Tên đề tài: Tư sản người Việt ở Nam kỳ 1897 – 1929
Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam
Mã số: 9229013
Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thế Hồng
Người hướng dẫn khoa học: TS. Phạm Phúc Vĩnh, TS. Huỳnh Đức Thiện
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
+ Tóm tắt nội dung luận án
Vấn đề tư sản ở Việt Nam dưới chế độ thực dân nói chung là một vấn đề khoa học được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Luận án tư sản người Việt ở Nam Kỳ từ 1897 đến 1929 đã phục dựng quá trình ra đời, phát triển và những hoạt động cửa lực lượng này qua hai giai đoạn: giai đoạn 1897 – 1918 đánh dấu sự xuất hiện của tư sản người Việt ở Nam Kỳ với tư cách là một lực lượng xã hội; giai đoạn 1919 – 1929 đánh dấu sự trưởng thành với tư cách là một bộ phận của giai cấp tư sản Việt Nam. Trong giai đoạn từ 1897 đến 1919, lực lượng tư sản người Việt đã có nhiều hoạt động trên lĩnh vực kinh tế theo phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa một cách sâu rộng và khởi xướng hoặc tham gia vào nhiều hoạt động chính trị - xã hội sôi nổi ở Nam Kỳ. Sự ra đời và hoạt động của tư sản người Việt ở Nam Kỳ tuy có những hạn chế dưới góc nhìn của chủ nghĩa yêu nước, nhưng họ vẫn có những đóng góp nhất định đối với quá trình phát triển kinh tế, chính trị của xã hội thuộc địa ở Nam Kỳ đương thời và có những đóng góp nhất định đối với phong trào dân tộc, dân chủ ở Nam Kỳ.
+ Những kết quả của luận án
1. Tư sản người Việt ở Nam Kỳ ra đời từ thập niên 60 thế kỷ XIX do tác động của phương thức sản xuất TBCN du nhập vào cùng thời gian xâm lược và cai trị của thực dân Pháp. Nguồn gốc xã hội của tư sản người Việt ở Nam Kỳ đa dạng, gồm thầu khoán, thương nhân, chủ xưởng sản xuất, sĩ phu tiến bộ, địa chủ.
2. Tư sản người Việt ở Nam Kỳ tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh đa dạng các ngành, nghề. Một số tư sản tham gia hoạt động đồn điền nông nghiệp, qua đó tạo nên sự gắn kết giữa kinh tế nông nghiệp với các ngành, nghề khác như công nghiệp chế biến, tài chính- ngân hàng, giao thông vận tải, thương nghiệp.
3. Tư sản người Việt ở Nam Kỳ tham gia hoạt động nổi bật trong phong trào chính trị - xã hội thời gian ba thập niên đầu thế kỷ XX. Phong trào Minh Tân tạo nên tiếng chuông thức tỉnh xã hội thuộc địa về những vấn đề nội tại yếu kém của đất nước và tư sản người Việt tiên phong khắc phục bằng những hoạt động cụ thể. Sau năm 1919, họ thành lập đảng phái chính trị để đấu tranh bảo vệ lợi ích giai cấp. Tiêu biểu là Đảng Lập hiến Đông Dương.
4. Tư sản người Việt ở Nam Kỳ thể hiện được vai trò trong hoạt động kinh tế ở Nam Kỳ, cụ thể: góp phần phát triển phương thức sản xuất TBCN và ra sức củng cố, bảo vệ nó; góp phần thay đổi cơ cấu ngành kinh tế và tạo nên sự phồn thịnh ở các trung tâm kinh tế tỉnh lỵ ở Nam Kỳ; góp phần xây dựng văn hóa kinh doanh của người Việt thời cận đại.
5. Tư sản người Việt ở Nam Kỳ thể hiện được vai trò trong phong trào dân tộc dân chủ ở Nam Kỳ (1897 – 1929) thông qua các phong trào tiêu biểu: phong trào Minh Tân, các tranh thương với tư sản nước ngoài; góp phần phổ biến văn hoá, giáo dục và các giá trị dân chủ tư sản tiến bộ đương thời cho người bản xứ. Phương tiện chính để phổ biến là báo chí. Họ là một trong những lực lượng tiếp cận con đường canh tân đất nước đầu thế kỷ XX. Từ đó khẳng định: tư sản người Việt ở Nam Kỳ (1897 – 1929) có vai trò đóng góp nhất định đối với lịch sử vùng đất Nam Kỳ và đối với lịch sử Việt Nam.
+ Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Luận án là công trình nghiên cứu có hệ thống về hoạt động kinh tế, chính trị - xã hội nổi bật của tư sản người Việt ở Nam Kỳ (1897 – 1929). Từ đó, góp phần vào việc nhận xét đặc điểm và đánh giá vai trò của tư sản người Việt ở Nam Kỳ đối với sự chuyển biến kinh tế, xã hội vùng đất Nam Kỳ nói riêng và Việt Nam nói chung. Từ kết quả nghiên cứu góp phần nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử vùng đất Nam Kỳ. Luận án đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu sâu sắc hơn những nội dung liên quan đến tư sản người Việt ở Nam Kỳ (1897 – 1929), đặc biệt là những hoạt động tiếp theo của họ từ sau năm 1930. Từ đó, giúp đưa ra bức tranh toàn diện, khách quan hơn về những đóng góp của tư sản người Việt ở Nam Kỳ trong suốt thời kỳ Pháp thuộc.
Hãy là người bình luận đầu tiên