Tên đề tài: Văn hóa đọc của sinh viên trường đại học Cần Thơ hiện nay
Chuyên ngành: Văn hóa học
Mã số: 9229040
Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Hoàng Vĩnh Vương
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Tóm tắt: Đọc là phạm trù hoạt động rất quan trọng đối với đời sống học tập của sinh viên nhưng một bộ phận sinh viên (SV) lười đọc và ngại đọc, do đó nghiên cứu văn hóa đọc sinh viên nói chung hay một đại học nói riêng là rất cần thiết. Bên cạnh đó, thuật ngữ văn hóa đọc còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Trước bối cảnh đó, chúng tôi nghiên cứu Văn hóa đọc của sinh viên trường đại học Cần Thơ hiện nay qua góc nhìn tính hệ thống của văn hóa để hiểu và lý giải hiện tượng văn hóa đọc của sinh viên Đại học Cần Thơ (ĐHCT) ở Tây Nam Bộ, là “vùng trũng” giáo dục nhưng ĐHCT lại là một đại học uy tín ở Việt Nam và một lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo đạt chuẩn mực thế giới.
Mục tiêu nghiên cứu: Mô tả và lý giải hiện tượng văn hóa đọc của SVĐHCT hiện nay ở phương diện văn hóa nhận thức, văn hóa ứng xử và văn hóa tổ chức việc đọc qua góc nhìn của chính sinh viên, giảng viên và nhà Trường. Qua cách tiếp cận hệ thống, luận án sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng kết hợp nghiên cứu định tính theo hướng tiếp nối để chỉ ra những luận cứ khoa học trả lời mục tiêu nghiên cứu.
Nội dung luận án gồm 3 chương chính:
Chương 1. Cơ sở lý luận và thực tiễn
Tiếp cận nghiên cứu trong tính hệ thống của văn hóa, luận án nhận thức “văn hóa đọc là tổng thể phức hợp của quá trình nhận thức, tổ chức thực hiện hoạt động đọc và ý nghĩa của văn hóa đọc được lan tỏa trong cộng đồng”. Ngoài ra, chương này nêu tổng quan về vùng đất và con người Tây Nam Bộ còn nhận thức “lấy táo đong lúa, chứ đâu có lấy táo đong chữ”. Tuy nhiên, Tây Nam Bộ cũng là nơi sản sinh nhiều bậc trí giả góp phần lan tỏa văn hóa đọc qua không gian và thời gian. Bên cạnh đó, chỉ ra một số đặc trưng ban đầu của ĐHCT là ĐH có bề dày nghiên cứu và đào tạo uy tín ở phạm vi cả nước và có một số lĩnh vực đạt chuẩn mực hàng đầu thế giới. Phần lớn sinh viên và giảng viên của ĐHCT là người cư trú ở Tây Nam Bộ.
Chương 2: Văn hóa nhận thức và văn hóa ứng xử với việc đọc của sinh viên Đại học Cần Thơ
Sinh viên ĐHCT hiểu rõ tầm quan trọng của việc đọc để phát triển trí tuệ, giúp đạt kết quả học tập tốt hơn và phát triển kỹ năng sống. Nhưng không phải hầu hết sinh viên tự nhận thức bản thân là người thích đọc, một bộ phận sinh viên cho rằng đọc là hoạt động nhàm chán. Nhận thức như khung định hướng hành động đọc và là nền tảng hình thành giá trị của việc đọc của sinh viên. Nhận thức của sinh viên về việc đọc có ảnh hưởng tích cực từ môi trường văn hóa văn hóa, gia đình và nhà Trường.
Văn hóa ứng xử với việc đọc của sinh viên đạt được ý nghĩa tích cực không chỉ cho bản thân sinh viên mà còn có ý nghĩa với gia đình và nhà Trường. Sinh viên đạt được kết quả học tập tốt, phát triển tri thức và phát triển kỹ năng sống. Ngoài ra, sinh viên còn thể hiện trách nhiệm chia sẻ tri thức nâng cao đời sống sức khỏe và lao động sản xuất của gia đình. Sinh viên còn là động lực khuyến khích bạn bè đọc. Và họ cũng là mục tiêu thúc đẩy các bên liên quan của Trường phát triển nguồn nhân lực, phát triển chất lượng NCKH, phát triển cơ sở vật chất không gian đọc tiện ích góp phần tạo nên văn hóa đọc của nhà Trường. Tương tự, ĐHCT là môi trường có tác động trở lại khuyến khích phát triển văn hóa đọc trong sinh viên. Văn hóa đọc của sinh viên vừa là mục tiêu vừa là động lực góp phần tạo nên văn hóa nhà Trường.
Chương 3: Văn hóa tổ chức với việc đọc của sinh viên Đại học Cần Thơ
Hành động tổ chức việc đọc của sinh viên chỉ ra cách nghĩ về việc đọc và phản ảnh giá trị của việc đọc của sinh viên. Sinh viên khai thác hiệu quả không gian đọc mạng và không gian thực, tận dụng tốt thời gian mạng và thời gian thực để tiếp cận các nguồn lực cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn tài liệu ở Trường để đọc. Sinh viên biết tận dụng điều kiện thuận tiện ở môi trường xã hội và điều kiện gia đình để thực hiện hoạt động đọc.
Kết quả nghiên cứu
Về mặt khoa học: Nghiên cứu đạt được tri thức lý luận từ góc nhìn tính hệ thống của văn hóa và cách sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng kết hợp nghiên cứu định tính để chỉ ra đặc điểm văn hóa đọc của sinh viên và lý giải được vai trò môi trường văn hóa và các bên liên quan của ĐHCT có ảnh hưởng tích cực đến văn hóa đọc của sinh viên ĐHCT. Về mặt thực tiễn: đóng góp mới của luận án là chỉ ra văn hóa đọc không chỉ có vai trò quan trọng đối với bản thân sinh viên mà còn có ý nghĩa tích cực với gia đình, nhà Trường và cộng đồng. Văn hóa đọc của sinh viên có ảnh hưởng tích cực từ môi trường văn hóa xã hội Tây Nam Bộ, gia đình và giáo dục của nhà Trường.
Hướng phát triển tiếp theo của luận án: Nghiên cứu quan điểm của các bên liên quan bên ngoài ĐHCT gồm nhà tuyển dụng và sử dụng lao động, đơn vị tiếp nhận thực tập hoặc kiến tập. Cách tiếp cận phương pháp nghiên cứu kết hợp định lượng và định tính chưa phổ biến trong các nghiên cứu văn hóa đọc ở trong nước, do đó luận án có thể mở rộng khách thể nghiên cứu văn hóa đọc thiếu nhi, người trưởng thành hoặc một cộng đồng văn hóa. Ngoài ra, nghiên cứu văn hóa đọc của sinh viên sau khi tốt nghiệp để nhận diện tính bền vững trong văn hóa đọc thích ứng môi trường làm việc.
Hãy là người bình luận đầu tiên