Tên đề tài: Tư tưởng chính trị của Khổng Tử - đặc điểm và ý nghĩa lịch sử của nó trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay
Chuyên ngành: Triết học
Mã số: 92.29.001
Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Văn Ý
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Xuân Tế
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh
+ Tóm tắt nội dung luận án
Tư tưởng chính trị của Khổng Tử được hình thành và phát triển trên cơ sở của sự phản ánh đặc điểm, điều kiện và yêu cầu lịch sử xã hội Trung Quốc thời kỳ Xuân Thu. Đó là sự khủng hoảng trật tự thể chế xã hội và sự băng hoại về giá trị đạo đức. Là hình thái của ý thức xã hội, tư tưởng chính trị của Khổng Tử còn là sự tiếp thu, kế thừa các quan niệm truyền thống của người Trung Hoa cổ đại thể hiện trong các thư tịch cổ như: Thượng Thư, Kinh Thi, Kinh Dịch, Quốc Ngữ, Tả Truyện… Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng để hình thành tư tưởng chính trị của Khổng Tử chính là thân thế, sự nghiệp và những phẩm chất cá nhân của ông.
Đứng trước tình cảnh xã hội loạn lạc, con người bất nhân, cũng giống như các nhà tư tưởng đương thời là trả lời câu hỏi “làm thế nào để đưa thiên hạ từ loạn về trị; đưa con người từ vô đạo trở thành có đạo?” thì Khổng Tử chủ trương Đức trị và thực hành chính danh nhằm khôi phục lại trật tự xã hội bằng những biện pháp hòa bình trên cơ sở của sự giáo dục đạo đức dưới sự dẫn dắt của một nhà cầm quyền tài - đức. Tư tưởng ấy mang một số đặc điểm cơ bản như: lấy việc hoàn thiện nhân cách, lấy giáo dục gia đình làm nền tảng chính trị; chính trị thống nhất với đạo đức; mang tính duy tâm định mệnh.
Tư tưởng chính trị của Khổng Tử đã cung cấp các phạm trù cơ bản như: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; chính danh, mẫu người cầm quyền… những quan điểm ấy không chỉ ảnh hưởng nhiều và lâu dài ở Trung Quốc mà nó còn ảnh hưởng tới nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh những giá trị mang lại thì tư tưởng chính trị của Khổng Tử cũng không tránh khỏi những hạn chế nhất định như muốn duy trì chế độ đẳng cấp nhà Chu nên dẫn đến duy tâm về lịch sử; tuyệt đối hóa vai trò của đạo đức nên ông không nhìn nhận thấy các yếu tố tác động đến tiến trình phát triển của lịch sử; quá đề cao vai trò của người cầm quyền mà hạ thấp và không nhận định đúng vai trò của dân… Tuy nhiên, khi nghiên cứu tư tưởng Nho giáo nói chung và tư tưởng chính trị của Khổng Tử nói riêng, nếu bỏ qua những hạn chế do điều kiện lịch sử, lập trường giai cấp và chắt lọc những giá trị thì tư tưởng ấy có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước ta hiện nay.
+ Những kết quả của luận án
Thứ nhất, luận án phân tích, làm rõ những điều kiện, tiền đề lý luận và nhân tố chủ quan góp phần hình thành tư tưởng chính trị của Khổng Tử. Những điều kiện lịch sử - xã hội Trung Quốc thời kỳ Xuân Thu góp phần hình thành tư tưởng chính trị của Khổng Tử chính là sự khủng hoảng trật tự thể chế xã hội và sự băng hoại về giá trị đạo đức; Về tiền đề lý luận là các quan niệm truyền thống Trung Hoa cổ đại thể hiện trong các thư tịch cổ như: Thượng Thư, Kinh Thi, Kinh Dịch, Quốc Ngữ, Tả Truyện… Bên cạnh những điều kiện, tiền đề đó, cùng với thân thế, sự nghiệp và những phẩm chất tốt đẹp của ông đã góp phần hình thành nên một tư tưởng chính trị đặc sắc.
Thứ hai, luận án phân tích, làm rõ những nội dung và đặc điểm cơ bản trong tư tưởng chính trị của Khổng Tử. Trong nội dung tư tưởng chính trị luận án phân tích làm rõ “Quan điểm Đức trị”; “Học thuyết chính danh”; “Mẫu người cầm quyền”. Về những đặc điểm cơ bản trong tư tưởng chính trị của Khổng Tử, luận án cũng phân tích làm rõ tư tưởng của Khổng Tử lấy việc hoàn thiện nhân cách, lấy giáo dục gia đình làm nền tảng chính trị; sự thống nhất giữa chính trị và đạo đức; tính duy tâm định mệnh.
Thứ ba, trên cơ sở tìm hiểu, phân tích nội dung, đặc điểm, xác định những giá trị và hạn chế trong tư tưởng tư tưởng chính trị của Khổng Tử từ đó khẳng định ý nghĩa mà tư tưởng chính trị của Khổng Tử mang lại trong công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay.
+ Khả năng ứng dụng của luận án
Trên cơ sở trình bày, phân tích làm rõ nội dung, đặc điểm tư tưởng chính trị của Khổng Tử, cùng với những đánh giá về giá trị và hạn chế của nó, luận án góp phần làm phong phú thêm những tri thức về tư tưởng Nho giáo nói riêng và tư tưởng chính trị Trung Quốc nói chung.
Từ việc phân tích, đánh giá giá trị, hạn chế tư tưởng chính trị của Khổng Tử rút ra những bài học lịch sử thiết thực đối với công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay. Kết quả nghiên cứu của luận án có thể làm tài liệu tham khảo phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu cho những người quan tâm đến lĩnh vực này.
Hãy là người bình luận đầu tiên