Tên đề tài luận án tiến sĩ: Tư tưởng nhà nước và pháp luật của Lê Thánh Tông - Đặc điểm và ý nghĩa lịch sử
Chuyên ngành: Triết học
Mã số: 9229001
Họ và tên nghiên cứu sinh: Võ Thị Xuân Hương
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Trịnh Doãn Chính
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG-HCM
1. Tóm tắt nội dung luận án (Abstract)
Tư tưởng về nhà nước và pháp luật của Lê Thánh Tông được hình thành và phát triển trên cơ sở của sự phản ánh đặc điểm, điều kiện và yêu cầu lịch sử xã hội Đại Việt ở thế kỷ XIV - XV. Đó là yêu cầu xây dựng một quốc gia Đại Việt thống nhất, độc lập, tự chủ, với một thể chế chính trị quân chủ chuyên chế phong kiến trung ương tập quyền điển hình, có quy mô và hoạt động hiệu quả. Là hình thái của ý thức xã hội, tư tưởng nhà nước và pháp luật của Lê Thánh Tông hình thành còn là sự tiếp thu, kế thừa những tiền đề lý luận trước đó. Tư tưởng về nhà nước và pháp luật của Lê Thánh Tông còn là sự tiếp thu tư tưởng về tinh thần chúng sinh bình đẳng của Phật giáo; tư tưởng tự do, bình đằng theo đạo tự nhiên, vô vi của Đạo gia; đặc biệt là sự tiếp thu, kế thừa học thuyết chính trị - đạo đức của Nho gia, tư tưởng pháp trị của Pháp gia, kết hợp uyển chuyên và chặt chẽ giữa “đức trị” và “pháp trị”, trên tinh thần “trọng pháp”, vì lợi ích tối cao của thần dân, xã tắc, hoàng tộc.
Không tránh khỏi những hạn chế, nhưng tư tưởng nhà nước và pháp luật của Lê Thánh Tông vẫn là những bài học bổ ích trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng, đó là xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
2. Những kết quả của luận án
1) Luận án phân tích, làm rõ những điều kiện, tiền đề hình thành nên tư tưởng nhà nước và pháp luật của Lê Thánh Tông. Đó là những điều kiện lịch sử, chính trị, kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ XIV – XV. Đồng thời, đó còn là những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, hệ tư tưởng Phật giáo, Nho giáo, đặc việt là trường pháp tư tưởng của Pháp gia.
2) Luận án làm rõ nội dung cơ bản tư tưởng nhà nước và tư tưởng pháp luật của vua Lê Thánh Tông. Cụ thể, về tư tưởng nhà nước, luận án phân tích làm rõ quan điểm của Lê Thánh Tông về vai trò của nhà nước trong thể chế quân chủ; về tổ chức, xây dựng bộ máy nhà nước; về xây dựng đội ngũ quan lại trong bộ máy hành chính nhà nước. Về tư tưởng pháp luật, luận án phân tích làm rõ quan điểm của Lê Thánh Tông về vai trò và mục đích của pháp luật; nội dung tư tưởng pháp luật của Lê Thánh Tông trong các quan hệ pháp luật cụ thể; về phương pháp, cách thức thực thi pháp luật.
3) Luận án phân tích, làm rõ những đặc điểm chủ yếu trong tư tưởng nhà nước và pháp luật của Lê Thánh Tông. Luận án cũng lý giải ý nghĩa (trong lịch sử và thực tiễn Việt Nam hiện nay); phân tích một số hạn chế của tư tưởng nhà nước và pháp luật của Lê Thánh Tông.
3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
Luận án làm rõ những nội dung, những đặc điểm cơ bản trong tư tưởng nhà nước và pháp luật của Lê Thánh Tông, thông qua quan điểm của ông về vai trò, chức năng và tổ chức bộ máy nhà nước; về vai trò, mục đích của pháp luật, về các quan hệ pháp luật cụ thể và về phương pháp thực thi pháp luật. Trên cơ sở đó, Luận án cũng chỉ ra những những giá trị, hạn chế và ý nghĩa lịch sử trong tư tưởng về nhà nước và pháp luật của Lê Thánh Tông, góp phần rút ra một số bài học kinh nghiệm đối với sự nghiệp xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay.
Ngoài ra luận án còn có thể là tài liệu tham khảo cho sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh khi nghiên cứu về nhà nước và pháp luật tại các trường Đại học và Cao đẳng.
Hãy là người bình luận đầu tiên