Tên đề tài: Văn hóa giáo dục trong gia đình người Việt Tây Nam Bộ
Chuyên ngành: Văn hóa học
Mã số: 9229040
Họ và tên nghiên cứu sinh: Trương Thị Lam Hà
Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. Ngô Văn Lệ
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
+ Tóm tắt nội dung luận án (abstract)
Giáo dục trong gia đình là môi trường xã hội hóa đầu tiên, góp phần quan trọng hình thành nhân cách của mỗi cá nhân, gắn liền với sự tồn tại và phát triển của con người. Gia đình không chỉ có nhiệm vụ giáo dục các giá trị liên quan đến cá nhân và cộng đồng mà còn đóng vai trò quan trọng tác động đến nhận thức về học vấn và nghề nghiệp tương lai của con cái, phát triển nguồn nhân lực cho xã hội. Bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Tây Nam Bộ đã hình thành nên đặc điểm riêng của văn hóa giáo dục trong gia đình. Những đặc điểm đó có những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến việc đào tạo nguồn nhân lực cho Tây Nam Bộ. Thực tế cho thấy, Tây Nam Bộ là vùng đất có nguồn nhân lực dồi dào nhưng lại hạn chế về chất lượng so với các vùng khác. Nghiên cứu làm rõ đặc điểm văn hóa giáo dục trong gia đình người Việt Tây Nam Bộ, nguyên nhân hình thành và hệ quả của văn hóa giáo dục trong gia đình đến việc đào tạo nguồn nhân lực, phát triển con người trong bối cảnh hiện nay.
+ Những kết quả của luận án
1. Các đặc điểm văn hóa giáo dục trong gia đình người Việt Tây Nam Bộ được nhận diện qua quá trình tích lũy từ truyền thống đến hiện đại, thông qua ba bình diện nhận thức, tổ chức, ứng xử là: giáo dục mang tính hai chiều, bình đẳng, chú trọng thực tiễn với mô hình giáo dục hợp tác.
2. Phân tích nguyên nhân hình thành đặc điểm văn hóa giáo dục cho thấy vai trò của bối cảnh văn hóa, của các giá trị văn hóa truyền thống có tầm ảnh hưởng quan trọng đến giáo dục trong gia đình người Việt Tây Nam Bộ hiện nay. Với điều kiện đặc thù về không gian, chủ thể, thời gian, tính mở của vùng văn hóa Tây Nam Bộ thể hiện rất rõ. Tính mở này là tiền đề cho “giáo dục mở”, giáo dục hai chiều, trao quyền tự quyết cho con cái. Phân tích của chúng tôi cho thấy quá trình học hỏi và tiếp nhận văn hóa giữa các cộng đồng dân cư vẫn diễn ra liên tục ở Tây Nam Bộ, và việc giáo dục con cái giữ gìn các giá trị văn hóa gốc luôn song song với việc tiếp nhận các giá trị văn hóa mới.
3. Ngoài ra, văn hóa mặc dù tích lũy qua quá trình, hình thành những đặc điểm chung, nhưng ít nhiều sẽ có sự khác nhau trong giáo dục giữa các gia đình. Nghiên cứu cũng cho thấy vai trò của các loại vốn đến văn hóa giáo dục ở các gia đình. Các nguồn vốn, đặc biệt là vốn văn hóa và vốn kinh tế ở Tây Nam Bộ không đồng đều ở các gia đình. Những gia đình sở hữu các loại vốn cao sẽ có ưu thế hơn những gia đình sở hữu các loại vốn thấp. Điều này cũng nhìn nhận sự bất bình đẳng trong giáo dục con cái ở các nhóm xã hội khác nhau, khi môi trường gia đình chi phối đến việc đầu tư giáo dục và khả năng học lên cao của con cái. Ngoài khác biệt về các loại vốn, tính thực tiễn với tư duy duy lý cũng đã tác động nhiều đến các nội dung giáo dục và cả việc tiếp nhận giáo dục từ con cái ở các gia đình người Việt Tây Nam Bộ.
4. Hệ quả của văn hóa giáo dục trong gia đình có ảnh hưởng tích cực trong việc phát triển nguồn nhân lực, giúp cá nhân phát huy sự chủ động, sáng tạo mà không mang tính áp đặt, khuôn mẫu. Tuy nhiên, đặc điểm giáo dục trong gia đình người Việt ở Tây Nam Bộ cũng có nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho việc phát triển nguồn nhân lực ở chỗ nhiều gia đình chưa có định hướng rõ trong giáo dục, dẫn đến kết quả chất lượng nguồn nhân lực chưa cao và không đồng đều.
+ Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
Kết quả nghiên cứu của luận án cung cấp nguồn tư liệu tổng hợp mang tính lý luận về giáo dục, văn hóa giáo dục trong gia đình, bước đầu nhận diện những đặc điểm văn hóa giáo dục trong gia đình người Việt Tây Nam Bộ. Luận án còn là tài liệu tham khảo cho những ai quan tâm đến văn hóa giáo dục, văn hóa gia đình trong không gian văn hóa Nam Bộ. Để luận án có thể phát triển hơn, ngoài việc triển khai sâu hơn nữa các vấn đề đã thực hiện, luận án có thể mở ra hướng nghiên cứu mới là khảo sát so sánh người Việt và các tộc người khác cùng cộng cư ở Nam Bộ (Khmer, Hoa, Chăm…) để làm rõ hơn sự tương đồng và khác biệt trong văn hóa giáo dục của các tộc người vùng Tây Nam Bộ.
Hãy là người bình luận đầu tiên