Triết học Mác-Lênin là một trong ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác-Lênin (1). Với tư cách là hệ thống quan điểm duy vật biện chứng về tự nhiên, xã hội và tư duy, Triết học Mác-Lênin là thế giới quan, phương pháp luận khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin nói riêng, của nhân dân lao động và các lực lượng xã hội tiến bộ nói chung trong nhận thức và thực tiễn cải tạo thế giới.
Từ khi chủ nghĩa Mác-Lênin được Nguyễn Ái Quốc truyền bá vào Việt Nam, thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa này đã được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển sáng tạo nên đã giải quyết được cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước; lãnh đạo dân tộc giành được độc lập; thống nhất được đất nước, bảo vệ được chủ quyền của Tổ quốc và đang từng bước thu được những thắng lợi trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập.
Hiện nay, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh, tạo ra nhiều khâu đột phá; đại dịch Covid-19 đang làm thế giới rơi vào khủng hoảng trầm trọng trên nhiều mặt; thế giới và khu vực có nhiều thay đổi rất nhanh và phức tạp bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế... Trong bối cảnh đó, từ lịch sử của dân tộc và nhu cầu phát triển của cách mạng Việt Nam, từ quy định mang tính pháp lý của Luật (2), Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ, là nền tảng vững chắc của Đảng, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động” (3).
Với tầm quan trọng như vậy, chủ nghĩa Mác-Lênin ở nước ta giữ một vị trí đặc biệt trong hệ thống giáo dục quốc dân. Ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa này được xây dựng thành ba môn học tương ứng thuộc chương trình chính khóa ở tất cả các trường đại học và cao đẳng; trong đó, ngay từ năm thứ nhất, Triết học Mác-Lênin được giảng dạy đầu tiên để đổ nền cho việc hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học, nhân sinh quan tích cực ở người học, định hướng để họ tiếp cận đến các khoa học khác trong thời gian học tập tại trường nói riêng và trong cuộc sống nói chung.
Nhu cầu truyền bá tri thức khoa học vào quần chúng để nâng cao dân trí, củng cố sự thống nhất về tư tưởng, đồng thuận về lý tưởng; nhu cầu đảm bảo sự liên thông giữa các cơ sở đào tạo trong Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM); nhu cầu thực hiện Nghị quyết của các cấp bộ Đảng cấp trên trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ đã đặt ra cho ĐHQG-HCM tầm nhìn về một mô hình đại học chia sẻ - nơi tạo ra nền tảng cơ sở hạ tầng tài nguyên học liệu số - nơi cung cấp thông tin qua các bài giảng trực tuyến để lan tỏa tri thức vào cộng đồng. Đề án “Mô hình giáo dục 4.0 trên nền tảng áp dụng CDIO hiện đại tại ĐHQG-HCM, giai đoạn 2018-2022” (Đề án GD 4.0) của ĐHQG-HCM đã ra đời. Chương trình xây dựng bài giảng trực tuyến môn Triết học Mác-Lênin theo mô hình Flipped Classroom (mô hình lớp học đảo ngược) (4) dùng chung trong ĐHQG-HCM là một phần của đề án này.
Để triển khai chương trình này, ĐHQG-HCM đã:
- Tổ chức nghiên cứu các mô hình giáo dục, các mô hình giảng dạy - học tập của thế giới để chọn mô hình tối ưu phù hợp với điều kiện cụ thể ở Việt Nam.
- Thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác (gồm: Tổ chuyên môn, Tổ kỹ thuật, Tổ thư ký).
- Tổ chức tập huấn cho Tổ công tác về giảng dạy theo mô hình Flipped Classroom và chỉ đạo Tổ công tác xây dựng đề cương chi tiết môn học theo mô hình này.
- Chỉ đạo Tổ công tác xác định phương thức, phương pháp thực hiện bài giảng; thực hiện ghi hình 3 video bài giảng thử nghiệm.
- Tổ công tác rút kinh nghiệm 3 video thử nghiệm; thống nhất về những yêu cầu chung cho các video; giảng viên đăng ký nhận nội dung giảng dạy, thực hiện ghi hình các bài giảng theo nội dung đăng ký. Sau một thời gian triển khai, Tổ công tác thu nhận được 56 video bài giảng bao phủ những nội dung trọng yếu của toàn bộ chương trình môn học.
- ĐHQG-HCM tổ chức lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của Ban Giám hiệu, Phòng Đào tạo của các trường đại học thành viên, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và tất cả giảng viên giảng dạy Triết học Mác-Lênin trong ĐHQG-HCM về hệ thống 56 video bài giảng.
- Từ những nhận xét, đánh giá phản hồi, Ban chỉ đạo giao cho Tổ công tác sửa chữa hệ thống video bài giảng thuộc Chương I và Chương II của môn học.
- Sau khi Tổ công tác đã hoàn thành việc sửa chữa, ĐHQG-HCM mời 5 chuyên gia ngoài ĐHQG-HCM phản biện hệ thống video bài giảng. Phản biện là các phó giáo sư, tiến sĩ Triết học đang giảng dạy Triết học Mác-Lênin hoặc đang đào tạo giáo viên giảng dạy Triết học Mác-Lênin thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; là giảng viên giảng dạy Triết học Mác-Lênin trong chương trình trung cấp lý luận, cao cấp lý luận thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. ĐHQG-HCM cũng gửi hệ thống video bài giảng đến Ban Giám hiệu, Phòng Đào tạo của các trường đại học thành viên, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và tất cả giảng viên giảng dạy Triết học Mác-Lênin trong ĐHQG-HCM để lấy ý kiến lần thứ hai về các video này. Sau đó, ĐHQG-HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học với sự tham dự của tất cả các thành phần nói trên để xác định một lần nữa những yếu tố tich cực và hạn chế của các video bài giảng và thống nhất về lộ trình đưa các video vào giảng dạy thử nghiệm theo mô hình đã lựa chọn.
- Từ kết quả của Hội thảo, ĐHQG-HCM và Ban chỉ đạo đã giao cho Ban Đào tạo và Tổ công tác phối hợp với nhau để: - 1). Tiếp thu có chọn lọc ý kiến của Hội thảo, tiếp tục sửa chữa hệ thống video bài giảng; bổ sung hệ thống câu hỏi trắc nghiệm và danh mục tài liệu tham khảo cho từng video bài giảng để đưa vào nguồn tài nguyên học liệu số của môn học. - 2). Xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện môn học và tổ chức thực hiện thử nghiệm môn học theo mô hình Flipped Classroom vào học kỳ II năm học 2021-2022 trong toàn ĐHQG-HCM. - 3). Có kế hoạch thu nhận phản hồi của người dạy và người học sau khi kết thúc môn học. -4). Tiếp thu có chọn lọc các ý kiến phản hồi để tiếp tục hoàn thiện video bài giảng Chương I và Chương II; triển khai xây dựng video bài giảng Chương III và hoàn thành toàn bộ hệ thống tài nguyên học liệu số của môn học theo mô hình Flipped Classroom trong năm 2022. Hệ thống tài nguyên học liệu số của môn học gồm: Hệ thống video bài giảng, hệ thống câu hỏi trắc nghiệm, hệ thống vấn đề phát triển năng lực tư duy và khả năng vận dụng, hệ thống danh mục tài liệu tham khảo theo từng video và có thể xây dựng thêm hệ thống video bổ trợ để làm phong phú hơn, nhẹ nhàng hơn việc truyền đạt tri thức một lĩnh vực không dễ dạy và cũng không dễ học.
Với tinh thần trách nhiệm đối với sinh viên, đối với xã hội của cán bộ, giảng viên, chuyên viên tham gia vào chương trình này; với nhiệt huyết và năng lực của tập thể các nhà giáo, các nhà khoa học trực tiếp xây dựng hệ thống bài giảng; ĐHQG-HCM tin tưởng sẽ có một sản phẩm chất lượng mang thương hiệu ĐHQG-HCM, góp phần nâng cao nhận thức và tình cảm của sinh viên khi tiếp cận với Triết học Mác-Lênin; góp phần làm lan tỏa nội dung khoa học, cách mạng, nhân văn của triết học này trong xã hội để không ngừng củng cố sự thống nhất, đồng thuận về tư tưởng theo tính chất của nền giáo dục quốc dân và theo tinh thần của “vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn” mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định.
_________
(1) Chủ nghĩa Mác-Lênin - hệ thống tri thức lý luận gồm ba bộ phận cấu thành là Triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị Mác-Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học.
(2) Xem: Quốc hội: Luật Giáo dục – Luật số 43/2019/QH14, ban hành ngày 14 tháng 6 năm 2019. Điều 3 của Luật này ghỉ rõ: “Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng”.
(3) Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, t.1, tr.30 – 33.
(4) Xin xem thông tin về mô hình Flipped Classroom tại Phụ lục đính kèm Công văn số 810/ĐHQG-ĐH ngày 27/5/2021 của ĐHQG-HCM
Ban Đào tạo ĐHQG-HCM
Hãy là người bình luận đầu tiên