Tên đề tài luận án: Văn hóa biển của người Việt vùng Nam Trung Bộ Việt Nam
Chuyên ngành:Văn hóa học
Mã số: 9229040
Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Hải Lê
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Phan Thị Yến Tuyết
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
1. Tóm tắt nội dung luận án
Hướng ra biển và đại dương để phát triển đang là xu thế chung của nhân loại, vì vậy, nghiên cứu về biển là nhu cầu cấp thiết. Việt Nam là một quốc gia biển. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang có những định hướng và hoạt động tích cực trong nghiên cứu khoa học về biển để phát huy thế mạnh từ biển, trong đó, khoa học xã hội và nhân văn là mảng nghiên cứu đang được tập trung nhiều hơn trong những năm vừa qua.
Là một tiểu vùng văn hóa ở Việt Nam, văn hóa Nam Trung Bộ nổi bật bởi yếu tố biển. Mặc dù có tiềm năng to lớn về biển đảo nhưng Nam Trung Bộ đến nay vẫn chưa phát huy được nhiều những thế mạnh mà tự nhiên mang lại. Bên cạnh đó, mối nguy về an ninh biển đảo, thiên tai và những hoạt động khai thác biển không hợp lý, đặc biệt là sự mai một, biến đổi của không ít các giá trị văn hóa biển truyền thống đã và đang đặt ra những vấn đề mang tính cấp thiết.
Nghiên cứu văn hóa biển của người Việt ở vùng Nam Trung Bộ nhằm nhận diện, tìm kiếm những giá trị văn hóa biển tương đồng toàn tiểu vùng Nam Trung Bộ; bảo vệ di sản văn hóa biển trước nguy cơ một số thành tố văn hóa biển đang dần mai một và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo trong giai đoạn hiện nay, góp phần xây dựng chiến lược biển vì lợi ích, phát triển của đất nước.
Ngoài phần mở đầu, kết luận và phụ lục, bố cục của luận án chia làm 3 chương:
Chương 1: “Cơ sở lý luận và khái quát về vùng biển và người Việt ở vùng biển Nam Trung Bộ” trình bày các khái niệm liên quan, lý thuyết tiếp cận cùng những đặc điểm về tự nhiên của vùng biển đảo, cộng đồng cư dân và ngư dân Việt ở ven biển và hải đảo Nam Trung Bộ. Chương 1 có ý nghĩa nền tảng, làm điểm tựa về mặt lý luận cho những vấn đề đặt ra ở chương 2 và 3.
Chương 2: “Văn hóa vật chất của người Việt vùng biển Nam Trung Bộ” đề cập đến các khía cạnh: văn hóa sinh kế (bao gồm các khía cạnh như: đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, nghề làm muối, nghề đóng và sửa chữa tàu thuyền, du lịch biển); Các khía cạnh của văn hóa vật chất bao gồm nhà ở, ẩm thực, trang phục, phương tiện di chuyển và công cụ đánh bắt trên biển.
Chương 3: “Văn hóa tinh thần của người Việt vùng biển Nam Trung Bộ” tìm hiểu các vấn đề về văn hóa tổ chức xã hội; văn hóa tâm linh; văn học dân gian và nghệ thuật diễn xướng dân gian.
2. Những kết quả của luận án
2.1. Ý nghĩa khoa học
(1) Luận án hướng tới bổ sung một số luận điểm cụ thể về mối liên hệ giữa môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, con người và văn hóa;
(2) Tìm hiểu những giá trị văn hóa biển nổi bật, đặc trưng của cộng đồng ngư dân và cư dân người Việt ở Nam Trung Bộ trong mối quan hệ với biển;
(3) Bước đầu nhận diện những biến đổi văn hóa, phản ánh xu hướng môi trường sinh thái và môi trường xã hội.
(4) Góp phần kiến giải, ứng dụng khung lý thuyết cùng phương pháp nghiên cứu văn hóa biển.
2.2. Ý nghĩa thực tiễn
(1) Đóng góp thông tin về văn hóa biển trong công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập;
(2) Dùng làm tài liệu tham khảo cho các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng biển đảo.
3. Hướng nghiên cứu tiếp theo
Trong thời gian tới, nếu có điều kiện nghiên cứu, chúng tôi sẽ tiến hành theo ba hướng như sau:
Một là, nghiên cứu theo chiều sâu về các khía cạnh văn hóa biển ở Nam Trung Bộ;
Hai là, nghiên cứu theo phạm vi hẹp về văn hóa biển của từng địa phương cụ thể để tìm ra các giá trị văn hóa biển riêng ở từng địa phương;
Ba là, nghiên cứu so sánh, tìm ra những điểm giống và khác nhau trong văn hóa biển giữa các vùng văn hóa tại Việt Nam.
Hãy là người bình luận đầu tiên