Khoa học - Công nghệ

Hiệu lực, hiệu quả và khả năng bảo vệ của vắc-xin COVID-19

  • 23/08/2021
  • ThS. Lý Thị Minh Trang
    Giảng viên Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học An Giang, ĐHQG-HCM
    ---------

     

    Vắc-xin Coronavirus Disease 2019 (COVID-19) đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chứng minh là an toàn, hiệu quả và là phao cứu sinh trong giai đoạn đại dịch như hiện nay. Giống như tất cả các loại vắc-xin, chúng không bảo vệ hoàn toàn cho tất cả những người được tiêm chủng và chúng ta chưa biết hiệu quả vắc-xin COVID-19 có thể ngăn mọi người lây lan vi-rút cho người khác tốt như thế nào. Vì vậy, cũng như việc chủng ngừa, chúng ta cũng phải tiếp tục thực hiện các biện pháp khác để chống lại đại dịch.

    Hiệu lực và hiệu quả của vắc-xin

    Tất cả vắc-xin COVID-19 được WHO phê duyệt đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp đều đã được thông qua các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên để kiểm tra chất lượng, độ an toàn và hiệu lực của chúng. Để được chấp thuận, vắc-xin bắt buộc phải có tỷ lệ hiệu lực cao từ 50% trở lên [5], [6]. Sau khi được phê duyệt, chúng tiếp tục được theo dõi để đảm bảo an toàn và hiệu quả liên tục. Nhưng sự khác biệt giữa hiệu lực và hiệu quả là gì?

    Hiệu lực của vắc-xin được đo lường trong một thử nghiệm lâm sàng có kiểm soát và dựa trên số lượng người đã tiêm vắc-xin có nguy cơ phát triển thành bệnh (kết quả được quan tâm) so với số người dùng giả dược - placebo (trông giống như một loại thuốc mới nhưng không chứa các thành phần hoạt chất của thuốc để đánh giá hiệu quả và tác động của thuốc, được sử dụng trong quá trình thử nghiệm lâm sàng vắc-xin) có cùng kết quả. Sau khi nghiên cứu hoàn tất, số lượng người bị bệnh trong mỗi nhóm sẽ được so sánh, để tính toán nguy cơ mắc bệnh tương đối có tùy thuộc vào đối tượng có được tiêm vắc-xin hay không. Từ đó nhóm nghiên cứu nhận được hiệu quả là thước đo mức độ giảm nguy cơ mắc bệnh của vắc-xin. Nếu một loại vắc-xin có hiệu lực cao, sẽ có ít người trong nhóm được tiêm vắc-xin bị bệnh hơn rất nhiều so với những người trong nhóm được dùng giả dược [5].

    Ví dụ, hãy tưởng tượng một loại vắc-xin có hiệu quả đã được chứng minh là 80%. Điều này có nghĩa là - trong số những người trong thử nghiệm lâm sàng - những người được tiêm vắc-xin có nguy cơ phát triển bệnh thấp hơn 80% so với nhóm được sử dụng giả dược. Điều này được tính toán bằng cách so sánh số trường hợp mắc bệnh trong nhóm được tiêm chủng so với nhóm dùng giả dược. Hiệu lực 80% cũng không có nghĩa là 20% nhóm được tiêm chủng sẽ bị bệnh  [5].

    Hiệu quả của vắc-xin là thước đo hoạt động của vắc-xin trong thực tế tốt như thế nào. Các thử nghiệm lâm sàng bao gồm nhiều đối tượng như ở nhiều độ tuổi, giới tính, dân tộc khác nhau và những người có các tình trạng sức khỏe đã biết trước nhưng các thử nghiệm lâm sàng này không thể là đại diện hoàn hảo cho toàn bộ dân số. Hiệu quả được thấy trong các thử nghiệm lâm sàng áp dụng cho các kết quả cụ thể trong từng thử nghiệm. Hiệu quả được đo lường bằng cách quan sát sự hoạt động của vắc-xin để bảo vệ cộng đồng nói chung. Hiệu quả trong thế giới thực có thể khác với hiệu lực đo được trong một thử nghiệm, bởi vì các nhà khoa học không thể dự đoán chính xác mức độ hiệu quả của việc tiêm chủng đối với một nhóm dân số lớn hơn và nhiều biến đổi hơn được tiêm chủng trong điều kiện thực tế hơn [5].

    Tính bảo vệ và thời gian hiệu quả của vắc-xin

    Vắc-xin cung cấp sự bảo vệ mạnh mẽ, nhưng sự bảo vệ đó cần có thời gian để xây dựng. Mọi người phải dùng tất cả các liều cần thiết của một loại vắc-xin để xây dựng khả năng miễn dịch đầy đủ. Đối với vắc-xin hai liều thì vắc-xin chỉ bảo vệ một phần sau liều đầu tiên và liều thứ hai làm tăng khả năng bảo vệ đó. Cần có thời gian vài tuần sau liều thứ hai trước khi sự bảo vệ đạt đến mức tối đa. Đối với vắc-xin một liều, mọi người sẽ có khả năng miễn dịch tối đa chống lại COVID-19 vài tuần sau khi tiêm chủng ngừa [5]

    Khả năng nhiễm bệnh và sự bảo vệ của vắc-xin

    Vắc-xin có thể ngăn ngừa phần lớn mọi người không bị lây nhiễm với COVID-19, nhưng không có nghĩa là tất cả mọi người đều miễn nhiễm [2].

    Do vắc-xin không cung cấp khả năng bảo vệ tuyệt đối (100%), nên “sự nhiễm trùng đột phá” khi một người nhiễm vi-rút, mặc dù đã được tiêm phòng đầy đủ sẽ xảy ra. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), nhiễm trùng đột phá trong vắc-xin được định nghĩa là sự phát hiện của SARS-CoV-2 RNA hoặc kháng nguyên trong mẫu bệnh phẩm đường hô hấp được thu thập của một người từ 14 ngày sau khi tiêm chủng tất cả các liều khuyến cáo của vắc-xin COVID-19 được cho phép. Tuy nhiên, theo báo cáo từ CDC, tỷ lệ người đã tiêm chủng đầy đủ các liều vắc-xin nhưng vẫn mắc bệnh với COVID-19 là rất nhỏ.

    Những người được tiêm chủng có một mức độ miễn dịch nhất định nên nếu bị bệnh, họ có thể có các triệu chứng nhẹ hơn, nói chung rất hiếm trường hợp người được tiêm chủng bị bệnh nặng đến nhập viện hoặc tử vong [2], [5]. Càng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những người được tiêm vắc-xin đầy đủ ít có khả năng bị lây nhiễm bệnh mà không có triệu chứng (hay còn gọi là lây nhiễm không triệu chứng) cũng như ít có khả năng lây lan vi-rút COVID-19 cho những người khác. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu thêm về vấn đề này.

    Sự lây truyền và tính bảo vệ của vắc-xin

    Vắc-xin COVID-19 là công cụ quan trọng trong ứng phó với đại dịch và bảo vệ chống lại việc mắc bệnh nghiêm trọng và tử vong. Vắc-xin ít nhất cung cấp một sự bảo vệ khỏi việc nhiễm bệnh và lây truyền, nhưng không nhiều bằng khả năng bảo vệ chúng chống lại nhiễm bệnh nghiêm trọng và tử vong [5]. Cần có thêm bằng chứng để xác định chính xác mức độ ngăn chặn sự lây nhiễm và lây truyền của vắc-xin.

    Sau khi được chủng ngừa, các cá nhân nên tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa đơn giản theo khuyến cáo của WHO bao gồm giữ khoảng cách với người khác, đeo khẩu trang, giữ phòng thông thoáng, tránh đông người, lau tay và ho vào khuỷu tay hoặc khăn giấy [4]; theo thông điệp 5K của Bộ Y tế Việt Nam bao gồm khẩu trang (đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly), khử khuẩn (rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay, vệ sinh các bề mặt vật dụng thường xuyên tiếp xúc, giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng), khoảng cách (giữ khoảng cách 2m khi tiếp xúc với người khác), không tụ tập đông người, khai báo y tế (thực hiện khai báo y tế trên App NCOVI; cài đặt ứng dụng BlueZone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19) [1].

    Hãy đến ngay cơ sở y tế kiểm tra nếu bạn có triệu chứng bị nhiễm bệnh, ngay cả khi bạn đã được tiêm phòng và kiểm tra khả năng nhiễm bệnh theo lời khuyên của nhân viên y tế ở địa phương nơi bạn sống và làm việc. 

    Các biến thể của vi-rút và sự bảo vệ của vắc-xin

    Khi các ca bệnh gia tăng và tốc độ lây truyền nhanh hơn, có nhiều khả năng các biến thể mới nguy hiểm và dễ lây lan hơn sẽ xuất hiện, có thể lây lan dễ dàng hơn hoặc gây ra bệnh nặng hơn. Hiện nay, vi-rút Sars-Cov-2 không ngừng biến đổi, nhiều biến chủng mới xuất hiện khiến diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp với số lượng ca nhiễm mới tăng cao. Chủng vi-rút Sars-Cov-2 mới được phát hiện lần đầu tiên tại Anh, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ. WHO đã thống nhất gọi các biến chủng mới này theo các ký hiệu bao gồm Alpha (B.1.1.7), Beta (B.1.351), Gamma (P.1), Epsilon (B.1.427/B.1.429) và Delta (B.1.617.2).[2], [3], [6],[7]

    Theo đó, biến thể Delta là tên của biến thể vi-rút Sars-Cov-2 chủng mới được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ. Biến chủng này được coi là biến thể nguy hiểm nhất trong số biến thể virus Corona được phát hiện, được WHO đánh giá thuộc nhóm đáng lo ngại hiện nay [1]. Hiện đã có hơn 80 quốc gia ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng này, trong đó có Việt Nam. Biến thể Delta được phát hiện phổ biến trong các ca dương tính COVID-19 tại thành phố Hồ Chí Minh [1],[3].

    Dựa trên những gì chúng ta biết cho đến nay, vắc-xin đang chứng minh hiệu quả chống lại các biến thể hiện có, đặc biệt là ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong. Tuy nhiên, một số biến thể đang có tác động nhẹ đến khả năng của vắc-xin trong việc bảo vệ chống lại bệnh nhẹ và nhiễm trùng [2], [4], [5], [6]. Vắc-xin có khả năng duy trì hiệu quả chống lại các biến thể do phản ứng miễn dịch rộng rãi mà chúng gây ra, có nghĩa là sự thay đổi hoặc đột biến của vi-rút không có khả năng làm cho vắc-xin hoàn toàn mất tác dụng [4], [5], [6],[7].

    Dữ liệu về hiệu quả của vắc-xin COVID-19 đối với kết quả lâm sàng với biến thể này còn hạn chế. Tuy nhiên, trong kết quả phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu nhận thấy mức độ hiệu quả cao của vắc-xin chống lại bệnh có triệu chứng với biến thể Delta sau khi tiêm hai liều. Những ước tính này chỉ thấp hơn một cách khiêm tốn so với ước tính về hiệu quả của vắc-xin chống lại biến thể Alpha [4]. Phát hiện của các nhà nghiên cứu về việc giảm hiệu quả sau liều đầu tiên sẽ hỗ trợ nỗ lực tối đa hóa việc hấp thu vắc-xin với liều thứ hai trong các nhóm dễ bị tổn thương với tình trạng lây nhiễm từ biến thể Delta [4]. Điều đó có nghĩa là hiệu quả của vắc-xin vẫn được đánh giá cao trong việc chống lại biến thể Delta khi được tiêm đầy đủ hai liều.

    Tóm lại, một trong những cách tốt nhất để bảo vệ chống lại các biến thể mới là tiêm chủng vắc-xin và tiếp tục áp dụng các biện pháp y tế công cộng đã được thử nghiệm. Tất cả các vắc-xin COVID-19 được WHO phê duyệt để đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp đã được kiểm tra kỹ lưỡng và chứng minh là có khả năng bảo vệ cao giúp bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng và tử vong. [5] Trước khi các biến thể vi-rút mạnh hơn xuất hiện, điều quan trọng là bạn cần tiêm vắc-xin càng sớm càng tốt khi đến lượt. Tiêm chủng COVID-19 là cách an toàn nhất giúp tạo hàng rào bảo vệ sức khỏe.

    Tài liệu tham khảo:

    1. Bộ Y Tế Việt Nam, Trang tin về Dịch bệnh Viêm Đường Hô hấp cấp Covid-19. https://ncov.moh.gov.vn
    2. CDC COVID-19 Vaccine Breakthrough Case Investigations Team. COVID-19 Vaccine Breakthrough Infections Reported to CDC - United States, January 1 - April 30, 2021. Morbidity and Mortality Weekly Report, Centers for Disease Control and Prevention (CDC).
    3. Công ty Vắc-xin Việt Nam. https://vnvc.vn/vaccine-covid-19.
    4. Jamie Lopez Bernal, F.F.P.H., Nick Andrews, Charlotte Gower, D.Phil., Eileen Gallagher, Ruth Simmons, Simon Thelwall, Julia Stowe, Elise Tessier, Natalie Groves, Gavin Dabrera, Richard Myers, Colin N.J. Campbell, et al. (2021). Effectiveness of Covid-19 Vaccines against the B.1.617.2 (Delta) Variant. The New England Journal of Medicine. DOI: 10.1056/NEJMoa2108891
    5. Tổ chức Y Tế Thế giới (World Health Organization) (2021). Vaccine efficacy, effectiveness and protection. Truy cập tại https://www.who.int/news-room/feature-stories/detail/vaccine-efficacy-effectiveness-and-protection.
    6. Tổ chức Y Tế Thế giới (World Health Organization) (2021). COVID-19 - Research and Innovation Achievements April 2021. R&D Blueprint.
    7. U.S. Department of Health and Human Services  Food and Drug Administration  Center for Biologics Evaluation and Research (2020). Development and Licensure of  Vaccines to Prevent COVID-19 - Guidance for Industry. Truy cập tại https://www.fda.gov/media/139638/download.
    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên