Tên đề tài: Vấn đề tiếp nhận tiểu thuyết hiện đại Đức ở Việt Nam
Chuyên ngành: Lý luận văn học
Mã số: 9220120
Họ và tên nghiên cứu sinh: Huỳnh Thị Mai Trinh
Người hướng dẫn khoa học: 1/ PGS.TS. Huỳnh Văn Vân, 2/ GS.TS. Jörg Thomas Engelbert
Tên cơ sở đào tạo: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
+ Tóm tắt nội dung luận án:
Luận án tập trung nghiên cứu sự tiếp nhận tiểu thuyết hiện đại Đức ở Việt Nam, tìm hiểu sự hiện diện của tiểu thuyết Đức thế kỉ 20 và một phần thế kỉ 21 qua các giai đoạn lịch sử. Cụ thể, luận án nghiên cứu sự tiếp nhận trên phương diện dịch thuật, nghiên cứu và phê bình tiểu thuyết hiện đại Đức qua các giai đoạn 1954 – 1975 ở miền Nam và miền Bắc Việt Nam cũng như sau ngày Việt Nam thống nhất đất nước đến nay. Các sự tiếp nhận này đặt trong các mối quan hệ với nền văn học dân tộc, những tiền đề về văn hóa lịch sử xã hội, những điều kiện thuận lợi và chưa thuận lợi đối với sự tiếp nhận tiểu thuyết hiện đại Đức. Nghiên cứu này dựa trên cơ sở lí thuyết tiếp nhận tiếp nhận, cụ thể là lí thuyết của Hans Robert Jauss và trường phái Konstanz.
+ Những kết quả của luận án:
1. Việc tiếp nhận tiểu thuyết hiện đại Đức ảnh hưởng rất nhiều từ các điều kiện về kinh tế, chính trị, xã hội ở Việt Nam vào từng thời kì cụ thể. Trong đó, sự tự do trong sinh hoạt văn nghệ miền Nam trước năm 1975 cũng như sự chuẩn bị về các học thuyết tư tưởng phương Tây là những điều kiện thuận lợi cho việc dịch thuật và giới thiệu các tiểu thuyết gia hiện đại Đức xuất hiện ở vùng đất này như Thomas Mann, Hermann Hesse, Günter Grass, Heinrich Böll. Bên cạnh đó, sự định hướng chặt chẽ của xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đã tạo điều kiện cho văn học của nước CHDC Đức, văn học chống phát xít, chống chiến tranh được giới thiệu với những đại diện là Anna Seghers, Bruno Apitz, Eduard Claudius, Erich Maria Remarque. Có thể thấy, mỗi miền đều có sự chuẩn bị cho người đọc của mình, định hình kiểu công chúng tiếp nhận tự do hay có định hướng.
2. Bình biện dịch thuật nổi trội trong việc tiếp nhận tiểu thuyết hiện đại Đức ở Việt Nam. So với nghiên cứu và phê bình, dịch thuật có được nhiều thành quả hơn về mặt tiếp nhận. Một là, đội ngũ Tây học của Việt Nam đã có sự chuẩn bị từ trước, họ chính là lực lượng dịch giả, học giả, nhà giáo dạy học trong nhà trường. Hai là, ngôn ngữ dịch không nhất định phải trực tiếp từ tiếng Đức, mà thuận theo ngôn ngữ trung gian của các dịch giả. Ba là, điều kiện về công tác xuất bản cũng như nhà xuất bản sách ở hai miền Việt Nam và giai đoạn sau này được quan tâm đã hỗ trợ những bản in đến với công chúng một cách thuận lợi, nhanh chóng. Cuối cùng, công chúng của tiểu thuyết thường đông đảo hơn công chúng tinh hoa (giới nghiên cứu phê bình văn học), do vậy, tiểu thuyết hiện đại Đức được dịch và xuất bản đã tạo được làn sóng đọc các tác gia như Hermann Hesse, Thomas Mann, E.M. Remarque ở trong miền Nam cũng như sự mến mộ ưa chuộng của công chúng ở miền Bắc dành cho Anna Seghers ở cùng thời điểm.
3. Bình diện nghiên cứu – phê bình tiểu thuyết hiện đại Đức ở Việt Nam chưa có nhiều đóng góp như bình diện dịch thuật. Ngôn ngữ nghiên cứu - phê bình còn mang tính quan điểm và định hướng. Những đóng góp ở nội dung này có thể kể đến ở khâu giới thiệu và điểm sách. Ngoài giới thiệu về tác giả và văn nghiệp, các bài viết ở miền Nam trước năm 1975 còn lí giải những khắc khoải, những mong mỏi và chờ đợi, những sự tìm kiếm bản thân mà tiểu thuyết của các tác giả được chọn dịch ở miền Nam mang lại với tinh thần vẫn là tự do học thuật. Trong khi đó ở miền Bắc trước 1975 và kéo dài cho đến hết thế kỉ 20, các bài viết chủ yếu mang tính định hướng, đề cao sự ca ngợi, có tính học tập, bang giao trong khối xã hội chủ nghĩa hay chống chiến tranh, chống phát xít. Vì thế, ngôn ngữ nghiên cứu có phần thiên lệch, nặng tính chính trị và qui kết trong đánh giá của người nghiên cứu ở miền Bắc. Ngôn ngữ nặng tính phê phán như vậy còn kéo dài đến sau ngày thống nhất đất nước, đi qua thời kì Đổi mới và về sau đã được cải thiện.
4. Những đối tượng tiếp nhận được khảo sát trong luận án là dịch giả, nhà nghiên cứu và phê bình trong và ngoài nước có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến tiểu thuyết hiện đại Đức ở Việt Nam. Khoảng 70 năm tiểu thuyết hiện đại Đức hiện diện ở Việt Nam, sự chuẩn bị và định hình của những thế hệ người đọc như hiện nay đã bắt đầu từ những định hướng của thế hệ độc giả tinh hoa trên.
5. Nguồn tư liệu tham khảo của luận án liệt kê hơn 400 tư liệu về lí thuyết tiếp nhận, bao gồm các bản dịch tiểu thuyết, các nghiên cứu phê bình về tiểu thuyết hiện đại Đức cũng như văn học Đức, tài liệu về Trường phái Konstanz và nghiên cứu lí thuyết tiếp nhận văn học cùng các tư liệu hỗ trợ khác, đã hình thành nên bức tranh về nghiên cứu tiếp nhận tiểu thuyết hiện đại Đức ở Việt Nam.
+ Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
Với những kết luận khoa học trên đây, chúng tôi nghĩ rằng luận án “Vấn đề tiếp nhận tiểu thuyết hiện đại Đức ở Việt Nam” có thể là:
(1) Tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu về văn học Đức, tiểu thuyết Đức.
(2) Tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu giảng dạy văn học Đức, tiếp nhận văn học.
(3) Danh sách tài liệu tham khảo vẫn còn đang cập nhật, luận án sưu tầm các bản dịch và bài viết liên quan đến tiểu thuyết hiện đại Đức trong khả năng từ đầu thế kỉ 20 đến nay. Trong tương lai, những tư liệu quá cũ đã thất lạc và tư liệu chưa đầy đủ có thể được tìm thấy để bổ khuyết cho nguồn tư liệu hiện nay.
(4) Luận án dựa trên quan điểm lịch sử về tiếp nhận văn học của Hans Robert Jauss làm cơ sở lí thuyết, vì thế kết quả tiếp nhận vẫn còn nặng ý kiến và nhận định của giới tinh hoa về tiểu thuyết hiện đại Đức. Trong tương lai, xu hướng nghiên cứu mới về phản hồi độc giả và các kiểu bạn đọc mới trong thiết chế/ định chế (establishment) truyền thông có thể được nghiên cứu sâu hơn ở những công trình khác.
Hãy là người bình luận đầu tiên