp quốc tế”.
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM cũng đề nghị Trường ĐH Bách Khoa sớm hoàn tất thủ tục pháp lý để tiếp nhận, vận hành hiệu quả PTN và tiếp tục là đơn vị tiên phong của ĐHQG-HCM trong việc tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để xây dựng một mô hình, môi trường hợp tác nghiên cứu đa dạng và phong phú.
Hiện tại, Trường ĐH Bách Khoa có 2 PTN trọng điểm cấp quốc gia; 5 PTN trọng điểm cấp ĐHQG-HCM; 11 trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; 1 trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ và hơn 180 PTN phục vụ đào tạo, hỗ trợ nghiên cứu.
Tin, ảnh: HƯƠNG NHU - THU THẢO
Hãy là người bình luận đầu tiên